Cầu Long Biên là lịch sử, không có gì thay thế được

Google News

Nhà sử học Dương Trung Quốc, cầu Long Biên mang tầm cỡ thế giới, để lại dấu ấn lịch sử rất sâu sắc cần được bảo tồn.

Sau hơn 120 năm sử dụng, cầu Long Biên được xếp vào loại cầu yếu nhưng hàng ngày vẫn gánh trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có cả tàu hỏa, xe máy, xe đạp, người đi bộ. Sự cố gần đây nhất là vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông gây mất ATGT. Từ đây càng đòi hỏi một phương án dài hơi cho cầu Long Biên đảm bảo cả tính lịch sử và cấp thiết của thời đại.
Cần sớm bảo dưỡng, sửa chữa
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chia sẻ, cầu Long Biên hiện nay đang là mối quan tâm lớn của không chỉ riêng ông mà của toàn xã hội, trước những nguy cơ mất ATGT sau nhiều sự cố xảy ra gần đây, đặt ra câu hỏi cần làm gì để bảo tồn cầu lâu dài.
Cau Long Bien la lich su, khong co gi thay the duoc
 Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
Ông Quốc cho biết, cả cuộc đời ông hơn 70 năm qua đã gắn bó với cây cầu. Khi ông sinh ra và từ lần đầu tiên được đặt chân lên cầu Long Biên, cây cầu mới chỉ hơn 50 tuổi, vẫn còn vẹn nguyên.
Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng, cây cầu đã mang tầm cỡ thế giới, để lại dấu ấn rất sâu sắc, tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng nhất của công trình xây dựng tuyến đường sắt đi từ Hải Phòng sang phía Nam Trung Quốc, nằm trong ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp tại Việt Nam.
“Việc xây dựng cầu Long Biên vượt qua con sông Hồng rộng lớn và hung dữ là một thành công lớn đối với công nghệ thế giới tại thời điểm đó”, ông Quốc nói và cho biết cầu Long Biên ban đầu chủ yếu chỉ phục vụ đường sắt, cho đến năm 1953-1954, do nhu cầu phục vụ các phương tiện khác như xe đạp, xe máy tăng cao, cầu Long Biên được mở rộng ra hai bên cánh.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, gồng gánh những thương tích sau các trận đánh phá của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự tàn phá của thời gian, đến nay cây cầu Long Biên đang tự mình “già” đi dù vẫn được các đơn vị quan tâm sửa chữa, duy tu, bảo trì.
“Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, thẩm mỹ, cầu Long Biên còn có giá trị rất lớn về văn hóa. Không gì có thể thay thế cây cầu này, cả ở giá trị văn hóa và chức năng giao thông”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh và cho rằng để giữ gìn cầu Long Biên, các cơ quan quản lý cần có phương án phân luồng giao thông, tổ chức giao thông linh hoạt để đảm bảo khai thác một cách phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên cho biết, tiền thân cầu Long Biên gồm 30 nhịp bắc qua sông Hồng. Trong chiến tranh phá hoại năm 1972, đế quốc Mỹ đã đánh sập 17 nhịp dầm, chỉ còn 13 nhịp dầm đến bây giờ.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng là 1 trong 3 tuyến huyết mạch của ngành đường sắt (gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai).
Trước thực trạng cầu yếu, Tổng công ty Đường sắt VN đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/h (trước đây là 25-30km/h). Tuy nhiên, do cầu đã 120 năm tuổi, các kết cấu thép đã han gỉ, ăn mòn, cây cầu đến nay cũng đã “mỏi”, đòi hỏi phải được sửa chữa lớn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua cầu.
Cần một cuộc “đại phẫu”
Các chuyên gia cho rằng sự xuống cấp của cầu Long Biên đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải sớm có một cuộc “đại phẫu”, không thể kéo dài tình trạng “chắp vá” như hiện nay.
Ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Long Biên hiện hữu luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu như khu vực quận Hoàn Kiếm, khu vực Ái Mộ quận Long Biên, giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT hiện đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.
Còn đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu nữa, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi là đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
“Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu”, ông Hải nói.
Là người dân gắn bó với Hà Nội, chứng kiến những thăng trầm của cầu, nhà sử học Dương Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ lại cầu Long Biên hiện hữu.
“Đã là cầu thì phải có hoạt động, đi lại. Không đi lại thì cầu chỉ là cái xác công trình, là phế tích. Nhưng đi lại thế nào phải tính toán, phải phù hợp với thực trạng, tải trọng cầu và cả nhu cầu của người dân”, ông Dương Trung Quốc nói.
Với quan điểm này, ông Dương Trung Quốc cho rằng, phá đi thì dễ, dựng lại rất khó, nhất là với một di sản. Do đó, cần phải đầu tư nhiều hơn cho duy tu. Muốn vậy, Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, sao cho vừa bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể cầu Long Biên, vừa phục vụ người dân đi lại, đồng thời phát triển được du lịch, bao gồm cả du lịch bãi giữa, khi đó sẽ có đầu tư tương xứng. Hà Nội nếu coi trọng giá trị này sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho cầu Long Biên.
Theo ông Dương Trung Quốc, để giảm áp lực cho cây cầu yếu, CSGT phải xử lý vi phạm ngay đầu cầu, không để lên cầu rồi mới ghi lại hình ảnh phạt nguội. Có thể phân giờ khung giờ, giờ nào cho xe máy qua, giờ nào cho khách du lịch lên cầu, chụp ảnh... Vì nhu cầu được đi lại, chụp ảnh trên cây cầu lịch sử của người dân, của du khách là chính đáng. Không chỉ Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng phải vào cuộc, có tiếng nói để khai thác, phát huy giá trị của cầu cả trước mắt và lâu dài".
Cấm người đi bộ, đề xuất xây trụ, ngăn ô tô, xe thồ qua cầu
Ông Nguyễn Quốc Vượng đề xuất, tới đây, cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng ô tô, xe lam đi qua cầu gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu Long Biên. Tuy nhiên, ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc đặt các trụ cọc giao thông ngăn ô tô lên cầu Long Biên cần nghiên cứu thêm vì đường lên cầu hiện đang rất nhỏ và chỉ nên áp dụng biện pháp cưỡng bức này trong trường hợp bất khả kháng.

Yến Chi – Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)