Ngành điện có nên giảm giá như Malaysia?
Malaysia đang là tâm điểm dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á với tổng số ca nhiễm ở nước này tính đến hết ngày 16/3 lên đến 533 trường hợp.
Trước tình cảnh trên, ngoài việc chính thức tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, một thông tin đáng chú ý khác, Malaysia quyết định giảm giá điện 6 tháng kể từ tháng 4/2020.
Từ việc Malaysia quyết định giảm giá điện 6 tháng, dư luận tại Việt Nam đặt vấn đề Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nên “học theo” để giảm giá điện?
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khi mới đây theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã có ca nhiễm thứ 66. Cùng chung tình cảnh với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng bị xáo trộn về tâm lý, nhịp sống và việc làm, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng.
Đại dịch Covid-19 hiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam, khiến hàng loạt doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
|
Dư luận đặt vấn đề Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có nên giảm giá điện, hỗ trợ các DN trước nguy cơ phá sản do dịch bệnh? Ảnh minh họa. |
Trong dịch bệnh, hai tháng đầu năm, đã có tới hơn 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đầu tháng 3/2020, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã khảo sát 1200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động.
Nếu tình cảnh đó xảy ra, một doanh nghiệp phá sản cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phá sản sẽ khiến hàng trăm nghìn lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp, gây ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.
Chưa kể doanh nghiệp phá sản hoặc làm ăn thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến khu vực thu ngân sách như thu nội địa, xuất nhập khẩu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây dự đoán thu ngân sách giảm khoảng 18.100 tỷ đồng nếu dịch bệnh được khống chế trong quý I, và hụt thu tới 42.300 tỷ đồng nếu Covid-19 kéo dài hết quý II.
Trong khi đó, thời gian tới, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ lan rộng hơn, quy mô lớn hơn, sẽ còn nhiều tác động sâu sắc hơn đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Mới đây, nhiều hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được triển khai như Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có hiệu lực từ 13/3.
Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ sớm giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu... Qua đó sẽ giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, từ đó có thêm điều kiện nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Mới đây, Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh..
Dù biết rằng, để doanh nghiệp có thể trụ vững trước những khó khăn do dịch bệnh, duy trì sản xuất, tái sản xuất cần nhiều chính sách hỗ trợ tuy nhiên, giảm áp lực tài chính như giảm giá điện như Malaysia mới đây đã thực hiện là vô cùng cần thiết. Bởi đối với các doanh nghiệp sản xuất, giá điện ảnh hưởng rất nhiều đến việc cân đối thu chi cũng như hoạt động của công ty.
Hiện nay, giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp… được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất, điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, thấp nhất là 970 đồng/kWh vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên.
Trong khi đó, từ ngày 20/3/2019 đến nay, giá điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng tương đương so với giá cũ là 8,36% được chia làm 6 bậc gồm bậc 1 kWh từ 0 – 50 là 1.678 đồng, bậc 2 kWh từ 51 – 100 là 1.734 đồng, bậc 3 kWh từ 101 – 200 là 2.014 đồng, bậc 4 kWh từ 201 – 300 là 2.536 đồng, bậc 5, kWh từ 301 – 400 là 2.834 đồng và bậc 6 kWh từ 401 trở lên là 2.927 đồng.
Một thực tế thời gian qua, người dân kêu nhưng giá điện cứ tăng theo định kỳ và vừa qua lại tăng... Dù giá điện trên được cho là đang ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực và trên thế giới nhưng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh như hiện nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vậy trước tình cảnh nhà nhà, người người, nhất là các doanh nghiệp đang bị đình trệ vì Covid 19, hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam có động thái gì cùng Chính phủ và người dân chống đại dịch Sars-CoV-2?
Dù như lời chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Bùi Trinh - Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam mới đây đã nói rằng: “Việc giảm giá điện không phải dễ dàng bởi hiện nay nền kinh tế thị trường khó có thể áp đặt bằng một mệnh lệnh hành chính.
Ngoài ra, cũng phải nói rằng rất khó để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nếu chúng ta làm không tốt, hỗ trợ tràn lan, thì sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, việc giảm toàn bộ giá điện cũng là phương án tốt để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19, EVN thì sao?
Tại buổi lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 17/3, Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng: “Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.
Thủ tướng cũng đã dẫn ví dụ điển hình rất cảm động về những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều là xuất phát từ trái tim.
Đó là chuyện một cháu bé đã lấy tiền mừng tuổi của mình để mua sắm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Trong bức thư, cháu bé viết: “Em viết bức thư này mong muốn các bạn đội viên, các anh chị đoàn viên và mọi người sẽ cùng chung tay góp sức phòng, chống dịch tốt nhất có thể. Hiếm có bài học giáo dục nào có tác động lan tỏa tinh thần cộng đồng như thế”.
Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nhân và các đơn vị tùy theo khả năng, người có tiền góp tiền, có hiện vật góp hiện vật, có ý tưởng góp ý tưởng, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đem lại sức mạnh giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Cũng tại buổi lễ này, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm đại diện Tập đoàn và các tổng công ty trong Tập đoàn trao ủng hộ 3 tỷ đồng.
|
EVN ủng hộ 3 tỷ đồng phòng chống dịch Covid 19. Ảnh: EVN |
Theo EVN, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ở thời điểm hiện tại.
Ngoài việc chỉ đạo các Công ty Điện lực phải đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các bệnh viện, cơ sở y tế, các khu vực có tiếp nhận điều trị, theo dõi, cách ly cho bệnh nhân và người nghi nhiễm virus corona, EVN cũng triển khai các hoạt động như tặng khẩu trang cho người dân; hỗ trợ phòng dịch cho khách hàng tới quầy giao dịch Điện lực; thúc đẩy, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ điện trực tuyến…
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dư luận cho rằng, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, đề xuất giảm giá điện để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có làm được như vậy, EVN mới thật sự góp phần to lớn cùng cả nước “chống dịch như chống giặc”.
"EVN nên cân nhắc giảm giá điện"
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi trao đổi với PV Kiến Thức cho rằng, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương nên xem xét cân nhắc giảm giá điện ở thời điểm này để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid 19.
Theo đại biểu Hòa, Covid 19 giờ đã là đại dịch, gây lo lắng cho sức khỏe tính mạng của người dân, gây thiệt hại đến nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Dịch bệnh không những ảnh hưởng về mặt tâm lý xã hội, khiến người dân hoang mang lo sợ khi đến nay chưa có thuốc khống chế.
“Dù Việt Nam chưa có ca nào tử vong do dịch Covid 19. Tuy nhiên, cũng không lường trước được những khó khăn sắp tới. Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính phủ đã có ý kiến, ngân hàng nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, cho vay hạ lãi suất, thuế cũng giảm thuế và không thu thuế. Do vậy, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương cũng không nên ngoại lệ vấn đề này”, Đại biểu Hòa nói.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
|
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước tình cảnh các cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, bị thua lỗ, ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng do dịch bệnh, EVN nên có chế độ chính sách miễn giảm tiền điện để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động thì đương nhiên họ không tiêu thụ điện. Không tiêu thụ điện thì ngành điện lực cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tôi nghĩ ngành điện lực cũng đã suy nghĩ về vấn đề này. Chịu ảnh hưởng chung như vậy ngành điện cũng cần chung tay, chia sẻ cùng các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có lợi nhuận hoặc bị thua lỗ. Do vậy, cần nghiên cứu thật kỹ để thực hiện các chính sách, làm sao chung tay cả nước đồng lòng chống dịch, hạn chế thiệt hại”, Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Hòa cũng nói rằng, hiện trên thế giới đã có Malaysia tuyên bố giảm giá điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng nên nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tiễn mà có lợi nhất cho người dân, cho các doanh nghiệp và cho ngành điện.
>>> Mời độc giả xem video Hơn 3000 hộ kinh doanh ở Hà Nội phá sản:
Tổng Cục Thuế và Bộ Tài chính vừa cho phép các cá nhân, doanh nghiệp nộp thuế được giãn, hoãn thời gian nộp thuế số thuế VAT, tiền thuê đất, thuế khác của doanh nghiệp khó khăn do tác động của Covid-19, tổng tiền 30.000 tỷ đồng.
Kế hoạch giãn, hoãn nộp thuế được thực hiện trong 5 tháng, các doanh nghiệp phải nộp thuế tháng 3 sẽ được chuyển sang nộp thuế tháng 9/2020. Nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân, doanh nghiệp vẫn được thực hiện hoàn tất vào cuối năm, nên tổng số thu ngân sách Nhà nước không bị ảnh hưởng.