Đòi nợ thuê: Nhu cầu có thật, sao phải cấm?

Google News

“Vay thì phải trả”, song không phải lúc nào cái sự trả cũng suôn sẻ như khi vay. Đối phó với sự chây ỳ, không phải lúc nào kiện ra tòa để đòi cũng xuôi chèo mát mái.

Vậy là nhu cầu cần người đòi nợ giùm xuất hiện và dịch vụ đòi nợ thuê ra đời.
Tuy nhiên, trước những hành xử thái quá, mang tính “giang hồ, xã hội đen” của các công ty đòi nợ, người ta bắt đầu lo ngại về loại hình này.
Những quan hệ dân sự vay mượn là rất phổ biến trong xã hội. Đối với người dân hay doanh nhân thì nợ nần là một thực tế.
Người ta không thể thống kê chi tiết hàng triệu triệu giao dịch dân sự như vậy trong cuộc sống. Và cùng với nó là muôn hình vạn trạng các hình thức vay mượn cũng như những nỗi khổ cực, truân chuyên của chủ nợ và con nợ. Từ người dân cho đến doanh nghiệp (DN) và các tổ chức tín dụng chắc cũng chưa bao giờ thoát kiếp “nợ nần”.
Doi no thue: Nhu cau co that, sao phai cam?
 
Có điều không phải bao giờ thì cái nguyên lý “có vay - có trả” mà cha ông đã đúc kết cũng được thực thi. BLDS 2015 ghi nhận vấn đề này rất cụ thể ở phần “Nghĩa vụ và Hợp đồng” với 110 điều khoản. Điều 280 BLDS nói rõ về nghĩa vụ trả tiền rằng: “Phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận; bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Các hình thức thực hiện nghĩa vụ khác cũng được quy định chi tiết.
Nhưng mà người ta còn nói “ăn trước trả sau đau hơn hoạn”. Phải chăng đây cũng là lý do khiến chây ỳ trong chuyện nợ nần vẫn phát sinh nhiều hệ lụy? Nhưng cũng có khi chuyện chây ỳ chỉ vì cái “thái độ”.
Những trọng tài ở VIAC (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) từng kể tôi nghe nhiều chuyện kiện tụng đòi nợ giữa các DN tại đây. Có nhiều trường hợp một DN không chịu trả nợ chỉ vì đối tác có cách thức cực kỳ phản cảm khi đe dọa sẽ thế này thế nọ. Họ dẫn nhau ra VIAC rồi cười xòa, xóa hết các lấn cấn và nợ nần được giải quyết.
X
Nhưng thực tế thì không chỉ màu hồng như vậy. Trên mạng, những “anh em xã hội” đã không ít lần khoe chiến tích giải quyết nợ nần bằng những “chiêu thức” rất độc. Phở Hòa ở TP.HCM dính vào nợ nần của người thân và bị các đối tượng xã hội tạt sơn, ném mắm tôm khiến lắm phen cơ sở kinh doanh oải chè đậu. Rồi cũng có trường hợp “anh em xã hội” bị con nợ làm cho khiếp sợ.
Trong khi đó, Nghị định 104/2007 đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu quy định ấy được thực hiện nghiêm thì chắc chắn dịch vụ đòi nợ đã không biến tướng nhiều như Quốc hội và Chính phủ đang nói đến tại kỳ họp này. Mặt khác, nếu những quy định về quản lý nhà nước, xử phạt hành chính trong nghị định này cũng được thực hiện nghiêm thì tình hình cũng không đến nỗi khiến Chính phủ nêu ý kiến cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Lý do mà Chính phủ đưa ra để cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này. Từ đó nó đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Nhưng thực tế những hành vi bị nghiêm cấm trong Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã rất rõ ràng.
Thực tế, nếu vụ Phở Hòa ở TP.HCM được lực lượng chức năng vào cuộc sớm hơn kể từ khi người dân trình báo thì chắc chắn việc “đòi nợ thuê” đã không “đê hèn” (lời của Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) đến thế. Cũng từ vụ này mới thấy khi lực lượng công an vào cuộc thì lập tức những biến tướng ấy được dẹp yên.
Và một thực tế khác nữa, PCI 2018 (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018) cho hay: Giải quyết một tranh chấp về thực hiện hợp đồng tại tòa án mất khoảng 400 ngày, DN tốn khoảng 29% trị giá hợp đồng. DN tại Việt Nam vì thế thường “ngại kiện tụng ra tòa án khi phát sinh tranh chấp”. Chỉ 39% DN tư nhân trong nước và 2% DN FDI sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp. Thậm chí DN còn sử dụng cả các băng, nhóm “xã hội đen” trong một số trường hợp.
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định đòi nợ là nhu cầu có thật và cần có một hành lang pháp lý để quyền tự do kinh doanh hiến định được bảo đảm. Có người còn bảo: Càng cấm sẽ càng phát sinh biến tướng.
thật ra chỉ khi nào các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm mà kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn gây ra nỗi sợ hãi cho xã hội thì có lẽ khi đó mới cần cấm. Hiện nay hành lang pháp lý không phải là không có nhưng nó có được thực thi nghiêm minh hay không lại là câu chuyện khác.
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong bối cảnh này, vì vậy như nhiều đại biểu Quốc hội nói, sẽ làm người dân có cảm giác không quản được thì cấm.
Theo Chân Luận/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)