Cần thanh tra toàn bộ việc mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch
Vụ việc Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 bị can bị khởi tố, bắt giam do đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 lên 7 tỷ trong khi giá nhập khẩu chỉ 2,3 tỷ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý, cùng thời điểm, dư luận cũng rộ lên thông tin một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Quảng Nam…đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (máy RT-PCR tự động) cao hơn nhiều lần so với giá thực tế.
Dư luận đặt câu hỏi, từ vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội đến nghi vấn sự việc tương tự xảy ra ở một số tỉnh thành, cơ quan thanh tra, thậm chí cơ quan công an từ trung ương đến các địa phương cần vào cuộc kiểm tra toàn bộ các tỉnh thành được đầu tư mua sắm hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2?
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, từ việc nhưng vẫn thấp hơn của Quảng Nam thì cần phải có thanh tra vào cuộc để làm rõ xuất xứ hàng hóa ở đâu? Giá nhập khẩu bao nhiêu? Chỉ định thầu thế nào? Ai phê duyệt?
“Dư luận đã quan tâm như vậy, tôi nghĩ thanh tra cần vào cuộc làm rõ. Vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội là một bài học sâu sắc để phòng ngừa răn đe, để cho những cán bộ khác ở các địa phương khác không dám, không ham và không thực hiện những hành vi vi phạm như thế. Nếu có thông tin một số tình thành cũng có tình trạng mua với giá cao như vậy, tôi cho rằng, cần thanh tra làm rõ để trả lời cho công luận. Tôi đề nghị thanh tra tất cả các địa phương được đầu tư mua sắm hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2” - đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, không thể chấp nhận tình trạng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm đến 3 lần như thế được.
“Con sâu làm rầu nồi canh. Hiện nay chúng ta đã quyết liệt phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh không lây lan ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong đó, các trang thiết bị y tế là cực kỳ quan trọng. Lợi dụng trong thời điểm này, một bộ phận người trục lợi riêng tư để bỏ túi riêng là hành vi phi đạo đức y tế, phi đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải làm rõ để xử lý”- đại biểu Phạm Văn Hòa cho biêt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, không chỉ thanh tra gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà cần thanh tra tất cả các gói thầu mua sắm trang thiết bị vật tư tại các địa phương.
“Hiện nay đã phát hiện những vấn đề tiêu cực có liên quan đến lĩnh vực y tế trong việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19. Dư luận người dân rất quan tâm. Do vậy, cơ quan chức năng nên vào cuộc làm cho rõ, làm nhanh, làm gọn, không để trì trệ ảnh hưởng đến việc trang thiết bị y tế đến các cơ quan y tế để phòng ngừa dịch bệnh”- đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đồng thời, ông cho rằng, phải thanh tra, làm cho rõ ràng, cụ thể và phải quy trách nhiệm. “Đã phát hiện như vậy những cái còn lại không làm không được. Làm để cho rõ có hành vi vi phạm thì xử lý đúng quy định của pháp luật nếu không cũng để trả lời cho dư luận, không để bị nghi ngờ” - ông Hòa nói.
Quảng Ninh, Quảng Nam xem xét cho thanh tra vào cuộc
Liên quan thông tin về việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (máy RT-PCR tự động) cao hơn nhiều lần so với giá thực tế, ngày 24/4, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh khẳng định đây là thông tin không chính xác.
Đồng thời cho biết, hiện phía tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm RT-PCR tự động với nhà cung cấp. Dù chưa có giá nhập khẩu chính thức, song thông tin ban đầu của nhà cung cấp thiết bị đưa ra, giá của bộ thiết bị này (gồm máy xét nghiệm và bộ tách chiết mẫu) đều thấp hơn khoảng trên/dưới 2 tỷ đồng so với mức giá 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội đã mua sắm.
Tuy nhiên dư luận vẫn hoài nghi khi một số cơ quan báo chí thông tin việc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh mua thiết bị Realtime PCR của Đức với giá 8,4 tỷ đồng, hợp đồng mua bán được ký ngày 1/3 qua hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, đến ngày 23/3, hai bên đã đàm phán giá và lùi còn 7 tỷ đồng, giảm 1,4 tỷ đồng. Ngày 19/3, Sở Y tế Quảng Ninh đã chuyển tạm ứng 4,2 tỷ đồng cho bên trúng thầu, nhưng ngày 21/4 bên trúng thầu đã hoàn lại 4,2 tỷ này.
|
Máy xét nghiệm Realtime PCR tự động. |
Tại cuộc họp giao ban Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh chiều 24/4, trước việc một số báo chí, dư luận đang quan tâm về việc mua sắm một số trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid của Sở Y tế Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các hồ sơ, trình tự thủ tục liên quan.
Đồng thời, thanh tra toàn diện công tác quản lý sử dụng nguồn kinh phí phục vụ phòng chống dịch ở cả 3 cấp ngân sách để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm nếu có.
Tại tỉnh Quảng Nam, ngày 24/4, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết, ngày 24/3, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt kinh phí mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động với mức giá 7,56 tỷ đồng nhưng sau đó sở thương thảo với nhà cung cấp nên giảm xuống còn hơn 7,2 tỷ đồng. Đồng thời khẳng định, việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động được thực hiện đúng theo quy định hiện hành, không có khuất tất.
Cùng ngày, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng 24/4 đã giao cho Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh Quảng Nam về việc này.
Sau ngày 3/5, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ nắm cụ thể, trường hợp cần thiết sẽ giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn bộ việc mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định.
Trước đó, một số cơ quan báo chí khi thông tin về vụ án sai phạm trong mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) có liên hệ, đối chiếu việc mua sắm của thành phố Hà Nội với một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung với giá xấp xỉ 7 tỷ đồng, mức cao hơn so với thị trường thông thường.
>>> Mời độc giả xem video CDC Hà Nội "hô biến" máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng