Theo kế hoạch phân vùng của UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành hôm qua (3/9), toàn bộ Hà Nội sẽ phân thành 3 vùng. Đáng chú ý, “vùng đỏ” là các quận nội thành sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16. Nhiều người dân không khỏi lo ngại về tình trạng khó đi chợ, thiếu thực phẩm nếu tiếp tục kéo dài giãn cách.
Hơn 1.200 doanh nghiệp trên cả nước cung ứng cho Hà Nội
Chiều tối qua (3/9), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Chủ tịch Chu Ngọc Anh đặc biệt nhấn mạnh việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường cách ly xã hội.
|
Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu phải cung cấp đủ lượng hàng hoá cho người dân Hà Nội. |
Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu Sở Công thương triển khai công tác đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho mọi người dân giữa các vùng, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa. Ngoài ra phải phối hợp với các địa phương hướng dẫn và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch bệnh và điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng địa bàn.
Tại cuộc họp chiều 3/9 tại Hà Nội bà Trần Thị Phương Lan - quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện nay các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài phân vùng 1 và thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ.
Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, Sở Công thương đã có phương án cung ứng cho từng phân vùng. Cụ thể, tại phân vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, để đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tiếp tục liên kết với 21 tỉnh, TP phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên thu mua đưa về các kho dự trữ.
“Hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên; Trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội”, bà Lan thông tin.
Triển khai nhiều điểm bán hàng lưu động
Về việc mua hàng của người dân tại các phân vùng trên địa bàn Hà Nội, đại diện hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội thông tin, từ nay đến hết ngày 21/9 sẽ tổ chức những điểm bán hàng lưu động. Những địa phương được triển khai gồm Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0.
|
“Vùng đỏ” của Hà Nội sẽ triển khai nhiều mô hình bán hàng. |
Đối với các chợ trong phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, Thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.
Đối với “vùng đỏ”, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng Shiper, các lực lượng khác: Phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).
Đối với người dân sống tại phân vùng 2 và phân vùng 3 cũng sẽ mua hàng thiết yếu thông qua 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động...
Về nguồn hàng, Thành phố sẽ huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và những tỉnh, thành phố cam kết cung cấp hàng hóa cho Hà Nội. Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa TP Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng.
Sở Công Thương cho biết, các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến: 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.