Ngày 1/4, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong ba tháng, từ ngày 1/4 - 1/7, để tháo gỡ khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh do tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, trên cơ sở số liệu sản lượng điện thương phẩm do EVN báo cáo, giá điện tại quyết định 648/QĐ-BCT, Bộ tính toán đề xuất phương án giá điện cho các đối tượng khác hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (1/4 đến 1/7).
Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện sinh hoạt các bậc thang từ 1 - 4, giữ nguyên giá bậc thang từ 300 kWh trở lên, vì khách hàng tiêu thụ điện ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
|
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, các khách hàng sinh hoạt dưới 300 kWh/tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Cùng với đó, giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch. |
Theo Bộ Công Thương, các khách hàng sinh hoạt dưới 300 kWh/tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Các đối tượng này chủ yếu là người lao động, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ước tính số tiền hỗ trợ khách sinh hoạt là 2.930 tỷ đồng.
Ngoài điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch.
Cụ thể, giá điện sản xuất, kinh doanh cũng sẽ hạ 10% trong ba tháng, từ ngày 1/4 đến ngày 1/7. Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện ở các khung giá: Cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với biểu giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
"Ưu điểm của phương án trên là tất cả các khách hàng sản xuất, bao gồm các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca, đều được hỗ trợ tiền điện. Tổng số tiền hỗ trợ các hộ sản xuất và kinh doanh là 6.104 tỷ đồng, tương ứng doanh thu của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN giảm 6.104 tỷ đồng”, Bộ Công thương đề xuất.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị giảm giá các cơ sở lưu trú du lịch bằng giá sản xuất từ tháng 4/2020, số tiền là hơn 1.800 tỷ đồng. Bộ cũng đề xuất miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19 và giảm 20% giá điện cho các cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và các khách sạn được sử dụng để cách ly.
Theo phương án giảm giảm giá điện do Bộ Công Thương đề xuất ở trên, tổng số tiền miễn, giảm giá điện vì COVID-19 ước tính gần 11.000 tỷ đồng, doanh thu của EVN năm 2020 cũng sẽ giảm gần 11.000 tỷ đồng. Việc giảm giá điện trong thời gian dịch bệnh kéo dài, phức tạp có ý nghĩa an sinh xã hội lớn, phần nào giúp các hộ gia đình bớt nỗi lo tăng chi phí.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ Công Thương cũng dẫn đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan việc này.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ quy định khung giờ cao điểm bán điện (9 giờ 30 phút - 11 giờ 30 phút), thu hẹp bậc thang biểu tính giá điện, trước mắt nghiên cứu giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10/2020; áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở kinh doanh khác.
Với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng, khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp là gần 20.000 tỷ đồng, tương ứng với khoản giảm doanh thu lớn của EVN. Phương án giảm 50% giá điện giờ cao điểm cũng có thể dẫn đến việc không khuyến khích tiết kiệm điện và giờ cao điểm, trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Một nhược điểm nữa là trong số 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất thì có tới 1 triệu khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca trong giờ hành chính. Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương nhận định nếu chỉ giảm giá vào giờ cao điểm, thì các doanh nghiệp nhỏ này cũng không được hưởng sự hỗ trợ của việc điều chỉnh này.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống người dân. Thời gian qua, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất.
Đầu tháng 3/2020, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã khảo sát 1200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động. Thực trạng trên dẫn đến tình trạng cắt giảm lương, thu nhập, người lao động mất việc xảy ra nhiều. Không chỉ doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, hàng vạn, hàng triệu người lao động gặp khó khăn, nhiều người dân cũng sẽ lâm cảnh túng quẫn.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp và một số địa phương đã kiến nghị giảm giá điện để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt để phần nào hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhiều người dân cũng cho rằng, việc giảm giá điện để hỗ trợ người dân trong tình cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng đến cuộc sống là điều cần thiết. Bởi thời gian qua, để ngăn chặn dịch bệnh, người dân đã tuân thủ việc hạn chế ra đường, tránh tụ tập đông người, làm việc tại nhà, mất việc ở nhà dẫn đến chi phí điện nước sinh hoạt tăng cao trong đó thu nhập của nhiều người lao động đã giảm, thậm chí không có thu nhập.
Nhiều người dân đánh giá, việc Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện trong 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Giá xăng giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ: