Dinh thự hùng vĩ dưới thung lũng Sà Phìn
Được ví như một hòn ngọc xanh giữa lòng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn,trải bao tháng năm lịch sử, dinh thự nhà Vương vẫn kiêu hãnh khoe vẻ đẹp mỹ lệ giữa núi rừng Tây Bắc. Trong đó, có lẽ kiến trúc độc đáo chính là điều tạo nên sức hấp dẫn đến mê hoặc của tòa dinh thự đầy bí ẩn này.
|
Cổng chính dinh thự vua Mèo. |
Những người cao tuổi dân tộc Mông ở xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) cho biết: Cách đây một thế kỷ trước, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng Vương.
Sau khi trở thành vị vua Mèo quyền uy ở Đồng Văn, Vương Chính Đức đã chứng kiến một giai đoạn dài những thăng trầm trong lịch sử của người Mông Đồng Văn. Trong giai đoạn đó, Vương Chính Đức và người con trai ông, Vương Chí Sình, đã trở thành huyền thoại của vùng đất này.
Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, "vua Mèo" Vương Chính Đức đã mất nhiều tháng trời đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ về xây nhà. Cuối cùng, một thầy địa lý nổi tiếng tài giỏi đất Trung Hoa đã nhận lời, vượt núi cao, vực sâu sang Hà Giang chọn đất cho nhà Vương.
Dinh thự nhà Vương được xây dựng không kể ngày đêm và thi công trong vòng 8 năm mới xong, dinh “vua Mèo” được xây dựng trên một khu đất đẹp, với diện tích 1.120 m2. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc, bao gồm hàng trăm toà ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác, cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao làm nổi bật lên nét vương giả giữa vùng cao nguyên.
|
Thi công trong vòng 8 năm mới xong. |
Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương,… kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”.
Hằng ngày, tại khu nhà Vương mọi người tập trung đông đúc, vui vẻ, náo nhiệt suốt ngày đêm. Một quá khứ vàng son không thể quên của họ Vương vùng núi đá.
Tường thành được xây cao vút xung quanh, có quân lính bảo vệ khó có thể đột nhập từ bên ngoài, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Phía sau nhà có một bể chứa nước rất lớn được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Pìn.
Bí ẩn lời nguyền phong thủy
Theo những giai thoại để lại, vua Mèo Vương Chính Đức nhờ nghe được lời của thầy phong thủy, xây nhà trên khu đất phát nên gia đình mới vinh hiển, trở thành Vương một cõi. Nhưng cũng theo những giai thoại kể lại trên cao nguyên đá Đồng Văn, thì đến thời vua Mèo Vương Chí Sình, gia tộc họ Vương lại bị thầy phong thủy làm hại, yểm bùa đến mức suýt nữa thành tuyệt tự.
|
Có lẽ kiến trúc độc đáo chính là điều tạo nên sức hấp dẫn đến mê hoặc của tòa dinh thự đầy bí ẩn này |
Vua Mèo Vương Chính Đức có 4 người con trai. Nhưng vua Mèo Vương Chí Sình chỉ có một người con trai duy nhất là Vương Duy Thọ, được sinh khi ông đã tuổi cao sức yếu.
Chuyện kể lại rằng khi còn sống, vua Mèo mắc chứng bệnh đau lưng, chữa mãi không khỏi. Vua Mèo đã cho gọi một thầy tướng rất giỏi người Hán đến xem bệnh. Sau khi xem xong, thầy tướng người Hán phán rằng: “Mộ của bố ông chôn đúng lưng rồng, phải chuyển mộ”. Vương Chí Sình tin lời làm theo, cho di rời mộ cha mình là vua Mèo Vương Chính Đức đi. Vương Chí Sình không ngờ mình đã bị thầy tướng người Hán do ghen ghét mà chơi xỏ. Vì lẽ đó mà Vương lấy mấy người vợ đều không sinh được con, chỉ khi lấy người vợ thứ 4, người vợ này mới đẻ cho Vương một người con trai là Vương Duy Thọ.
Sau khi Vương Chí Sình mất, Vương Duy Thọ sau này đã lấy vợ, sang Mỹ rồi qua đời ở Mỹ khi còn khá trẻ. Dòng dõi của vua Mèo Vương Chí Sình ở Mỹ có lẽ đã quên đi phần nào gốc gác và những câu chuyện huyền thoại về gia tộc mình.
|
Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến,… |
Ngày nay, khu tư dinh của vua Mèo xưa đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nên không có ai ở đó mà chủ yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các hậu duệ của họ Vương đều sinh sống quanh khu vực lân cận.
Phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn, chợ họp mỗi tuần một phiên. Vào phiên chợ trong mỗi gia đình thường thì cả nhà cùng đi. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.