Bọn tham nhũng dã man lắm!

Google News

(Kiến Thức) - "Bọn tham nhũng dã man lắm! Không tham nhũng thì quan chức lấy đâu ra những khu đất rộng mênh mông, biệt thự lừng lững?", nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô (Hà Nội) chia sẻ.

Chính tôi cũng mất lòng tin sâu sắc
Lại một vụ tham nhũng hối lộ nữa sắp bị vạch trần, người ta đang đặt nhiều câu hỏi về uy tín của cán bộ, ông thì sao?
Làm gì còn uy tín để mà giữ. Tham nhũng đã phổ biến lắm rồi! Vấn đề là phải chữa trị được căn bệnh đấy trước khi nghĩ đến việc giữ uy tín. Riêng vấn đề chống tham nhũng thì tôi nghĩ cán bộ không còn uy tín để giữ đâu. Dự án lớn tham nhũng lớn, dự án bé thì tham nhũng bé. Vụ việc này cần sớm làm sáng tỏ.
Ông nói thế thì có phần tiêu cực quá?
Làm thế nào để thanh lọc được những cá nhân cơ hội, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy để tồn tại chứ không phải là để giữ uy tín. Tôi không nói tất cả cán bộ đều tham nhũng tiêu cực, nhưng nó phổ biến quá, phức tạp quá. Phần sáng cũng có, nhưng nó le lói, ít lắm. Tôi vẫn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng nếu nói về nhiều cán bộ cụ thể thì chính tôi cũng mất lòng tin sâu sắc. 
Ông đánh giá thế nào về tiêu cực trong các dự án nói chung?
Tôi đã từng làm lãnh đạo tôi biết, bất cứ dự án lớn nhỏ nào đưa ra cũng đều có tiêu cực phí. Từ quyết định đầu tư đến thi công, viết, vẽ, đủ thứ phí cho đủ loại bộ phận. Cơ quan quản lý, nhà đầu tư, nhà thầu, mỗi bộ phận xà xẻo một tí. Còn ai đó bảo "làm gì có chuyện bôi trơn, chúng tôi thực hiện cải cách hành chính rồi thì cần gì phải bôi trơn" là không đúng. Một thứ luật ngầm, luật bất thành văn nó tồn tại thì dù thủ tục thông thoáng, giấy tờ nhanh thì vẫn phải theo luật này. Càng nhiều dự án thì cán bộ càng "ăn" nhiều. 
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. 
Ra tù lại sống đế vương
Vì tranh chấp quyền kiểm soát dự án khu đô thị Sing - Việt City, một nhà đầu tư ban đầu của dự án đã kiện UBND TPHCM ra tòa. Tranh luận tại tòa, nhà đầu tư "tố" đã phải dùng 2,8 triệu USD "bôi trơn" để dự án có thể "chạy" trơn tru. Ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TPHCM nhắc lại quyết tâm điều tra. "Tôi khẳng định là hiện nay thành phố đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên thủ tục đổi giấy phép rất đơn giản, không có gì mà phải "bôi trơn". Thành phố sẽ làm sáng tỏ vấn đề này để bảo vệ uy tín của thành phố".

 

Nói như ông có người sẽ cho rằng vô căn cứ, "vơ đũa cả nắm"?
Dự án lớn và nhỏ đều có tham nhũng, từ khi xây dựng đến khi làm xong đều phải có tiền chi cho tiêu cực. Vụ việc này giống như vụ tham nhũng trong  vụ việc Công ty Tư vấn GTVT Nhật Bản (JTC) khai nhận hối lộ một số quan chức đường sắt Việt Nam với số tiền 80 triệu Yên tương đương với 16,4 tỷ đồng. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Khi cảnh sát Nhật Bản điều tra mới phát hiện ra, chứ nếu họ không khai thì chắc cũng không biết được. Mà tiền đó chắc đã biến thành nhà cửa, đất đai của nhiều quan chức ngành đường sắt rồi. 
Những vụ việc tương tự đa phần là do phía đối tác phát hiện, phải chăng năng lực điều tra của ta còn kém?
Đây có lẽ không phải một người mà làm được, có khi nó còn vượt qua tầm của Bộ GTVT, nó là lợi ích nhóm ăn chia theo cả một đường dây thì mới có thể làm được như vậy. Những vụ việc không phát hiện ra là bởi ta chưa có điều kiện để phát hiện, chứ vẫn phải ngầm hiểu với nhau rằng tiêu cực là có. Cầu Thăng Long sửa biết bao nhiêu tỷ đồng mà mặt cầu vẫn cứ hỏng, vì sao lại thế? 
Phải chăng ta chưa có "đũa thần" để ngăn tham nhũng?
Tham nhũng, đi tù một thời gian rồi ra tù lại sống đế vương. Cái hạn chế là hình thức xử lý tội tham nhũng của ta còn nhẹ quá, tính răn đe không cao. Còn nhớ trong vụ án tham nhũng ở Đại lộ Đông - Tây, đến khi phía Nhật Bản cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra rồi mà cũng phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành hồ sơ để khởi tố vụ việc. Tham nhũng nó là cả một đường dây, chỗ này bao che bợ đỡ cho chỗ kia, xử lý đã khó, mà xử thì nhẹ, làm sao khiến người khác thấy sợ được.
Theo ông thì hình phạt nào là cần thiết?
Tôi nghĩ cần phải có mức án tử hình, xử tử hình nhiều đối tượng tham nhũng. Chứ chỉ xử tù chục năm, hai chục năm thì chỉ cần thụ án một nửa thời gian đó là chúng lại có thể tự do rồi. Bọn tham nhũng biết là dù có tham nhũng thế nào chúng cũng chỉ bị xử thế thì chúng sợ cái gì. Nhiều khi lại chỉ xử án treo. Điều đó nó làm khủng hoảng lòng tin của người dân.
Bọn tham nhũng dã man lắm!
Có khi nào vụ việc liên quan đến nhiều cán bộ quá, để giữ uy tín thì phải để vụ việc "chìm xuồng"?
Tham nhũng thường có một đường dây liên kết bảo vệ nhau, thậm chí người ở ngoài có thể bảo vệ được cho người trong tù. Rất khó để lôi một lúc toàn bộ đường dây đó ra, nhưng phải lôi được người cầm đầu ra để trừng trị, dần dần mới mong thanh lọc được bộ máy. Chứ lôi ra một lúc thì sợ là sẽ rối loạn, nhiều khi cũng không hay ho gì. Vấn đề là phải làm kiên quyết, mạnh tay. Còn nếu cứ để thế này thì tham nhũng nó còn kinh khủng hơn đường dây mafia trên thế giới.
Và nạn nhân của tham nhũng là ai?
Người phải chịu tham nhũng là người dân, è cổ ra để mà đóng thuế,  è cổ ra mà trả nợ. Vốn ODA vay bây giờ thì con cháu chúng ta phải trả nợ. Bọn tham nhũng dã man lắm! Nó đục khoét xương máu của người dân, thậm chí đục khoét của cả con cháu. Không tham nhũng thì quan chức lấy đâu ra những khu đất rộng mênh mông bát ngát, biệt thự lừng lững? Rõ ràng đó là tiền bẩn rồi!
Theo ông thì làm thế nào để cán bộ không dám nhận hối lộ, không dám tham nhũng nưa?
Chẳng có phép thần nào cao siêu đến thế, và cũng đừng trông chờ vào phép thần trong cuộc sống này. Tuy nhiên, cứ xử lý nghiêm thì chắc nhiều kẻ sẽ phải sợ.
Xin cảm ơn ông!
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Sing - Việt (Sing - Việt City) sau hơn 10 năm triển khai không có dấu hiệu khởi công vì chủ đầu tư không rót tiền giải phóng mặt bằng. Do các vấn đề phát sinh về chủ đầu tư, Công ty SMP, một công ty trong nhóm các công ty Singapore ban đầu tham gia dự án đứng ra kiện UBND TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh trái pháp luật. Công ty này yêu cầu hủy giấy chứng nhận đầu tư vừa điều chỉnh, buộc Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND TPHCM bồi thường 300 triệu USD cho các công ty chủ đầu tư... Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 7/2013, TAND TPHCM đã tuyên bác các yêu cầu trên của nguyên đơn. Đến phiên xử phúc thẩm vào tháng 10/2013, phía nguyên đơn cung cấp tài liệu tố cáo các nhà đầu tư này đã phải "chung chi" 1% giá trị dự án để "bôi trơn" các đơn vị chức năng khi thực hiện dự án. Cụ thể, đã chi 2.800.000USD cho các cơ quan ở Hà Nội, 300.000USD phí tư vấn cho công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh để công ty này rút khỏi dự án...
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)