Háo hức trước ngày thông xe
Kể từ khi cây cây cầu hoàn thành, có rất nhiều người dân sinh sống xung quanh và những khu vực khác ghé đến để được đặt chân lên cây cầu nhiều mong đợi, tận mắt xem cảnh quan sông nước. Vào thời điểm xế chiều cũng là lúc những nhóm người, gia đình, trẻ em cuốc bộ, đạp xe, tập thể dục vừa ngắm công trình mới trước khi cây cầu chỉ cho xe cơ giới lưu thông.
"Nhà bố mẹ bên cầu nhưng lâu lâu mới về thăm, nhân dịp cầu khánh thành mình đưa vợ con lên dạo mát, chiêm ngưỡng cây cầy và ngắm cảnh quê hương từ trên cao mà bấy lâu nay không có dịp. Cây cầu rất đẹp, chúng tôi rất tự hào với công trình hiện đại và ý nghĩa này", anh Phan Văn Giàu, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM, cho hay.
|
Vào xế chiều, nhiều người dân quanh khu vực cầu tranh thủ dạo chơi, ngắm cảnh. |
Nhiều bà con hai bên bờ cho biết họ rất háo hức chờ ngày để qua lại cầu. Họ đã lên kế hoạch, dự định làm ăn, công việc khi giao thông được thuận tiện hơn.
Riêng đối với người phụ nữ Nguyễn Thị Mó, ngụ ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới, bà không thể nào kiềm chế được cảm xúc vui mừng khi đặt chân lên cây cầu. "Tôi đã đi các cây cầu lớn như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, nhưng đây là lần đầu tiên đi bộ lên trên này mà lại là chính cây cầu quê hương. Bao nhiêu năm qua, tôi đi lại nhà con gái út ở bên kia sông bằng phà mất nhiều thời gian. Giờ chỉ cần lên đường dẫn chạy vụt qua cầu là tới", người phụ nữ 65 tuổi chia sẻ.
Sau khi dạo bộ một lượt lên cây cầu mới, có thể được xem là công trình biểu tượng của xứ hoa sen Đồng Tháp, ông Trần Trọng Tuyên, phường 3, TP Cao Lãnh thốt lên: "Lần đầu đi qua cây cầu tôi có cảm giác lâng lâng, rất sung sướng". Ông chia sẻ từ khi cây cầu được khởi công, hình thành cho đến nay bà con hai bên bờ cực kỳ phấn khởi, ai cũng không ngờ quê hương mình lại có một cây cầu to đẹp đến thế.
Từ nay, ông Tuyên cũng như hàng triệu người dân khác sẽ đi lại dễ dàng hơn, không còn phải "lụy" phà như bao năm qua. Việc thông thương hàng hóa sẽ thuận tiện hơn nhiều, kinh tế Đồng Tháp và khu vực ĐBSCL sẽ được thúc đẩy nhờ công trình này.
"Từ nhỏ đến tuổi xế chiều, được chứng kiến sự thay đổi của quê hương, đất nước với bằng chứng là công trình này, tôi rất tự hào", người đàn ông 65 tuổi bùi ngùi nói.
Thông tuyến miền Tây
Cùng với cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh thuộc dự án giao thông kết nối trung tâm ĐBSCL. Việc hình thành hai cây cầu này giúp người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, không còn phải sử dụng phà Cao Lãnh và phà Vàm Cống, mất nhiều thời gian như trước.
Nằm trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, sau khi hoàn thành cây cầu sẽ cùng tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thực hiện, hình thành trục dọc thứ 2 bên cạnh quốc lộ 1 từ TP.HCM nối các tỉnh Tây Nam Bộ.
Dự án cũng góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng bắc qua sông Tiền nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu khởi công vào năm 2013, hợp long vào tháng 9/2017, nhưng không kịp hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2017 như dự kiến.
Từ quốc lộ 30 (Cao Lãnh) đường dẫn hình hai cánh cung nối cầu Cao Lãnh dài hơn 5 km đã được xây dựng rất khang trang cho 4 làn xe lưu thông. Trên mặt đường mới thảm nhựa cũng vừa được kẻ những làn sơn trắng để phân làn cho xe lưu thông. Tuyến đường nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài 21,45 km đi qua huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã hoàn thiện để kết nối với nhau.
|
Hệ thống đường dẫn, đường kết nối và cây cầu đã hoàn thiện, thông xe vào hôm nay 27/5. |
Dự án cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 7,8 km, trong đó cầu dài 2,1 km, còn lại là đường dẫn vào cầu, với tổng vốn đầu tư 6.493 tỷ đồng. Cầu có nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu thiết kế 34 nhịp dẫn, 65 nốt dầm, 128 bó cáp, tháp dây văng hình chữ H cao 120 m. Vận tốc thiết kế lên đến 80 km/h. Tổng vốn đầu tư của cầu Cao Lãnh khoảng 3.000 tỷ đồng, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Chuẩn bị cho lễ thông xe vào chiều 27/5, những tuyến đường kết nối, những khu vực cách xa cầu hơn chục cây số đã được treo băng rôn, phướn quảng bá. Không khí rộn ràng, chuẩn bị ngày khánh thành cây cầu hiện đại thứ 2 bắc qua sông Tiền này diễn hai bên bờ, nhiều chủ quán ăn, cà phê có vị trí đẹp ngắm cầu khẩn trương sửa sang lại để phục vụ khách.
Gần trăm năm nối nhịp hai bờ
Phà Cao Lãnh nằm giữa hai bờ sông Tiền, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Tháp, phía bắc thuộc TP Cao Lãnh, bờ nam là địa phận huyện Lò Vấp. Đoạn sông nơi đây rộng gần 1 km, ngược về thượng lưu là vùng Hồng Ngự, Vàm Cống (An Giang), xuôi về hạ lưu là Sa Đéc, Châu Thành và nhiều tỉnh khác. Bến phà này được hình thành vào những năm 1930.
Theo tư liệu, tháng 5/1975, tiếp quản cơ sở vật chất và con người của chế độ cũ để lại, phà Cao Lãnh là một đầu mối phục vụ giao thông của Ty Giao thông Vận tải. Lúc đó, phà có khoảng 25 cán bộ, công nhân viên; có 2 phà 60 tấn và 1 phà 4G 25 tấn, 1 chiếc chẹt sắc 15 tấn, có ponton bằng xi măng cốt thép; máy móc cũ, vật tư trang thiết bị phục vụ cho sửa chữa thiếu và không đồng bộ.
Phà cách cầu Cao Lãnh 800 m về phía thượng lưu sông Tiền, hiện với 7 chiếc phà, mỗi ngày trung bình phà chuyên chở khoảng 15.000 lượt khách qua lại giữa TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc bến phà Cao Lãnh, cho biết sau khi cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác, phà sẽ được thu gọn lại chỉ còn 2 chiếc nhỏ loại 100 tấn và 40 tấn. Theo đó, 2 phà này được bố trí để vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nguyện vọng của người dân và học sinh, sinh viên hai bên bờ TP Cao Lãnh - huyện Lấp Vò.
Trong ngày rước dâu từ TP Cao Lãnh về Long Xuyên, chú rể Bùi Viết Đông cùng cô dâu Trần Thị Diễm Trinh chụp hình lưu niệm trên những chuyến phà cuối. Đôi tân lang, tân nương này cho hay bến phà cũng là nơi kết nối, qua lại giữa hai người với nhau nên có nhiều kỷ niệm.
Hơn 30 năm gắn bó, 4 thế hệ lái phà trên sông Tiền
Những ngày cuối trước khi giảm số lượng phà khi có cầu, tiếng còi phà vẫn vang lên trên sông Tiền, khách qua sông vẫn chờ đợi, lên xuống từng con phà như những ngày tháng trước đó.
Tuy công việc vẫn bình thường nhưng không khí từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên phà có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Họ hỏi thăm nhau hôm nay đã đến ngày làm việc cuối chưa, sắp tới chuyển về bến phà nào công tác... Họ bùi ngùi nhưng cũng rất vui mừng khi bến phà sẽ được thay thế bằng cây cầu hiện đại, bà con đi lại được thuận tiện hơn.
Nhưng với ông Phan Ngọc Được, người đã có thâm niên lái phà ở đây hơn 30 năm không khỏi hoài niệm, trống vắng. 55 tuổi, vào đợt giảm biên chế của phà Cao Lãnh, ông sẽ nghỉ hưu non và chấm dứt công việc đã gắn bó hơn nửa đời người. Ông thốt lên: "Tôi sẽ nhớ phà, nhớ anh em lắm, gắn bó bao nhiêu năm rồi. Cùng nhau đưa biết bao người qua lại, an toàn về đoàn tụ với gia đình".
"Ngẫm lại tôi đã gắn bó khá lâu với bến phà này. Kỷ niệm nhớ đời nhất là thời điểm cơn bão số 5 (năm 1997) bất ngờ ấp vào. Khi đó phà đang chạy giữa sông, sóng gió ầm ầm lên, phà vội tấp ngay vào bờ mà tôi hết cả hồn", ông Được chia sẻ.
Trong ca đêm kéo dài từ 18h hôm nay đến 7h sáng hôm sau, anh Nguyễn Nhựt Sơn cho hay mình là đời thứ 4 làm lái tàu ở phà Cao Lãnh này. Từ thời ông cố anh lái phà vào những năm 1930, rồi tới ông nội, ba anh và đến anh với thâm niên gần 13 năm cầm lái. Sau khi phà giảm biên chế, anh được tiếp tục cầm lái ở bến phà Sa Đéc.
"Thực sự ngoài công việc, sống trong một gia đình có nhiều thế hệ nối nghiệp nhau tôi tự hào lắm. Lớn lên từ nhỏ bên bến phà, thường xuyên theo ba lái phà nên tôi dễ tiếp cận và nhanh chóng xử lý nhiều tình huống hơn. Có cầu mới, quê hương sẽ phát triển hơn, điều đó không chỉ riêng tôi mà ai cũng vui mừng. Tuy tôi chuyển đi nơi khác làm việc nhưng vẫn luôn nhớ nơi đây", anh lái phà 37 tuổi rưng rưng nói.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, bến phà Cao Lãnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khi cây cầu Cao Lãnh hiện đại đi vào hoạt động sẽ tiếp nối sứ mệnh đó, thúc đẩy không chỉ Đồng Tháp mà còn là động lực lớn để đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh", vươn lên mạnh mẽ.