Liên quan đến vụ giả làm bác sĩ lừa đảo tài sản của gia đình bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã có công văn đề nghị giám đốc bệnh viện này khẩn trương xác minh và làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Đồng thời, Bộ Y yế yêu cầu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với cơ quan công an địa phương để điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản người nhà bệnh nhân nêu trên.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện, có các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức cảnh giác của bệnh nhân và người nhà trong thời gian khám, điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, ngày 29/8, các phương tiện truyền thông có đưa tin "Giả làm bác sĩ Bạch Mai lừa 100 triệu của người nhà bệnh nhân".
Theo điều tra ban đầu, đối tượng Trần Thị Thanh Hồng, 40 tuổi, ở Thanh Trì, từng là thực tập sinh ở Bệnh viện Bạch Mai nên nắm được quy trình khám chữa bệnh và các đường đi trong bệnh viện.
|
Đối tượng giả làm bác sĩ Trần Thị Thanh Hồng. Ảnh: BVCC. |
Khoảng 21h ngày 17/6, Hồng mặc quần áo blouse màu xanh đi vào phòng hành chính khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Lợi dụng các bác sĩ không để ý, Hồng dùng điện thoại di động chụp trộm bệnh án của một số bệnh nhân đang điều trị tại khoa này.
Sau đó, Hồng gọi điện thoại cho một người nhà bệnh nhân, giới thiệu là bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực và hẹn lên trao đổi tình trạng bệnh. Khi gặp người nhà bệnh nhân, Hồng thông báo tình trạng người bệnh không tốt, phải sử dụng phương pháp trị liệu mới và tiêm thuốc ngoài với giá 18 triệu đồng một mũi. Tổng các chi phí là 90 triệu đồng.
Người nhà bệnh nhân đồng ý và đã chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Hồng. Số tiền chiếm đoạt được, Hồng rút hết để tiêu xài cá nhân và trả nợ.
Ngoài vụ việc trên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng gửi công văn tới Bệnh viện Bạch Mai xác minh thông tin "Khám tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai, nửa ngày bằng 40 phút" mà báo chí đưa trong thời gian gần đây. Nội dung thông tin phản ánh việc thực hiện một số phương pháp chẩn đoán, trong đó có đo điện não video với thời gian thực hiện ghi trên phiếu chỉ định là 12 giờ nhưng trong thực tế chỉ khoảng 40 phút hoặc ít hơn.
Cục đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xác minh và giải quyết vụ việc liên quan đến thời gian đo điện não video được báo chí đề cập. Bệnh viện cần rà soát, cập nhật quy trình kỹ thuật liên quan tới việc đo điện não video và thông báo cụ thể cho người bệnh biết trong quá trình khám, chữa bệnh tại đây.