Liên tiếp cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long
Cháy tàu du lịch vốn là nỗi kinh hoàng đối với du khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ cháy tàu trên vịnh Hạ Long dù các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp.
Đầu năm 2017, vụ cháy tàu Ánh Dương QN 3598 của Công ty TNHH Du lịch Thương mại Ánh Dương 12 trên vịnh Hạ Long xảy ra vào hồi 6h30 ngày 10/1, tại khu vực hang Luồn gần đảo Titốp tuy không gây thiệt hại về người khi lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời ứng cứu, đưa 14 khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên, 6 thuyền viên về bờ an toàn, tuy nhiên, cũng để lại sự lo lắng với du khách nước ngoài.
Mới đây, khoảng 15h ngày 13/2/2017, tàu QN 2071 (thuộc Công ty TNHH Du thuyền Bhaya) đang đỗ chờ khách tại khu vực Cửa Vạn thì xảy ra sự cố cháy du thuyền trên vịnh Hạ Long.
|
Nhiều vụ cháy tàu du lịch đã xảy ra trên vịnh Hạ Long. |
Trước đó, một số vụ cháy xảy ra trên vịnh Hạ Long đã để lại trong mắt du khách những hình ảnh không đẹp, không an toàn và lo sợ của du khách với hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Điển hình như vụ tàu du lịch QN 6299 mang tên Aphrodite ngày 6/5/2016 cháy khiến hàng chục du khách trên tàu đã nhảy xuống biển.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Quảng Ninh, trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long có 494 tàu (404 tàu vỏ gỗ, 90 tàu vỏ thép) đang hoạt động. Trong đó có 178 tàu lưu trú ngủ đêm, 316 tàu tham quan. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, trên vịnh Hạ Long xảy ra 7 vụ cháy tàu du lịch. Tuy các vụ cháy không gây chết người nhưng đã có 3 người bị thương nhẹ và thiệt hại lớn về tài sản, lên tới gần 38 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, đã xảy ra 2 vụ cháy tàu và các tàu bị cháy đều là tàu vỏ gỗ.
Trong thông báo số 31/TB-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 16/2/2017, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: “7 vụ cháy tàu du lịch từ năm 2014 đến nay đã bộc lộ rõ nguy cơ tiềm ẩn về cháy tàu, tập trung là tàu vỏ gỗ phục vụ khách lưu trú ngủ đêm trên vịnh, thường xảy ra với tàu đóng trước năm 2005. Nguyên nhân chủ yếu trực tiếp của các vụ cháy tàu liên quan đến sự cố điện. Với các tàu đóng bằng vỏ gỗ, cách âm, cách nhiệt giữa các phòng ngủ bằng vật liệu dễ cháy (mút, xốp) cùng với việc các đường dây điện chạy ngầm nên khó phát hiện sớm khi xảy ra cháy, khi phát hiện thì đám cháy đã âm ỉ từ lâu, bùng lớn và rất nhanh nên không thể xử lý kịp thời tại chỗ”.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Có thể khẳng định, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản cho các tàu và du khách khi đến tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Nhiều quy định nghiêm ngặt được ban hành như Nghị quyết số 241/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng thường xuyên rà soát kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, dịch vụ du lịch của các phương tiện vận chuyển, đủ các điều kiện an toàn mới cấp phép hoạt động nhưng trên thực tế những vụ cháy vẫn xảy ra.
Để không rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã đưa ra những chỉ đạo tại cuộc họp bàn các biện pháp cấp bách để phòng, chống cháy nổ (PCCN) và các nguy cơ khác trên các tàu du lịch.
|
Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bàn về các biện pháp cấp bách phòng chống cháy nổ trên vịnh Hạ Long. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hạ Long chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ hợp đồng đã ký kết giữa Ban Quản lý vịnh Hạ Long với các chủ tàu trong vận chuyển khách du lịch để yêu cầu bổ sung các cam kết. Đồng thời, đối với các tàu vỏ gỗ, yêu cầu chủ tàu bổ sung toàn bộ hệ thống điện nổi thay thế hệ thống điện ngầm, bỏ xốp giữa các phòng, bổ sung hệ thống chữa cháy CO2 để xử lý khi xuất phát lửa từ buồng máy, bổ sung các bơm dự phòng, nguồn điện dự phòng để PCCC và cứu đắm tại chỗ. Việc bổ sung các trang thiết bị phải thực hiện xong trong tháng 3/2017.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cẩu UBND TP Hạ Long chủ trì phối hợp với Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức kiểm tra, sát hạch lại phương án cứu cháy tại chỗ đối với thuyền viên làm việc trên các tàu du lịch, nâng cao ý thức các thuyền viên, chủ động kiểm tra phát hiện sớm vụ cháy. Lực lượng thuyền viên của tàu tuyệt đối không được rời tàu, bỏ vị trí trong thời gian tàu neo đậu.
Đối với các tàu được đóng mới theo kế hoạch của tỉnh, phải đảm bảo yêu cầu cao về PCCC, trong đó, ưu tiên báo cháy tự động, hệ thống cáp điện phải đáp ứng tiêu chuẩn hàng hải và cơ quan đăng kiểm đưa những quy định này cho các tàu du lịch mong muốn được hoạt động trên vịnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cũng chỉ đạo UBND TP Hạ Long chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý điều kiện an toàn và kinh doanh của tàu du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, dừng vận chuyển khách. Yêu cầu các cơ quan chức năng theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh công nghiệp trên tàu để phòng ngừa các sự cố xảy ra. Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Long cũng chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát, tổng hợp báo cáo chủ tịch về 7 tàu đang hoạt động thực tế nhưng không có trong báo cáo số 4709/BC-SGVT của Sở GTVT Quảng Ninh.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND TP Hạ Long phối hợp Cảnh sát PCCC, Sở GTVT và các đơn vị liên quan triển khai ngay các chỉ đạo trên, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/2/2017, trên cơ sở đó bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.
Hiện nay, số lượng khách đến vịnh Hạ Long ngày càng tăng, hi vọng với sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, những vụ cháy tàu trên vịnh Hạ Long sẽ không còn xảy ra, du khách đến vịnh Hạ Long sẽ không phải kinh hoàng sợ hãi bởi những vụ cháy tàu.