Theo Báo Tiền phong, liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đang có diễn biến phức tạp, tại Thanh Hóa, trong năm 2018, cơ quan công an đã khởi tố 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật. Đặc biệt, trên địa bàn đã có Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ hoạt động với khẩu hiệu "Đã nợ là phải đòi - Đã đòi là phải trả".
Ngoài khởi tố vụ án, các bị can, cơ quan công an cũng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 97 trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và công ty dịch vụ tài chính, phạt tiền trên 100 triệu đồng.
Thực tế hiện nay, hoạt động tín dụng đen không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà còn trên rất nhiều tỉnh thành của cả nước với những thủ đoạn hết sức tinh vi, gây khó khăn cho việc đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng.
|
Hai đối tượng bị khởi tố vì hoạt động tín dụng đen ở Thanh Hóa
|
Những cái “bẫy” chết người
Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó Trưởng phòng 6 – Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thực trạng hoạt động tín dụng đen hiện nay đã len lỏi khắp các ngóc ngách từ vùng sâu vùng xa đến thị thành.
Các đối tượng dùng hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội… với các nội dung dụ dỗ người dân như: “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alo là có tiền”…
Kèm theo đó là số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn nhận tiền ngay, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy…
“Thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất...”, thượng tá Huấn cảnh báo.
Những thủ đoạn đòi nợ khủng khiếp
Theo thông tin trên Báo Người lao động, Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, "Khi người vay tiền không còn khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất "cắt cổ" thì lập tức xuất hiện các đối tượng "đầu gấu", "xăm trổ" đến đòi nợ. Bọn chúng đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của "con nợ" để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc.
Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa viếng, dán cáo phó để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định đối tượng để xử lý" - Thượng tá Huấn thông tin.
Theo thượng tá Lại Quang Huấn, một trong những khó khăn khi xử lý các băng nhóm tín dụng đen là các đối tượng có ghi biên nhận nhưng không ghi lãi suất nên khó đấu tranh, khởi tố. Người dân không dám tố giác vì sợ khủng bố về tinh thần.
Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, TDĐ hoạt động hết sức chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, kẻ đi tiếp thị cho vay, người đi thu gom nợ và các đối tượng hình sự đi xiết nợ... Những người này rất manh động, dùng mọi chiêu trò để đòi nợ cho bằng được, thậm chí có thể giết người.
Đặc biệt, sau các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng công an, các băng nhóm, đối tượng hình sự không hoạt động công khai mà chuyển sang kín đáo, thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội tinh vi hơn như thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (tiệm cầm đồ), các công ty cho vay tài chính…
Đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm "tín dụng đen"
Như ANTĐ đã thông tin, theo Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm, lực lượng công an hiện nay đang đấu tranh với 124 băng nhóm, hoạt động có tổ chức, trong lĩnh vực cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Như tại TP.HCM, Công an TP hiện đang lên danh sách gần 600 đối tượng có nghi vấn hoạt động tín dụng. Hay tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngành chức năng cũng đang vào cuộc xử lý.
Ngành chức năng Bến Tre đã tổng hợp, lập hồ sơ 347 đối tượng có biểu hiện về hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, trong đó có 61 băng, nhóm lớn nhỏ khác nhau, 3 công ty đòi nợ thuê và 2 công ty tài chính.
Đến nay, Công an Đồng Tháp đã phát hiện và triệt xóa 80 vụ, bắt 166 đối tượng liên quan đến tín dụng đen, thu giữ trên 25.000 tờ rơi quảng cáo; trên 700 hợp đồng vay, đặt cọc, thuê tài sản và nhiều sổ sách cho vay. Trong đó, xử lý hình sự 1 vụ cố ý gây thương tích.
Còn tại TP Cần Thơ, ngoài việc tấn công trực diện các đối tượng cho vay, công an các quận, huyện cũng đã đồng loạt ra quân thu gom, tẩy xóa, tháo gỡ các mẫu panô quảng cáo, tờ rơi trên tất cả các tuyến đường, các địa điểm công cộng.
Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố đã dần được kiểm soát, đi vào khuôn khổ. Hoạt động vay, cho vay tại các cửa hàng kinh doanh tài chính đã được các cơ quan chức năng và các đơn vị địa phương thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, không để hình thành những tụ điểm, địa điểm phức tạp về cầm đồ, hoặc kinh doanh các lĩnh vực khác liên quan đến tài chính. Nếu như thời gian trước, các vụ đổ chất bẩn xảy ra thường xuyên, thậm chí với tần suất cao thì hiện nay các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh tài chính đã giảm đáng kể.