Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng bị bắt vì tham nhũng: Chống ai... ai chống?

Google News

Tổng Bí thư từng nhiều lần nhấn mạnh: “Ai ở trong cơ quan phòng chống tham nhũng mà vi phạm, tôi xử lý trước”. Việc Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố là minh chứng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về tội “Nhận hối lộ”. Ông Ánh có sai phạm liên quan đến việc chỉ đạo, kết luận thanh tra về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại một dự án đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngay sáng 15/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã họp và thống nhất hình thức kỷ luật đề xuất Trung ương khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Chanh Thanh tra tinh Lam Dong bi bat vi tham nhung: Chong ai... ai chong?
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng tại một cuộc họp. 
Vụ án đang được mở rộng điều tra và hành vi vi phạm của ông Ánh chưa được thông tin cụ thể. Tuy nhiên, từ việc ông Nguyễn Ngọc Ánh bị khởi tố bắt giam, dư luận đặt vấn đề: Ông Ánh là người đứng đầu một cơ quan chống tham nhũng và là thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lâm Đồng nhưng lại tham nhũng thì chống ai? ai chống? Dù trường hợp như ông Ánh chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Bản thân có trong sạch thì mới chống được chứ”
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tham nhũng không chừa bất cứ ai, ai cũng có thể tham nhũng được, đặc biệt là những người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án.
Cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng ở tỉnh, trong đó cơ quan thanh tra là chủ lực để làm công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng lại thể hiện hành vi tham nhũng, đây là vụ bê bối rất lớn, trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay.
“Anh làm ở cơ quan phòng chống tham nhũng được UBND giao nhiệm vụ mà lại là người đứng đầu cơ quan đơn vị mà anh lại tham nhũng là không thể chấp nhận được. Hành vi này làm ảnh hưởng đến uy tín chính quyền và cơ quan phòng chống tham nhũng ở địa phương”, đại biểu Hòa nói.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng.
Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư yêu cầu phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đầu tranh, trung thực, liêm chính, thực sự là “thanh bảo kiếm sắc bén” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
“Nhiều lần tôi nói rồi. Ai ở trong cơ quan phòng chống tham nhũng mà vi phạm, tôi xử lý trước. Tôi ở đây không phải là cá nhân tôi mà là cơ chế, luật pháp làm sao phải xử lý trước. Không được cậy mình có quyền thế này, thế khác, muốn làm gì thì làm, thẳng thì uốn thành cong, che chắn cho nhau. Bản thân mình có trong sạch thì mới đi chống tham nhũng được chứ”, Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
“Cha ông ta đã dạy: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ “Tâm” kia mới bằng ba chữ “Tài”; có tài mà cậy chi tài; chữ "Tài" liền với chữ "Tai" một vần!". Tránh tình trạng: "Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người", Tổng Bí thư từng lưu ý.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, ông Nguyễn Ngọc Ánh là Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, tức là người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng mà lại có hành vi nhận hối lộ thì phải xử thích đáng, trừng trị nghiêm minh.
“Phải xử ở mức hết khung nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không phải được miễn trừ hay được hưởng khoan hồng thành tích này thành tích kia. Bởi Chánh Thanh tra tỉnh là người am hiểu pháp luật, thực thi phòng chống tham nhũng nhưng lại vi phạm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, qua vụ việc trên cũng đặt ra vấn đề làm sao để tuyên truyền, giáo dục đạo đức phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của những đối tượng trong tổ chức phòng, chống tham nhũng để họ không muốn, không ham, không thực hiện những hành vi tham nhũng, lấy lại niềm tin đối với nhân dân và công chức, viên chức.
Bài học giá trị và thực tiễn sâu sắc cuốn sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang nhiều giá trị và thực tiễn sâu sắc, rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Tác phẩm đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Mục tiêu của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước.
Từ đó, tác phẩm chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước hết phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Và để đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng về mọi mặt, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và góp nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về tội nhận hối lộ
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)