|
Theo các chuyên gia về tuyển sinh, năm nay, thí sinh đạt điểm cao vẫn có thể trượt ÐH một phần là do thí sinh và phụ huynh chủ quan, an tâm “ảo” khi so sánh với điểm thi năm ngoái. Ảnh: Nghiêm Huê
|
Nguyễn Lan Anh (Nam Định) cho biết suýt trượt đại học dù thi tốt nghiệp THPT 2020 đạt 26,4 điểm cộng 0,5 điểm khu vực. Ban đầu, Lan Anh chỉ đăng ký 6 nguyện vọng nhưng khi thấy phổ điểm năm nay được đánh giá cao hơn năm trước rất nhiều, nên em đăng ký thêm 6 nguyện vọng. Ngày 4/10, khi các trường báo điểm chuẩn, Lan Anh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng 8 vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. “Ban đầu khi ĐH Ngoại thương công bố điểm chuẩn dự kiến trước ĐH Kinh tế Quốc dân, em nhìn điểm mà choáng váng, nghĩ rằng có lẽ năm nay đã trượt ĐH”, Lan Anh kể.
Một số trường có mức điểm chuẩn rất cao nên thí sinh dù điểm cao vẫn có thể bị trượt đợt 1 xét tuyển. Năm nay có 3 thí sinh đạt thủ khoa tổ hợp C00 với tổng điểm 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý đạt 29,25 điểm; có 9 thí sinh đạt 29 điểm trở lên.
Điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là 30. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Phụ trách trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết, dù không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối khối C00 nhưng số lượng thí sinh đạt 28,5-29 điểm rất đông, các em được cộng điểm ưu tiên, điểm khu vực....
Do đó, trường chỉ cần hạ bớt 0,25 điểm, số lượng thí sinh trúng tuyển ngành Hàn Quốc học sẽ vượt chỉ tiêu rất nhiều. Trong khi đó, điểm ưu tiên khu vực và đối tượng với một thí sinh được cộng nhiều nhất lên đến 2,75 điểm.
Như vậy, với thí sinh thuộc khu vực 3 (thuộc các quận nội thành các thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, TPHCM…) và không thuộc đối tượng ưu tiên nào, dù đạt điểm thủ khoa năm nay, thậm chí lên đến 29,9 điểm thì vẫn trượt ngành Hàn Quốc học.
Với mức điểm chuẩn cao như năm nay, nhiều thí sinh đăng ký vào ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Luật Hà Nội có điểm thi 27-28 điểm vẫn trượt một số ngành và phải xuống các nguyện vọng tiếp theo.
Cần tính phương án tuyển sinh khác
Chị Trịnh Thu Hà (ở quận Đống Đa, Hà Nội, công tác trong ngành giáo dục) nói rằng, năm sau con trai chị dự định xét tuyển vào ĐH Luật Hà Nội, nhưng với mức điểm chuẩn như năm nay, chắc sẽ trượt.
“Học sinh thành phố không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng không thể cạnh tranh được với học sinh ở các địa phương khác có điểm ưu tiên. Hiện nay, giáo dục giữa vùng miền không còn quá chênh lệch, lại tổ chức thi ở địa phương nên điểm thi của học sinh các nơi đều rất cao.
Với mức điểm 30/30 như năm nay, nếu không có phao cứu sinh là điểm ưu tiên thì chắc chắn học sinh thành phố không có cơ hội trúng tuyển vào ngành mình yêu thích”, chị Hà nói. Chị cho rằng, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau vẫn giữ ổn định như năm nay thì các trường ĐH cần phải có phương thức tuyển sinh phù hợp để công bằng hơn giữa các thí sinh.
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành cao hoặc rất cao. Trong đó, có nguyên nhân chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông.
Hơn nữa, các chỉ tiêu đã dành một phần cho tuyển bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, nên điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.
Theo bà Thủy, quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ GD&ĐT cũng đã thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT.
Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 hoặc rất ít nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Thực tế năm nay sẽ xảy ra tình trạng thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt ĐH.“Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách).
Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù điểm thi cao hoặc rất cao”, bà Thủy nói.
Ðiểm chuẩn nhiều ngành tăng 5-7 điểm
Năm nay, điểm chuẩn của nhiều ngành tăng so với năm ngoái, có những ngành tăng tới 5 điểm. Theo thống kê, Trường ÐH Y dược TPHCM có điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất khu vực phía Nam -từ 19 điểm (ngành Y tế công cộng) tới 28,45 điểm (ngành Y đa khoa). Ðiểm chuẩn tăng mạnh nhất là Trường ÐH Kinh tế Tài chính TPHCM khi ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng 7 điểm so với năm 2019 (từ 17 điểm lên 24 điểm). Các ngành còn lại có mức điểm trúng tuyển đều tăng và cao hơn mức điểm nhận hồ sơ từ 1- 6 điểm.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nhận định: “Ðiểm chuẩn những năm gần đây cho thấy mức độ bám sát thị trường lao động cao ở các ngành có việc làm tốt, thu nhập phù hợp với năng lực của cử nhân sau tốt nghiệp”. Ông Nam dẫn chứng những ngành có điểm chuẩn cao được duy trì hằng năm như: Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ quốc tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Tâm lý học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Ngôn ngữ Trung Quốc…
NGUYỄN DŨNG