Tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ
Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đợt này quyết định phải chống tham nhũng, tiêu cực; tiêu cực là tập trung vào chống sự suy thoái về phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, đó là cái quan trọng, là gốc. Lãng phí chỉ là một khía cạnh, tiêu cực nhiều lắm. Đạo đức không trong sáng, lành mạnh sinh ra tham ô, đi ăn cắp vặt, rồi dần dần ăn cắp lớn, rồi cấu kết với nhau để làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân. Cái đó rất lớn”.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tại cuộc họp ngày 10/9, Bộ Chính trị cũng đã thống nhất bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, và đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là minh chứng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thì có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, là gốc, chính là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong các hình thái tham nhũng, có tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực là gốc, “đẻ” ra tham nhũng kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, những người tham nhũng kinh tế thường là những người nắm giữ quyền lực; quyền lực càng lớn mà thiếu đạo đức thì tham nhũng càng lớn.
Thực tế này cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm chỉ ra: Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.
“Trước khi cán bộ thực hiện hành vi tham nhũng kinh tế thì họ phải chạy vạy, phải tham nhũng quyền lực. Mà tham nhũng quyền lực bắt đầu từ gốc là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bản thân các cán bộ đó có tâm không chính, đã suy thoái về tư tưởng chính trị và khi đã suy thoái về tư tưởng chính trị rồi thì tìm mọi cách để leo lên quyền lực, mua quyền lực, "chạy" quyền lực. Họ củng cố địa vị quyền lực, vị trí quyền lực từ nhỏ đến to và dần dần trượt dài theo “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị lợi ích vật chất cám dỗ” - PGS.TS Bùi Đình Phong phân tích.
Ông Bùi Đình Phong cho rằng không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi những biểu hiện tiêu cực này ngấm ngầm trong đầu của cán bộ hư hỏng mà ít khi phát hiện được từ sớm.
Huy động "tai, mắt" nhân dân để chặn tham nhũng, tiêu cực
Cho rằng việc Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, song ông Bùi Đình Phong cho rằng cần phải phòng, chống cả lãng phí, quan liêu.
|
PGS.TS Bùi Đình Phong. |
Bởi trong
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua mặc dù được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Tham nhũng vẫn cứ “đẻ” ra vì chưa tìm được gốc hoặc đã tìm ra được nhưng chưa trị tận gốc. Như những cái cây nếu như không đào được tận gốc, tận rễ thì chặt ngọn này nó lại mọc ngọn khác, chặt cành này thì cành khác lại mọc. Vì vậy, chống tham nhũng, lãng phí thì phải trị tận gốc, gốc lớn là chủ nghĩa cá nhân, gốc tiếp theo là quan liêu, là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trước băn khoăn về cái khó trong phòng, chống tiêu cực không như phòng, chống tham nhũng, vì tham nhũng có thể đong đếm thành tiền bạc, nhưng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lại rất khó định lượng, ông Bùi Đình Phong cho rằng, trong Nghị quyết về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ các biểu hiện suy thoái, biểu hiện tiêu cực chủ yếu trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tập trung phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Để phát hiện được những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay thì cần phải dựa vào nhiều kênh, nhiều nguồn. Công việc hiện nay đã phân cấp, phân quyền cụ thể, rõ ràng, mỗi công đoạn đều có cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm. Thông qua sự phân cấp, phân quyền này để đánh giá cán bộ, đảng viên về mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp, cấp ủy các cấp.
Cùng với đó là phát huy cao độ dân chủ, không chỉ dân chủ trong Đảng mà còn dân chủ trong xã hội. Làm sao tập hợp, huy động “tai, mắt” của mọi thành phần lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực, bởi người dân tinh tường lắm, cái gì cũng biết, cũng nghe, cũng thấy. Có nhiều điều dân biết mà cán bộ lãnh đạo không biết, nhiều việc dân giải quyết được mà tổ chức và người tài nghĩ mãi không ra.
“Nhân dân ở đây không chỉ là "đại cử tri" mà khi cần thì phải xuống đến tận cơ sở để nghe tiếng của người dân ở đây như thế nào. Vì bây giờ ở chỗ này, chỗ khác, cán bộ nào thâu tóm đất đai hay có những chuyện tiêu cực khác, dân biết hết” – ông Bùi Đình Phong nói và cho rằng, người dân cũng có nhiều thành phần, vì vậy cán bộ, đảng viên cũng cần biết sàng lọc, so sánh, chắt lọc những ý kiến nào là đúng để tiếp thu.