Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi tỉnh, huyện và phường/xã dựa vào Nghị quyết số 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cả nước có 37 tỉnh, thành ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 26 tỉnh, thành ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới). Không có tỉnh, thành cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã ở cấp độ 3, 2 huyện và 37 xã ở cấp độ 4.
'Vùng xanh', 'vùng vàng' chưa sẵn sàng cho học sinh trở lại trường
Ngày 24/10, UBND TP.HCM chính thức thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại TP.HCM theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Theo đó, có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh - bình thường mới), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình) và 1 địa phương cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao).
Nếu chiếu theo đề nghị của Bộ GD-ĐT (các trường học ở khu vực thuộc cấp độ 1 và 2 có thể dạy học trực tiếp hoàn toàn; cấp độ 3 dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến, cấp độ 4 tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình) thì đã có 9 thành phố/ quận/ huyện của TP.HCM đủ điều kiện cho học sinh tới trường.
Tuy nhiên, dù đã có Bộ Tiêu chí an toàn trong trường học, thì thời điểm mở cửa lại trường học vẫn chưa được lên lịch cụ thể.
Theo kế hoạch, việc dạy và học trực tuyến sẽ được kéo dài đến hết học kỳ I, ngoại trừ 2 trường học ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) được thí điểm mở cửa từ ngày 20/10.
|
Những học sinh đầu tiên ở TP.HCM trở lại trường sau 165 ngày nghỉ do dịch Covid-19 |
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, phương án mở cửa trường phải được thực hiện theo kế hoạch chung của thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong đợt dịch này TP.HCM đã trưng dụng gần 1.500 cơ sở giáo dục làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu thu dung, điểm tiêm vắc xin… Đến nay, còn khoảng 1.000 cơ sở vẫn đang phục vụ chống dịch, dự kiến giữa tháng 11 mới hoàn tất việc bàn giao. Sau đó, cần khoảng một tháng để vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất.
Kế hoạch tiêm vắc xin cho cho 780.000 trẻ em độ tuổi 12-17 cũng chưa có thời gian triển khai cụ thể.
Do vậy, việc mở cửa lại trường học ở TP.HCM lúc này được đánh giá là chưa chín muồi.
Bà Rịa – Vũng Tàu được xếp ở cấp độ 1. Địa phương này có 4 huyện với 61 phường, xã thuộc vùng xanh, 4 huyện và 22 phường xã thuộc vùng vàng.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì trừ huyện Côn Đảo tiếp tục dạy học trực tiếp, Sở đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho phép tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình đến hết học kỳ I.
Bà Châu cho biết lý do là hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố vẫn đang sử dụng nhiều trường học làm khu cách ly y tế tập trung. Dự kiến đến hết tháng 10 này, số lượng trường học chưa bàn giao lại là 41 trường.
Ngoài ra, cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 mới đạt gần 96%, mũi 2 hơn 32%. Học sinh các cấp cũng chưa được tiêm vắc xin. Một số giáo viên và học sinh còn ở ngoài tỉnh do thực hiện giãn cách xã hội đang quay về tỉnh chưa đầy đủ và phải thực hiện cách ly theo quy định...
Cũng ở cấp độ 1, nhưng Hà Nội vẫn cho học sinh học trực tuyến, chưa “hẹn” ngày mở lại trường, kể cả ở khu vực ngoại thành trong hơn hai tháng qua không có ca mắc Covid-19 nào.
Ngày 18/10, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản đề xuất cho học sinh 18 huyện, thị ngoại thành và một số khối lớp của 12 quận nội thành học trực tiếp từ 25/10. Ngoài ra còn có 3 kịch bản khác cho học sinh trở lại trường theo từng khối hoặc toàn bộ các cấp. Phương án cho học sinh toàn thành phố trở lại trường dự kiến thực hiện vào 17/1/2022.
Tuy nhiên, Sở đã rút lại đề xuất này chỉ sau đó một ngày. Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết lý do là tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh lân cận còn phức tạp, số ca mắc Covid-19 là học sinh lên đến hàng trăm, nên thời điểm này chưa thích hợp để cho học sinh Hà Nội trở lại trường.
Sở GD-ĐT Hà Nội đang tiếp tục xây dựng các phương án trở lại trường khác.
Tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch
Trong khi đó, dù đánh giá toàn tỉnh thuộc cấp độ 3, nhưng sau khi xác định cấp độ dịch ở các xã, phường (với 38 phường/ xã thuộc 3 huyện ở cấp độ 1, 29 phường/ xã thuộc 2 huyện ở cấp độ 2 và 24 phường, xã thuộc 4 huyện ở cấp độ 3, 1 huyện ở cấp 4), Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã đề xuất triển khai hoạt động dạy và học năm học 2021-2022 theo từng cấp độ dịch.
Theo đó, đối với các địa bàn thuộc cấp độ 1, dự kiến học sinh THPT sẽ trở lại trường học từ đầu tháng 11/2021.
Đối với các địa bàn thuộc cấp độ 2, dự kiến học sinh khối 12 sẽ trở lại trường học từ ngày 29/11; khối 10, 11 từ ngày 13/12 và học sinh khối 6, 7, 8, 9 từ ngày 3/1/2022.
Học sinh tiểu học, tiếp tục học trực tuyến và học trên truyền hình. Riêng trẻ mầm non, nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh chăm sóc trẻ.
Đối với các địa bàn thuộc cấp độ 3 và cấp độ 4, tổ chức dạy học trực tuyến và học trên truyền hình cho học sinh phổ thông. Nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh chăm sóc trẻ mầm non. Việc tổ chức dạy học trực tiếp thay đổi tùy thuộc vào tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi và cấp độ dịch.
Với việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bình Dương sẽ thực hiện ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cũng thuộc cấp độ 2 như TP.HCM, nhưng vào ngày 20/10, Đà Nẵng đã cho học sinh Trường TH Hòa Bắc và THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Đà Nẵng) được trở lại trường.
Đà Nẵng cũng dự kiến cho học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp từ ngày 1/11, học sinh các khối lớp còn lại sẽ đến trường từ ngày 8/11.
Sở Y tế phối hợp Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch sớm tiêm vắc xin cho học sinh từ 15-18 tuổi, bảo đảm tất cả học sinh cấp THPT (lớp 10, 11, 12) đều được tiêm mũi 1 trước khi đi học trở lại.
Tại Kiên Giang, UBND tỉnh đã có văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo đề xuất về việc cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên đến trường từ ngày 1/11.