Gần 2.500 giáo viên Hà Nội: Nhiều bất cập nếu phải thi thăng hạng

Google News

Cho rằng việc thi thăng hạng có nhiều bất cập, gần 2.500 giáo viên ở Hà Nội viết tâm thư, kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bỏ kỳ thi này.

Ngày 30/11/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 34/2021 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên Mầm non, phổ thông công lập.
Trong đó có quy định, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: "Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học”. Đây là một tin vui với nhiều giáo viên khi đã có thể thăng hạng thông qua xét hồ sơ.
Gan 2.500 giao vien Ha Noi: Nhieu bat cap neu phai thi thang hang
 Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã đại diện cho gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư, mong Sở GD&ĐT Hà Nội bỏ thi thăng hạng giáo viên. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, vào ngày 6/7/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra công văn số 2368/SGDĐT – TCCB về việc hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng kí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với giáo viên Mầm non, phổ thông công lập. Điều này khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng.
Ngày 31/7/2023, gần 2.500 giáo viên Hà Nội đã viết tâm thư gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Thế Cương, bày tỏ nguyện vọng: “Từ giáo viên hạng III được xét lên giáo viên hạng II không phải dự thi thăng hạng”.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên cho biết, thầy là người đã đại diện cho gần 2.500 giáo viên viết tâm thư này. Kiến nghị bỏ thi thăng hạng xuất phát từ nhiều lý do, trong đó, có những bất cập.
Theo quy định, bài thi thăng hạng gồm 4 môn: kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành. Giáo viên được miễn thi ngoại ngữ nếu còn dưới 5 năm công tác, tính đến thời điểm về hưu. Với nhiều thầy cô thế hệ 6-7X, thậm chí 8X, môn Ngoại ngữ và Tin học sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là môn Ngoại ngữ, do nhiều năm không sử dụng.
“Chúng tôi là những thầy giỏi, cô giỏi cấp cụm, cấp thành phố, những Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, những cán bộ giàu năng lực... đã được khẳng định trong thực tiễn công tác nhưng lại không thể là viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao nếu không may sơ suất trong một môn thi nào đó”, thầy Đường chỉ ra bất cập.
Cũng theo thầy Đường, việc tổ chức một kỳ thi cho hàng ngàn giáo viên trên khắp thành phố cũng tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Cùng với đó là công sức và thời gian của giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi. Thời gian, công sức và nguồn kinh phí đó, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều.
Nhất là, trong thời điểm này, các thầy cô đang dồn hết tâm sức để chuẩn bị cho một năm học mới, với bộ sách mới, chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu thêm một kỳ thi, sẽ thêm gánh nặng cho giáo viên và thiệt thòi cho học sinh khi giáo viên phải dành thời gian để ôn thi.
Ngoài ra, chưa kể tới các tỉnh khác (giáo viên được xét thăng hạng), trong cùng TP Hà Nội, giáo viên ở nhiều trường THCS, Tiểu học cũng đã được xét thăng hạng mà không phải thi. Việc trong cùng một địa bàn, mà có trường phải thi, có trường lại được xét khiến nhiều giáo viên đặt câu hỏi.
Một giáo viên phản ánh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thu hồ sơ về việc thi thăng hạng từ tháng 12 năm 2022 nhưng chưa tổ chức thi vì có công văn chỉ đạo tạm hoãn. Đến tháng 6, Sở trả lại hồ sơ và có 2 văn bản chỉ đạo việc thăng hạng.
Từ việc chỉ ra những bất cập, các giáo viên kiến nghị Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ quyết định cho xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II theo quy định tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT để đảm bảo sự công bằng về chế độ chính sách và để các giáo viên yên tâm công tác.
Mới đây, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ về việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém, nhưng trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện.
"Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói.
Mời quý độc giả xem video: Phụ huynh kéo lên Sở Giáo dục kiến nghị “trả” lại điểm cho thí sinh do hiểu nhầm đề thi Toán". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)