Cách ly xã hội: Rào đường, cấm xe, “ngăn sông, cấm chợ” là chưa đúng Chỉ thị của Thủ tướng

Google News

(Kiến Thức) - Một số địa phương xảy ra tình trạng đổ đất cản đường, rào đường, cấm xe lưu thông, “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác hay tạm dừng các công trình xây dựng…là chưa thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng.

Từ 0h ngày 1/4 đến 15/4, Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, giải thích thêm về cách ly toàn xã hội, Thủ tướng cho biết, cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông.
Tuy nhiên, tại một số địa phương đã có hiện tượng thực hiện chưa đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khi đổ đất cản đường, rào đường, cấm xe lưu thông. Một số ví dụ điển hình như tại đường nối xã Bằng Cả (TP Hạ Long) với phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) chính quyền địa phương đã đổ đất thành lũy, ngăn các phương tiện lưu thông. Tại xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng có hiện tượng dùng dây thép rào chắn đường vào làng Cổ Tiết…
Cach ly xa hoi: Rao duong, cam xe, “ngan song, cam cho” la chua dung Chi thi cua Thu tuong
 Nhiều xe cá nhân đã phải quay đầu khi đến địa phận tỉnh Quảng Ninh.
Một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong thời gian cách ly toàn xã hội, dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra vào địa bàn, trừ các trường hợp đặc biệt và thực tế nhiều phương tiện đã buộc phải quay đầu khi đến địa phận các địa phương trên.
Mới đây, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khi nói về tình trạng các địa phương lập các chốt chặn trên đường, xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” khiến người dân không thể đi từ địa phương này sang địa phương khác đã khẳng định: “Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không nêu vấn đề “cấm”. Chính phủ chưa ban hành lệnh phong toả thì phương tiện cá nhân và hàng hoá vẫn phải được lưu thông bình thường”.
Về các “chốt chặn” tại cửa ngõ các thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các chốt này lập ra để nhằm kiểm tra việc thực hiện dừng hoạt động vận tải hành khách, ví dụ như phát hiện ra xe taxi chở khách từ địa phương này sang địa phương khác thì các “chốt chặn” yêu cầu xe quay đầu. Đây là biện pháp ngăn chặn dịch bệch. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hoá.
Trao đổi với báo chí về tình trạng trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai.
Cach ly xa hoi: Rao duong, cam xe, “ngan song, cam cho” la chua dung Chi thi cua Thu tuong-Hinh-2
 Một số địa phương còn lập chốt, rào đường.
Cach ly xa hoi: Rao duong, cam xe, “ngan song, cam cho” la chua dung Chi thi cua Thu tuong-Hinh-3
 Thậm chí bịt kín lối đi như thế này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng, ngày 1/4, một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng.
"Chúng tôi đã gọi điện cho các tỉnh rồi, bây giờ phải thay đổi lại ngay. Ai cho phép ngăn sông cấm chợ? Ai cho phép hạn chế đi lại? Những việc này, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, những nơi nào đã làm phải dừng lại ngay, bảo đảm giao thông cho mọi người, nhất là phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID 19 nêu rõ: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định”.
“Hiện tại, trong các văn bản pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về cách ly xã hội. Chúng ta cũng chỉ quen thuộc với thuật ngữ cách ly y tế quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, cụ thể cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh”, Luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, mới đây khi lý giải về cách ly xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường”.
Như vậy, có thể hiểu cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội, cũng không phải là biện pháp khẩn cấp về y tế…
Cach ly xa hoi: Rao duong, cam xe, “ngan song, cam cho” la chua dung Chi thi cua Thu tuong-Hinh-4
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Theo Luật sư Cường, việc một số địa phương đổ đất đá lấp đường lại là chưa phù hợp với Chỉ thị của Chính phủ.
Dựa vào những giải thích củaThủ tướng Chính phủ, các địa phương này cần phải xem xét lại việc này và có những điều chỉnh phù hợp với Chỉ thị 16 nêu trên.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta phải sử dụng tình huống pháp lý cách ly xã hội như một biện pháp cấp bách để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm do đó chưa có cách hiểu thống nhất trong toàn dân và giữa các địa phương.
Do đó, mỗi địa phương, mỗi người dân cần thường xuyên theo dõi tin tức, sát sao với các chỉ thị, chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế để thực hiện đúng, đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao nhất, sớm công bố hết dịch bệnh, đảm bảo đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa…
Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch, có đặt vấn đề cách ly xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có một số địa phương, cơ quan, đơn vị hiểu và thực hiện sai tinh thần của Chỉ thị này. Một số địa phương đã tiến hành rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác hay tạm dừng các công trình xây dựng, thậm chí một số trung tâm đăng kiểm dừng hẳn hoạt động đến 15/4…
Bởi vậy, hiện nay địa phương nào con hiểu sai về cách ly xã hội, thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”, cản trở giao thông cần phải có nhận thức lại vấn đề này và gỡ bỏ ngay để tránh việc ảnh hưởng đến nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu cầu khám chữa bệnh cấp cứu cũng như phòng cháy chữa cháy nếu không may xảy ra hỏa hoạn, cấp cứu ... Chỉ khi nào nhà nước có lệnh phong tỏa thì mới thực hiện những biện pháp như vậy dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
>>> Mời độc giả xem video Thủ tướng công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)