Cần xử lý người có trách nhiệm vì Panorama Mã Pì Lèng xây dựng đâu chỉ 1 đêm

Google News

(Kiến Thức) - Cho rằng, việc xây dựng khách sạn Panorama Mã Pì Lèng (Hà Giang) rất tốn kém vất vả và không chỉ một đêm là xong, đại biểu đề nghị cần xử lý người có trách nhiệm, phải xem xét việc bồi thường.

Cần xem xét trách nhiệm khi để Panorama Mã Pì Lèng xây dựng
Thảo luận tại tổ sáng 18/11 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đã đề cập đến việc cắt ngọn công trình vi phạm đang là vấn đề nóng, ông cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế.
“Nếu pháp luật và người thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ không xảy ra việc đó. Cắt ngọn công trình phải đồng thời cắt chức vụ của những người có trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, ông vừa có mặt ở khách sạn Panorama Mã Pì Lèng (Hà Giang) và nhận thấy, việc xây dựng 1 công trình trên đó rất tốn kém vất vả.
“Dù vậy, không thể không xử lý do công trình này vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng cảnh quan chung”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói và cho rằng, công trình trên không chỉ một đêm là xây dựng xong. Do vậy, đại biểu Trí cho rằng, cần xử lý người có trách nhiệm, phải xem xét việc bồi thường.
Can xu ly nguoi co trach nhiem vi Panorama Ma Pi Leng xay dung dau chi 1 dem
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng, thực tiễn xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước những năm vừa qua có rất nhiều bất cập, rào cản từ các luật, trong đó có Luật Xây dựng. Đó là thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp nhưng những sơ hở làm đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo còn nhiều.
“Có một nghịch lý rất đáng suy nghĩ là công nghệ xây dựng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng tốt hơn, con người làm trong ngành xây dựng giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình xây dựng lại ngắn hơn trước đây, thậm chí là rất ngắn”, đại biểu Hiểu nói.
Ông lấy ví dụ, công trình Nhà hát Lớn và nhiều biệt thự thời Pháp sừng sững ở Hà Nội hàng trăm năm qua và cho rằng, đang đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao nhiều công trình hiện nay chưa nghiệm thu, chưa được quyết toán, chưa đi vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng, phải cải tạo?”.
Từ đó, đại biểu Đoàn Hà Nội đề nghị, cần phải thiết kế những quy định thật chặt chẽ và thông thoáng, khoa học nhưng khả thi trên cơ sở tiếp thu những tiến bộ của quốc tế và khu vực tư nhân.
Chưa đủ chế tài bảo tồn nét văn hóa phố cổ
Đại biểu Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này vẫn chưa đủ chế tài cho việc bảo tồn những nét văn hóa phố cổ của một số tỉnh trên địa bàn toàn quốc.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải cho rằng, hiện có 3 địa điểm cần phải bảo tồn cấp 1 thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thành phố Hội An và thành phố Huế. Tuy nhiên, luật chưa có quy định cụ thể để có thể vừa bảo tồn, giữ được vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân.
“Đối với người dân khu vực Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), bây giờ muốn sửa chữa, cải tạo nhà ở là điều rất khó khăn.Có những ngôi nhà người dân phải sống trong cảnh mấy chục năm không có ánh sáng. Thậm chí vẫn còn có những nhà sử dụng những loại hố xí hai ngăn mà không thể và không được phép cải tạo”, ông Hải nói.
Từ đó, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, Bộ luật cần điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện cho người dân nhưng đồng thời vẫn giữ được nét văn hóa phố cổ.
“Bộ Xây dựng có thể phối hợp với các địa phương xây dựng ra 5-7 mẫu thiết kế nhà theo đúng tiêu chuẩn phố cổ để cho người dân dựa vào đó và được phép sửa chữa, miễn làm sao sau khi xây dựng xong, chúng ta vẫn nhìn thấy những nét phố cổ”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị và cho rằng, Luật xây dựng cần phải có trách nhiệm rất lớn trong việc điều chỉnh để chúng ta giữ được những nét văn hóa của Việt Nam.
Can xu ly nguoi co trach nhiem vi Panorama Ma Pi Leng xay dung dau chi 1 dem-Hinh-2
 Đại biểu Đào Thanh Hải.
Đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, việc bảo tồn các biệt thự cổ của Hà Nội cũng là một vấn đề vô cùng nóng bỏng khi không có một cơ chế chính sách cụ thể nào trong việc bảo tồn phố cổ, trong khi đó chỉ quy định chung là phải bảo tồn, phải giữ nguyên, không được sửa chữa, không cơi nới xây dựng…
“Thực tế hiện nay nhiều chủ xây dựng theo dạng đầu cơ, tìm mọi cách người ta phá hỏng biệt thự và đưa nó vào tình trạng nguy cấp cấp 3 cần phải sửa chữa. Từ đó, phá cả biệt thự đi xây thêm tòa cao ốc, khiến mật độ dân cư thay đổi”, Thiếu tướng Hải nói và cho rằng, việc bảo tồn các biệt thự cổ Hà Nội là một vấn đề hết sức nhạy cảm và vô cùng khó khăn và có nhiều uẩn khúc.
  Panorama Mã Pì Lèng: Đập bỏ hay cải tạo? - Nguồn VTC14
Xã hội bức xúc vì cá nhân phá nát quy hoạch
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc thông qua quy hoạch thường làm rất nghiêm túc, triển khai lấy ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành liên quan, thành lập cả hội đồng kiến trúc và hội đồng phản biện. UBND các cấp cũng rà soát xem xét rất kỹ. Nếu triển khai đúng thì đô thị sẽ được quản lý rất tốt. Nhưng thực tế, khi công bố quy hoạch và bắt đầu triển khai thì nảy sinh bất cập, việc thay đổi cục bộ "rất đơn giản", "quá dễ" khiến quy hoạch bị phá vỡ.
Bộ trưởng Thể chỉ ra tình trạng, thực tế quy hoạch khu đô thị, công viên hay các không gian công cộng đã được phê duyệt nhưng có nhà đầu tư lớn thay đổi cục bộ, dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng. Trong khi đó, hội đồng thẩm định quy hoạch lại không biết việc này mà chỉ là một số lãnh đạo, sở, ngành tự điều chỉnh.
Từ đó, ông Thể đề xuất, cấp nào ban hành quy hoạch, hội đồng gồm bao nhiêu người thì khi điều chỉnh quy hoạch cũng phải có số thành viên tương ứng.
“Khi đó việc điều chỉnh mới đảm bảo tính khách quan, tránh tình trạng một vài cá nhân điều chỉnh, phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, bức xúc xã hội”, Bộ trưởng GTVT nói.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)