Trong những ngày thử làm “nạn nhân” của hoạt động tín dụng đen, chúng tôi nhận thấy các tổ chức tín dụng đen hoạt động rất tinh vi, len lỏi khắp các tỉnh thành trên cả nước.Các đối tượng mà chúng thường hướng đến là những người có kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất để cho vay.
Nhóm tín dụng đen thường sử dụng các chiêu trò cho vay tiền nóng, thủ tục nhanh chóng, ngắn gọn, không cần thế chấp để đánh lừa người vay. Thế nhưng, thực chất đây là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao.
Khi người vay tiền không còn khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất “cắt cổ” thì lập tức xuất hiện các đối tượng “đầu gấu”, xăm trổ đến đòi nợ. Các đối tượng này thường dùng chiêu trò đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của “con nợ” để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc.
Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa viếng, dán cáo phó để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ, cách đây không lâu, tại TP HCM, một cô giáo đã phải viết đơn gửi "xã hội đen" để được yên ổn sinh sống. Theo đó, cô giáo này sống chung với gia đình tại căn nhà trên đường Ấp Chiến Lược (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) và không nợ nần ai. Đầu tháng 7/2018, chị dâu của cô giáo bỏ đi thì cùng lúc nhiều nhóm người lạ mặt kéo đến, yêu cầu gia đình trả nợ.
Sau nhiều lần đòi không được tiền, nhóm người bắt đầu “khủng bố” gia đình nữ giáo viên bằng cách ném đá, tạt sơn, mắm tôm vào nhà. Thậm chí, nhóm đòi nợ còn ngang nhiên khóa cửa, nhốt cô giáo cùng nhiều thành viên trong nhà. Sau đó, gia đình cô giáo trình báo công an nhưng sự việc chưa được xử lý dứt điểm. Quá bức bách nên cô giáo viết đơn gửi “mấy anh xã hội đen” xin tha cho gia đình, để cho chị yên ổn đi dạy học.
|
Người dân nên tránh xa các dịch vụ cho vay nóng của tín dụng đen. |
Rất, rất nhiều các trường hợp người thân, gia đình những con nợ bị khủng bố như vậy. Các đối tượng tín dụng đen hoạt động hết sức chuyên nghiệp. Đứng sau các đối tượng thường là những dân anh, chị giang hồ có số má, có nguồn tài chính lớn, chúng thường tổ chức cho một số kẻ đi tiếp thị cho vay. Đối tượng đi thu gom nợ thường là các đối tượng dân xã hội, những người này rất manh động, dùng mọi chiêu trò để đòi nợ cho bằng được, thậm chí có thể giết người.
Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác định đối tượng để xử lý.
Triệt phá nhiều băng nhóm
Theo một cán bộ Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), hiện hoạt động tín dụng đen đang nở rộ trên cả nước. Đánh vào tâm lý cần tiền ngay của người dân để xử lý một số công việc nóng, nên các đối tượng đã tung ra nhiều chiêu trò cho vay tiền tỷ mà không cần tài sản thế chấp. Theo đó, người vay chỉ cần có bằng lái xe, hoặc chứng minh thư nhân dân… là có thể vay tiền tỷ ngay trong phút chốc.
Cũng theo vị cán bộ này, ngoài những chiêu thức dọa dẫm, giới cho vay thường lách luật lừa người vay ký vào các khoản nợ, chuyển nhượng nhà đất một cách khôn khéo, buộc con nợ phải bán nhà sau một, hoặc hai năm vay tiền.
Theo đó, chủ nợ thường biết rất rõ tình thế khẩn cấp của người muốn vay tiền nên buộc con nợ ký giấy bán nhà cho khoản vay.
Trường hợp con nợ trả lãi đúng hạn, trả gốc đúng hợp đồng thì sẽ không mất nhà, thế nhưng ít trường hợp nào trả được cả lãi lẫn gốc trước mức lãi suất “cắt cổ” mà tín dụng đen đưa ra.
Cạnh đó, các con nợ còn bị chủ nợ nâng khống số tiền cho vay đến mức chóng mặt. Cụ thể, chủ nợ sẽ buộc con nợ viết giấy nhận nợ mới, nhưng lại không hủy giấy nợ cũ, tiếp đó gom hết các biên nhận cũ, mới đến đòi nợ. Trước những bằng chứng giấy trắng mực đen con nợ chỉ còn biết khóc ngất.
Theo vị cán bộ này, trước những lời mời gọi cho vay không cần hợp đồng, không cần thế chấp, người dân nên cảnh giác và tránh xa, kẻo khi trả nợ, trả hoài cũng không hết.
“Không người nào lại bỏ số tiền lớn hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng cho người khác vay mà không biết người đó ở đâu, làm gì. Đến ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhà nước trước khi cho người dân vay tiền còn phải đánh giá tài sản thế chấp, xem tài sản này có tương đương với mức tiền cho vay hay không… do đó, cho vay mà không cần tài sản thế chấp… chỉ là hoạt động tín dụng đen”, vị cán bộ công an cho hay.
Theo số liệu Bộ Công an thống kê từ năm 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Hiện tại, Bộ Công an đang đấu tranh 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.