Cháu nội Vua Mèo đề nghị xử nghiêm người gọi mèn mén là cám lợn

Google News

Cháu nội Vua Mèo khẳng định cách gọi "mèn mén là cám lợn" là một phát ngôn xúc phạm người dân tộc Mông.

Tháng 2/2023, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ gọi "mèn mén là cám lợn" ngay trong bữa cơm gia đình của người Mông ở Hà Giang. Dư luận bức xúc và phẫn nộ với cách gọi này, bởi mèn mén vốn là món ăn truyền thống của người dân tộc Mông.
Theo tìm hiểu, người phát ngôn trong video là một nữ doanh nhân có tiếng, sống tại Hà Nội, thường xuyên livestream trên mạng xã hội.
Chau noi Vua Meo de nghi xu nghiem nguoi goi men men la cam lon
Mèn mén - món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc Mông (Ảnh: Hồng Anh). 
Dưới góc độ là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại Hà Giang, ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bức xúc khi mèn mén bị gọi là cám lợn.
"Một phát ngôn vô văn hóa, xúc phạm người dân tộc Mông chúng tôi", ông Bảo trả lời PV Dân trí.
Theo ông Bảo, lương thực chính của người dân tộc Mông là ngô. Để bảo quản ngô quanh năm, phụ nữ Mông đã nghĩ ra cách đem ngô đi phơi khô, sau đó chọn những hạt ngô chất lượng mang đi xay, chế biến thành mèn mén, hay còn gọi là cơm ngô.
Ông nhận định, mèn mén đã đi vào lịch sử, truyền thống và cuộc sống tâm linh của người Mông. Nó xuất hiện trong những bữa ăn hàng ngày, trên bàn thờ tổ tiên và các dịp lễ Tết.
"Mèn mén là lương thực chính nuôi sống cả dân tộc Mông, gắn liền với lịch sử sinh tồn và phát triển. Bây giờ, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều người Mông vẫn duy trì món ăn này thay cơm. Với tầm quan trọng đó, tại sao một doanh nhân có tiếng, lại có thể phát ngôn xúc phạm như thế", ông Bảo bức xúc.
Chau noi Vua Meo de nghi xu nghiem nguoi goi men men la cam lon-Hinh-2
Các nghệ nhân nhào bột làm mèn mén (Ảnh: Văn hóa Giáo dục).
 Cháu nội Vua Mèo nhấn mạnh, mỗi vùng, miền của đất nước đều có bản sắc riêng cần được tôn trọng. 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú, đặc sắc riêng, chính là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội và du lịch.
Tuy nhiên, khi một cá nhân coi thường bản sắc văn hóa của một dân tộc, đã vô tình khiến người dân bị tổn thương, thậm chí phản ứng, không còn mong muốn phát triển du lịch.
"Du khách khi đến Hà Giang hay bất cứ mảnh đất nào, trước tiên phải tìm hiểu và tôn trọng văn hóa của người dân bản địa", ông Bảo nói, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm nữ doanh nhân phát ngôn phản cảm, yêu cầu người này phải xin lỗi công khai dân tộc Mông.
Chau noi Vua Meo de nghi xu nghiem nguoi goi men men la cam lon-Hinh-3
Cháu nội Vua Mèo khẳng định cách gọi "mèn mén là cám lợn" là một phát ngôn xúc phạm người dân tộc Mông (Ảnh chụp màn hình).
 Ông Bảo dẫn chứng một đơn vị truyền thông từng bị xử phạt 15 triệu đồng, do cũng liên quan đến văn hóa dân tộc.
Theo đó, năm 2014, tại một cuộc thi ca nhạc cấp quốc gia, một nhóm nhạc đã sử dụng chiếc khăn Piêu để… đóng khố gây bức xúc trong dư luận. Đây là hành động phản cảm, vì khăn Piêu là biểu tượng văn hóa, vật đội đầu linh thiêng của đồng bào dân tộc Thái.
Ông Hoàng Ngọc Thắng, cán bộ phòng Tư vấn và xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang) cũng khẳng định, việc một cá nhân xuyên tạc, đưa những thông tin sai lệch về món ăn mèn mén đã gây tổn thương cho đồng bào người Mông.
"Đây là hành động cố tình gây tranh cãi để tạo sự chú ý, rất đáng lên án", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, người phát ngôn trong video tranh cãi trên là bà Hoàng Thị Hường, hay còn gọi là Hoàng Hường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường.
Bà Hường được nhiều người biết đến khi livestream quảng cáo thuốc trị xương khớp, nước súc miệng... Trước đó, ngày 13/4/2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 65 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường về lỗi vi phạm khi quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.
Mỗi gia đình người Mông ở Đồng Văn (Hà Giang) đều có một chiếc cối tự chế để xay ngô. Bột ngô được đem sàng, bỏ mày, sạn, rồi trộn với nước, sau đồ chín lên.
Đồ mèn mén cũng là một nghệ thuật, phải làm sao để bột ngô không quá khô, cũng không bị nát. Sau khi đồ lần đầu, bột ngô sẽ tiếp tục được đổ ra mẹt, dùng thìa gỗ đánh tơi và để nguội rồi lại đồ tiếp lần thứ hai cho chín kỹ.
Phụ nữ Mông biết giữ lửa đủ độ, tính toán thời gian hợp lý để bột ngô chín, giữ được vị thơm ngon đặc trưng.
Vị mèn mén vừa thanh, vừa ngọt, vừa bùi, được ăn kèm với canh rau cải, canh bí, đậu chúa...

Theo Minh Nhân/Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)