Kinh doanh nhà nghỉ được xem là mảnh đất “màu mỡ” đem lại thu nhập cao, nhưng phía sau đó là những rủi ro rình rập như: khách mượn “bãi đáp” sau những cuộc chơi, tự tử vì sầu đời…
Vị khách lịch thiệp
Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Hải (Gia Lâm, Hà Nội), sau nhiều năm làm nhân viên lễ tân cho một số nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn Hà Nội, anh cũng dần “chai sạn” cảm xúc và không còn “run cầm cập” khi chứng kiến những câu chuyện hãi hùng xảy ra ở đây.
Theo lời anh Hải, làm nhân viên lễ tân ngại nhất là va chạm với khách say xỉn, có tí “đá” hoặc những kẻ ngổ ngáo. Nhiều đêm trực một mình, anh còn phải thủ thêm con dao bấm để phòng thân.
“Rất nhiều khách khi vào, nhìn mặt hiền khô, trong người đầy đủ giấy tờ tùy thân nhưng khi ở lưu vài ngày lại chây ỳ tiền phòng rồi gây gổ nên cũng có lúc xảy ra va chạm, xô xát”, anh Hải kể.
Trò chuyện với PV Emdep.vn, anh Hải nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây 3 năm trước khi anh còn làm việc cho một nhà nghỉ ở quận Cầu Giấy. Đó là chuyện về một người đàn ông chừng 45 tuổi đến thuê nhà nghỉ để tự tử.
|
Với “lý lịch sạch” và sòng phẳng khi vào nhận phòng nên anh Hải đã sắp xếp phòng và vào sổ lưu trú. Ảnh minh họa |
Anh Hải cho hay, khi đến nhà nghỉ, người đàn ông này nói muốn nghỉ chừng 5-6 ngày vì chuẩn bị đi công tác. Anh này còn xin nộp trước 3 ngày tiền phòng. Điều đáng nói, trên người anh ta có đến 5-6 loại giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ ra vào cơ quan, bảo hiểm y tế.
Với “lý lịch sạch” và sòng phẳng khi vào nhận phòng nên anh Hải đã sắp xếp phòng và vào sổ lưu trú. Thế nhưng, anh Hải cũng như chủ nhà nghỉ không thể ngờ, vị khách đó tìm đến trọ cũng chỉ vì mục đích mượn chỗ để quyên sinh.
“Làm nhân viên khách sạn, nhà nghỉ lâu năm nên khi khách vào mình thường quan sát rất kỹ. Phần lớn những con nghiện đều được mình “bắt hình” rất chuẩn và từ chối ngay. Nhưng thú thật, khi người đàn ông này vào nghỉ nhìn bề ngoài oai vệ của anh ta, mình cũng nghĩ anh này có thâm niên nghiện hút từ nhiều năm rồi”, anh Hải chia sẻ.
Cái kết bất ngờ và đầy ám ảnh
Những ngày đầu, người đàn ông này thường đi ra ngoài cả ngày và chỉ về phòng vào buổi tối. Đến ngày thứ 4, anh ta ở miết ở trên phòng và không đi đâu.
Thấy lạ, anh Hải có lên phòng gõ cửa kiểm tra và người này xác nhận vẫn ổn, không có công chuyện gì phải đi ra ngoài. Thấy vậy anh Hải cũng yên tâm trực ở dưới quầy lễ tân.
1h đêm hôm đó, tiếng thất thanh kêu cứu của người dọn phòng từ trên tầng 5 vọng xuống khiến cả nhà nghỉ nháo nhác. Anh Hải chạy lên và không tin nổi vào mắt mình. Từ phía sau cửa kính là hai cánh tay chới với vết máu. Anh Hải mở cửa vào thì thấy cổ tay người đàn ông này đang phun phì phì máu, dưới nền nhà máu loang lổ.
“Lúc đó, mình và người dọn phòng cố trấn tĩnh, băng bó và đưa người đàn ông này vào viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ nói: anh này nghiện hút và chắc chắn bị HIV. Nghe đến lời bác sĩ nói, mình như chết đứng.
Trên người mình lúc đó bê bết máu và trên mặt có vết xước ngã cũng phủ kín máu của nạn nhân. Khi ấy mình nghĩ mình bị nhiễm bệnh rồi”, anh Hải nhớ lại.
Sau khi cấp cứu ở bệnh viện, anh này dần hồi tỉnh và có thừa nhận bị nghiện từ 4 năm trước. Vì nghiện ngập nên gia đình ruồng bỏ và chán chường muốn tìm đến cái chết.
“Khi bà chủ nhà nghỉ xin số gia đình để liên hệ họ xuống chăm sóc người thân thì nhận được câu trả lời “tôi không quen biết, sống chết mặc nó”. Thế là toàn bộ chi phí nằm viện chủ nhà nghỉ phải lo. Nhưng cũng may thay, sau 5 hôm thì cũng có người họ hàng của anh này xuống xin đón người đàn ông về”, anh Hải thuật lại.
Cũng theo lời kể của anh Hải, sau khi đưa người đàn ông lên bệnh viện quay về, anh đã lên phòng để kiểm tra lại hiện trường thì phát hiện lá thư viết tay với nội dung xin lỗi gia đình vì vô tích sự và xin lỗi phía nhà nghỉ vì đã làm chuyện đen đủi này ở nơi kinh doanh.
Tại căn phòng “ác mộng” đó, toàn bộ đồ đạc như phích, ti vi đều bị vỡ do khi tự tử không chịu được đau đớn người đàn ông này đã đập vỡ để tạo “tín hiệu” cho nhà nghỉ biết. Toàn bộ ga gối, đệm ướt sũng máu và phải bỏ đi sau đó.
“Tất cả chi phí tiền viện, đồ đạc bị hỏng phải thay thế, tổng thiệt hại lần đó chủ nhà nghỉ đã mất hơn 15 triệu đồng”, anh Hải kể.
Ác mộng nhất đối với anh Hải nhiều tháng sau đó chính là chuyện bác sĩ nói người đàn ông đó nhiễm HIV nên anh luôn sống trong sợ hãi mình sẽ bị lây bệnh. Anh Hải đã tìm đến bác sĩ tư vấn và theo dõi trong 6 tháng “cửa sổ”.
Suốt thời gian đó, anh Hải không dám chia sẻ và gần gũi với vợ con. Chỉ khi có kết quả anh hoàn toàn bình thường thì những ám ảnh về cái nghề đầy rủi ro mới được xóa đi.
Cũng theo lời anh Hải, chuyện khách tìm đến nhà nghỉ để quyên sinh không hiếm. Một thời, khu Hoàng Mai có rất nhiều nhà nghỉ xảy ra tình huống này. Thậm chí, có nhà sợ quá còn bỏ kinh doanh và bán nhà chuyển đi nơi khác.