Sáng nay 4/7, tại văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật quản lý thuế; Luật đầu tư công; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự. Các luật này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.
Theo đó, luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Trong cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, nội dung chủ yếu là Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như:
Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;
Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập.
|
Theo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị nghiêm cấm. (Ảnh: VGP/ Lê Sơn) |
Theo Thứ trưởng Cường: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua tại họp thứ 7 nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình..).
Thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống các tác động đến kinh tế, trật tự và an toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Cũng theo ông Cường, luật quy định 3 biện pháp chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm: Giảm mức tiêu thụ rượu, bia bằng cách thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia;
Quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ;
Quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ.
Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó dần thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia.
Mời quý vị độc giả xem video: Nữ tài xế say rượu gây tai nạn chết người
Trong đó, chú trọng một số biện pháp đối với một số đối tượng đặc thù như học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai… đặc biệt trẻ em dưới 18 tuổi.
Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao thông.
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật Thương mại.