Chủ khách sạn Panorama xin giữ lại toàn bộ
Ngày 9/10, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả kiểm tra công trình khách sạn Panorama sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng. Theo đó, chủ cơ sở chỉ cung cấp một bộ bản vẽ thiết kế công trình chưa qua thẩm định, chủ đầu tư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hằng năm) nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sở Xây dựng đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, nhà hàng Panorama nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới (chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng).
Vì thế, Sở này đề xuất 6 tầng giật cấp bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh, thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11. Như vậy, đề xuất của các sở ngành vẫn cho phép bà Ánh giữ lại một phần công trình (vị trí hiện tại là quán cà phê).
Tuy nhiên, bà Vũ Ngọc Ánh (chủ nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng) tỏ ra không đồng tình và mong muốn được giữ công trình nguyên vẹn. Bà đưa ra những lập luận phản bác đề xuất phá dỡ với lý do rằng đây là điểm dừng chân an toàn của du khách, nếu tháo dỡ thì sẽ phát sinh rất nhiều tai nạn như từng xảy ra khi chưa có tòa nhà.
|
Bà Ánh xin giữ lại toàn bộ khách sạn, nhà hàng Panorama. |
Theo phương án được các sở ngành đề xuất, chủ công trình Mã Pì Lèng Panorama sẽ phải cải tạo phần nhà nằm sát đường quốc lộ đảm bảo thân thiện với môi trường, đồng thời đập bỏ toàn bộ phần công trình phía sau, trồng cây xanh thay thế.
Bà Ánh không đồng tình với phương án trên và đưa ra đề xuất sẽ biến nó thành công trình hoang sơ, và phủ xanh toàn bộ công trình để không lộ ra những phần bê tông gây phản cảm.
Về những thủ tục, giấy phép bà chưa có theo quy định, bà Ánh nói: "Cái đó chưa có thì hoàn thiện sau đâu có sao".
Đồng thời, chủ nhà nghỉ này cho biết sẽ gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền.
Trước đó, chia sẻ về khách sạn, nhà hàng Panorama, bà Ánh cho biết, công trình được khởi công từ năm 2018 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Công trình có kết cấu bê tông cốt thép, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.
Hiện công trình đã hoàn thiện được 5 cấp. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép. Bà Ánh chia sẻ rằng mình đã phải bỏ nhiều tỷ đồng vào công trình. Nếu bị phá bỏ bà chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế hoặc cho nổ mìn toàn bộ công trình.
Song, khi bình tĩnh trở lại, bà nhận thức sai phạm và cho biết, nếu Nhà nước yêu cầu thì sẵn sàng tháo dỡ công trình.
Ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết: "Sẽ không phạt theo hướng để cho tồn tại."
Cần xử lý trách nhiệm chính quyền
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Ánh, chủ khách sạn Mã Pì Lèng Panorama, dù không đưa ra được giấy phép xây dựng nhưng khẳng định một số cán bộ cấp huyện ở Mèo Vạc đã động viên bà thực hiện công trình này.
Bà Ánh cho biết mảnh đất trên gắn liền với một kỷ niệm của bố và anh trai nên bà quyết mua lại từ người dân địa phương 10 năm trước. Việc mua bán được thực hiện bằng giấy viết tay.
Đến năm 2016, bà mới làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 545 m2, thuộc loại đất nông nghiệp.
Bà cho biết có "người của huyện" và cả chuyên gia nước ngoài đến đốc thúc bà nhanh chóng xây công trình để phục vụ cho việc "tái thẩm định" Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.
"Họ đã đến đây giúp đỡ, bảo mình có đất thì làm đi nên tôi mới hết lòng làm", bà Ánh nói và cho biết đã dốc hàng tỷ đồng để đầu tư cho công trình này. Đến nay, bà vẫn còn nhiều khoản nợ chưa thể trả.
Nêu quan điểm về vụ việc, luật gia Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo lời kể của chủ khách sạn thì quá trình xây dựng và hoạt động đã được sự đồng ý của các cấp chính quyền tại địa phương. Chính quyền địa phương khi trả lời báo chí thì cho biết đã nhiều lần xuống kiểm tra, yêu cầu dừng các hoạt động liên quan.
"Dù ở trường hợp nào, thì trong sự việc, trách nhiệm của chính quyền địa phương là quá rõ ràng, cần phải xử lý" - chuyên gia pháp lý nhấn mạnh.
"Là 1 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, tại Mã Pì Lèng xuất hiện công trình đồ sộ trái pháp luật mà chính quyền tại đây chỉ xuống kiểm tra, yêu cầu dừng xây dựng, hoạt động thì phải chăng chỉ làm cho có, làm lấy lệ, kiểm tra cho đúng thủ tục.
Từ đó làm rõ về sự việc, xác định đúng trách nhiệm và hành vi trái pháp luật của các đối tượng. bởi lẽ, dấu hiệu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân là rất lớn.
Nếu đủ căn cứ và bằng chứng, cần tập trung điều tra xem có lợi ích nhóm ở đây hay không" - luật gia Hải nói.