Biểu hiện xu nịnh và công tác nhân sự

Google News

Chỉ thị mới đây của Bộ Chính trị có nêu không giới thiệu người xu nịnh để bầu Quốc hội, HĐND các cấp. Thực tế, rất khó để phát hiện xu nịnh nhưng không phải là không thể...

Nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa 13 Lê Như Tiến cho rằng: Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 rất là hợp với lòng dân và cũng rất đúng với tâm tư của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Ông Tiến nhấn mạnh, những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, tham vọng quyền lực là những người không xứng đáng làm cán bộ bình thường. 

Bieu hien xu ninh va cong tac nhan su

Ông Lê Như Tiến

“ĐBQH, đại biểu HĐND là những người được các cơ quan đảng, nhà nước giới thiệu và được cử tri tín nhiệm bầu thì phải là những người tiêu biểu”, ông Tiến nhấn mạnh.

Thậm chí, theo ông Lê Như Tiến, kể cả người thân của họ cũng có những biểu hiện xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, lối sống không lành mạnh, tham vọng quyền lực, … thì cũng không được đưa vào diện giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc ứng cử vào ĐBQH, đại biểu HĐND.

Xu nịnh không khác gì là một hình thức “chạy”

Chỉ thị của Bộ Chính trị có lưu ý “kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, trong đó có nhắc đến người xu nịnh”. Ông bình luận gì về điều này?

Trước hết phải khẳng định, những người xu nịnh, những người “đội trên, đạp dưới” là những người không trung thực, không đủ phẩm chất để đưa vào cơ quan dân cử.

Bởi vì đằng sau hành động xu nịnh chính là là lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Khi họ xu nịnh cấp trên, mục đích là để được cấp trên ban ơn một cái gì đó như chức quyền, dự án, hay quyết định có lợi cho họ. Đây không khác gì là một hình thức “chạy” để vụ lợi, làm lợi cho mình.

Vì vậy, việc giới thiệu người xu nịnh ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND chính là tiếp tay cho lợi ích nhóm, cho chạy chức, chạy quyền.

Nhưng điều nhiều người băn khoăn là làm thế nào phát hiện được những người xu nịnh để sàng lọc, chọn được đúng người giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND?

Đúng là rất khó xác định được ai là người xu nịnh. Tuy nhiên, bằng các biểu hiện như cứ thấy trên là bợ đỡ, ôm chân, đội lên đầu... thì có thể xác định những người đó là xu nịnh.

Nhiều người vẫn thường kể câu chuyện tếu, khi kiểm điểm cấp trên, anh cấp dưới lại nhận xét “anh chỉ có khuyết điểm duy nhất là anh làm việc hết mình không giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình”. Đó là sự xu nịnh một cách có nghệ thuật.  Và thường những người đã xu nịnh cấp trên thì hay “đạp”, hoạnh họe, ra oai với cấp dưới.

Ngoài ra, có nhiều biểu hiện khác cũng có thể dễ dàng nhận ra những người xu nịnh như: hôm nay là sinh nhật của anh thì có quà lớn, quà bé; thậm chí con mèo nhà anh đẻ thì phải mang chuột đến cho ăn; rồi mừng lên chức, mừng nhà mới, mừng thôi nôi của cháu, mừng đầy tháng của con, mừng không thiếu ngày gì…

Có rất nhiều biểu hiện như vậy mà chỉ có nhân dân và tai mắt của dân đó chính là cử tri nơi cư trú và cử tri nơi công tác người ta biết hết.

Tài sản gia tăng của người đó như thế nào, thay bao nhiêu lần nhà, từ nhà công vụ chuyển sang nhà đất, rồi lên biệt thự; đổi ô tô mấy lần người dân biết cả.

Tại sao chúng ta không dựa vào tai mắt của nhân dân để nắm thông tin. Đó cũng chính là kênh để đánh giá cán bộ đó có xu nịnh hay không. Ngoài ra, truyền thông cũng là kênh giúp Đảng phanh phui nhiều câu chuyện xu nịnh.

Trong quá trình làm ĐBQH 2 khóa (12, 13), ông thấy có trường hợp nào do xu nịnh mà bị đưa ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH?

Tôi thấy những dấu hiệu như tham nhũng, tham ô, lãng phí, chạy chức, chạy quyền thì có nhưng xu nịnh thì rất khó phát hiện. Bởi khi xu nình họ không công bố cho mọi người biết, họ chỉ xu nịnh với cấp trên và đối tượng được xu nịnh là cấp trên nên khó phát hiện.

Tuy nhiên như tôi đã phân tích, biểu hiện của xu nịnh có thể biết được khi cấp trên nói câu gì thì họ lại xum xoe ca ngợi, thậm chí dùng nhiều thủ thuật kể cả vật chất lẫn tinh thần để tiếp cận với cấp trên.

 

Người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm

Như ông nói giới thiệu người xu nịnh là tiếp tay cho lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền một cách “có nghệ thuật”, rất khó phát hiện. Vậy cần có cơ chế nào ràng buộc để chính những người cấp trên không tiếp tay cho người xu nịnh lọt vào danh sách ứng cử?

Tôi thấy rằng người giới thiệu những kẻ xu nịnh ứng cử vào ĐBQH, đại biểu HĐND cũng phải chịu trách nhiệm với nhân sự mình giới thiệu. Điều này tôi đã phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng các cấp từ tỉnh thành bộ, ngành.

Nếu không ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu ngay từ ban đầu thì đến khi giới thiệu xong lại xảy ra tình trạng đại biểu này, đại biểu kia bị bãi nhiệm, hoặc là vào một vị trí rất to nhưng lại bị vướng vòng lao lý. Lúc ấy mới quay ra kiểm tra ai là người giới thiệu thì coi như không ai chịu trách nhiệm cả.

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng như thế. Quốc hội khóa 13, 14 đều có tình trạng Quốc hội phải bỏ phiếu kín không công nhận tư cách ĐBQH ngay đầu nhiệm kỳ hoặc bãi nhiệm một vài ĐBQH mà dân đã rất ký công để bầu. Ví dụ như Quốc hội khóa 13 có bà Đặng Thị Hoàng Yến, bà Châu Thị Thu Nga; Quốc hội khóa 14 có bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Những người này không trung thực với Đảng, có những biểu hiện vận động bầu cử, tranh cử không lành mạnh...

Để tránh tình trạng tương tự trong khóa tới, tôi đề nghị, người giới thiệu nhân sự ứng cử vào ĐBQH cũng phải chịu trách nhiệm về lời giới thiệu của mình.

Vậy theo ông làm thế nào để chọn được người đại biểu thật sự đại diện cho cho dân?

Muốn chọn những ĐBQH xứng đáng thì phải qua rất nhiều kênh. Một trong những kênh quan trọng theo tôi là kênh nhân dân, cử tri nơi cư trú và nơi công tác.

Thứ hai, qua thông tin phản ảnh của các phương tiện truyền thông. Đây chính là tai mắt của các cơ quan bầu cử ở TƯ và địa phương, rồi các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng là kênh rất quan trọng.

Người ta biết hết, tại sao mình không dựa vào các kênh này mà chỉ dựa vào số ít, thậm chí chỉ dựa vào một người giới thiệu và người giới thiệu ấy lại có sự “nâng đỡ không trong sáng” như tình trạng thời gian qua, rồi tình trạng bổ nhiệm thần tốc… Đó chính là những kinh nghiệm quý báu để cho giới thiệu người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp trong khóa tới.

Theo tôi, ngoài những phẩm chất cần có của một cán bộ, đảng viên thì ứng cử vào ĐBQH cần nhấn mạnh thêm các yếu tố đặc thù. Đó là phải có năng lực lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, truyền tải những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri lên Quốc hội và các cơ quan nhà nước.

Theo Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)