PGĐ BV Hương Khê tổ chức đám cưới cho con giữa dịch COVID-19: Sau tạm đình chỉ là gì…?

Google News

(Kiến Thức) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa yêu cầu tạm đình chỉ công tác và xem xét xử lý trách nhiệm vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối Phó Giám đốc BVĐK Hương Khê khi tổ chức đám cưới cho con ở thời điểm cao trào dịch bệnh. Ngoài tạm đình chỉ, vị PGĐ bệnh viện này sẽ bị xử lý thế nào?

Thông tin mới nhất vụ việc Phó Giám đốc bệnh viện tổ chức đám cưới cho con trong thời điểm cao trào phòng chống dịch COVID-19, ngày 2/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu tạm đình chỉ công tác và xem xét xử lý trách nhiệm vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với ông Lê Anh Hùng, Phó Giám đốc BVĐK Hương Khê.
Trước đó, một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin về việc gia đình ông Lê Anh Hùng, Phó Giám đốc BVĐK huyện Hương Khê “tổ chức đám cưới cho con trai” vào sáng ngày 31/3/2020 tại một nhà hàng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, nhiều hình ảnh về đoàn xe rước dâu đám cưới con ông Hùng được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy, hàng chục xe ô tô nối đuôi nhau chạy trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận huyện Hương Khê.
Việc này có dấu hiệu vi phạm quy định cấm tập trung đông người để phòng chống, dịch bệnh Covid -19 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời khiến dư luận bức xúc vì ông Hùng là Phó giám đốc của một bệnh viện mà không nêu gương, phớt lờ Chỉ thị của Chính phủ và cơ quan chức năng trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID -19.
PGD BV Huong Khe to chuc dam cuoi cho con giua dich COVID-19: Sau tam dinh chi la gi…?
 Hình ảnh đoàn xe rước dâu đám cưới con trai PGĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê.
Liên quan vụ việc trên, trả lời báo chí ngày 2/4, ông Lê Anh Hùng cho biết, đã làm bản tường trình gửi các cơ quan chức năng về việc tổ chức rước dâu cho con trai.
Theo lời ông Hùng, con trai ông quen biết với một cô gái ở Thừa Thiên Huế, hai bên gia đình đã quyết định chọn ngày 31/3 tổ chức đám cưới tại nhà trai ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê. Tuy nhiên, sau đó gia đình ông Hùng đã tạm dừng tổ chức đám cưới mà chỉ làm lễ đón con dâu về nhà để làm lễ nhập gia tiên theo phong tục.
Ông Hùng cho rằng, thời điểm tổ chức đám cưới cho con trai chưa có chủ trương cách ly toàn xã hội. Gia đình nhà gái có 5 người đi trên 2 xe ô tô, gia đình ông Hùng cũng chỉ có 2 xe ra đón và cho biết, gia đình không thông báo, mời bạn bè. Đồng thời cho hay, dù gia đình không mời nhưng nhiều bạn bè khi biết tin đã đi xe ô tô đến nhập vào xe rước dâu của gia đình.
Ông Hùng cũng khẳng định không thuê khách sạn để tổ chức đám cưới cho con mà chỉ thuê một phòng trong khách sạn để con dâu thay đồ và trang điểm khi ở điểm chờ rước dâu.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, trả lời của ông Hùng như trên là ngụy biện và đề nghị cơ quan chức năng cần xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sưu Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin báo chí đăng tải liên quan về vụ việc này, rõ ràng đây là hành vi tập trung đông người, phớt lờ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện ý thức kém trong việc phòng chống dịch bệnh, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và gây dư luận xấu trong xã hội. Do vậy, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để giảm thiểu nguy cơ lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 447 công bố tình trạng bệnh dịch và Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, theo đó cách ly toàn xã hội 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4.
Trước đó, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 15 thực hiện đợt cao điểm phòng chống COVID-19, trong đó yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người 00 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác…
Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Cùng với sự chỉ đạo của Chính Phủ, các địa phương cũng đã có các văn bản về việc tạm ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tại các cơ sở dịch vụ không thiết yếu cũng như việc hạn chế tụ tập đông người.
Cụ thể, sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng thì Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản tiếp thu ý kiến và chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa phương.
PGD BV Huong Khe to chuc dam cuoi cho con giua dich COVID-19: Sau tam dinh chi la gi…?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Hương Khê là cán bộ trong ngành y tế, lãnh đạo một bệnh viện, lẽ ra phải có trách nhiệm gương mẫu, đông thời có trách nhiệm đôn đốc, vận động người dân thực hiện các mệnh lệnh, chỉ thị, yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên hành động và việc làm của vị cán bộ này rất thất vọng và khiến dư luận bức xúc.
Trường hợp đám cưới tổ chức trước ngày 1/4 (trước khi có lệnh cách ly toàn xã hội), việc tổ chức đám cưới này cũng đã vi phạm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 nêu trên. Theo phản ánh của dư luận thì đám cưới tổ chức rầm rộ, nhiều người, thuê cả khách sạn, mấy chục chiếc ô tô rước dâu, rõ ràng là không tuân thủ các quy định, mệnh lệnh mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Mặc dù thời điểm Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 có thể chỉ là khuyến cáo, cảnh báo với người dân (từ 01/4/2020 mới có tính chất bắt buộc).
Tuy nhiên Chỉ thị, mệnh lệnh của Thủ tướng kể cả bằng lời nói hay văn bản đều có tính chất bắt buộc đối với tất cả các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, với các cơ quan hữu quan từ trung ương xuống địa phương, đặc biệt là cán bộ trong ngành y tế và trực thuộc Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm vào thời điểm nước sôi lửa bỏng như thế này.
Việc cán bộ lãnh đạo ngành y tế của địa phương này cố tình tổ chức đám cưới cho con mình, không hy sinh lợi ích cá nhân, dẹp bỏ những ích kỷ cá nhân để toàn tâm phục vụ nhân dân trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao là hành vi phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác, gây bức xúc trong dư luận.
Bởi vậy, vấn đề này cần phải được xem xét làm rõ để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Có thể xem xét xử lý kỷ luật và các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Mọi việc làm không gương mẫu của cán bộ, công chức, của người có chức vụ trong thời điểm này đều có thể gây ra hệ lụy rất xấu cho xã hội, làm mất niềm tin của người dân đối với nhà nước trong việc phòng chống dịch bệnh. Do vậy, khi đã xác định chống dịch như chống giặc cần phải siết chặt kỷ luật chiến trường, mọi hành vi vi phạm đều phải có chế tài nghiêm khắc”, Luật sư Cường cho biết.
Theo những thông tin mà báo chí đã phản ánh, số người tụ tập ít nhất cũng đến vài chục người (trong khi đó Thủ tướng chỉ đạo tập trung nơi công cộng vào thời điểm trước 1/4 không quá 10 người). Bên cạnh đó, việc tổ chức một đoàn xe ô tô, thuê cả khách sạn ăn uống, trong khi chính phủ và chính quyền địa phương yêu cầu đóng cửa hoạt động tất cả các khu vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các dịch vụ không cần thiết... Hành vi diễn ra như vậy rõ ràng là những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận nên cần làm rõ những hành vi này để có những chế tài phù hợp.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Cường cho rằng, theo quy định tại Điều 52 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định rõ, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch như tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch. Trong trường hợp có hành vi tụ tập đông người.
Tuy nhiên, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức vẫn tụ tập nơi đông người mặc dù đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đây được coi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể: Nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo đó, người nào không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong trường hợp không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch còn có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo điểm b khoản 6 Điều 11 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 BLHS 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, cao nhất đến 12 năm tù.
Bởi vậy, nếu trong số những người đi dự đám cưới này mà có mắc bệnh, mang mầm bệnh, thuộc diện phải cách ly nhưng cố tình tham gia dự đám cưới này dẫn đến làm lây lan dịch bệnh COVID-19 thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi được xác định là vi phạm quy tắc an toàn nơi đông người theo Công văn số 45/HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn thì người vi phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015.
Với trách nhiệm là cán bộ trong ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch, là cán bộ lãnh đạo trong ngành y tế mà không thực hiện tinh thần nêu gương, gây dư luận xấu trong xã hội, Cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải xem xét hình thức kỷ luật với vị lãnh đạo này theo quy định của Đảng và các quy định về kỷ luật công chức...
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét, xác minh làm rõ sự việc trên, nếu có căn cứ vi phạm thì cần xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, cũng như nhằm kiểm soát, đảm bảo công tác phòng chống dịch tại địa phương đó.
>>> Mời độc giả xem video Thủ tướng chỉ đạo tạm thời cấm tụ tập quá 20 người

Nguồn: VTV 24

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)