Biến tướng quà tết tinh vi: Khó kiểm soát...nếu cán bộ không tự nêu gương

Google News

(Kiến Thức) - Để ngăn chặn biến tướng quà tết, giải pháp hữu hiệu, triệt để nhất là phải nâng cao đạo đức cán bộ và tinh thần nêu gương. Bởi với cán bộ biến chất, các quy định pháp luật có nghiêm khắc đến đâu cũng không đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn và cũng rất khó để kiểm soát.

Thời gian gần đây, việc biếu tặng quà tết đang bị lợi dụng, trở lên biến tướng để thực hiện hành vi đưa, nhận hối lộ. Họ lợi dụng văn hóa truyền thống để đưa vào đó những tư lợi cá nhân với những động cơ “không trong sáng”.
Để ngăn chặn thực trạng trên, mới đây, trong Chỉ thị số 40-CT/TW về tổ chức Tết năm 2020, Ban Bí thư đã nhấn mạnh việc, không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 33 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp. Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh: “Tết không mang quà biếu ra Hà Nội, xe cộ ùn ùn đến nhà các lãnh đạo”.
Việc Trung ương ra các Chỉ thị như trên được xem là quy định cấm đối với các tổ chức, cá nhân thăm, chúc tết cấp trên, biếu tặng quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức. Bởi thực tế, thời gian qua, cứ mỗi dịp tết đến xuân về vẫn tồn tại thực trạng, lãnh đạo trung ương đi kiểm tra các ngành, địa phương; các bộ, ngành kiểm tra đơn vị cấp dưới trực thuộc; các địa phương, đơn vị cấp dưới đi chúc Tết cấp trên, doanh nghiệp đến chúc tết lãnh đạo cơ quan nhà nước. Trong đó không ít tình trạng biến tướng trong việc trao, tặng quà tết nhằm động cơ “không trong sáng” đã diễn ra.
Điển hình vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone, khi các bị cáo có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ thông qua những món quà biếu ngày Tết cho lãnh đạo. Tại phiên tòa xét xử vụ án này, bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khi tự bào chữa đã nói rằng: “nhận hối lộ là nỗi nhục” và cay đắng thốt lên rằng: “Quá khứ rồi cũng như nước trôi qua cầu, không thể quay lại được”.
Hiện nay, sự biến tướng của việc trao tặng quà tết tinh vi hơn trước rất nhiều, không cần phải đến tận nơi vẫn có thể chuyển khoản, tặng nhau sổ tiết kiệm, căn hộ chung cư, phần trăm mỗi dự án chứ không chỉ là phong bì, quà tết đến nhà. Nếu cả bên trao và bên nhận đều đồng thuận vui vẻ chấp nhận thì rất khó để phát hiện được.
Bien tuong qua tet tinh vi: Kho kiem soat...neu can bo khong tu neu guong
 Ảnh minh họa.
Dư luận đặt câu hỏi, làm sao để ngăn chặn tình trạng biến tướng quà tết khi họ “lách luật”? PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề trên.
Biến tướng quà tết, không khó để nhận diện
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư nhìn nhận thế nào về biến tướng quà tết?
Tặng quà tết vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đó là sự tri ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, những người thân thiết trong gia đình, của học trò với thầy cô…vốn là truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nước ta từ bao đời này. Từ xa xưa đến nay, chúng ta vẫn hay tặng nhau chai rượu, quà bánh,… thể hiện lòng biết ơn đối với người giúp đỡ mình hay như thủ tục tặng quà ngày lễ ngày tết thể hiện sự tri ân. Nếu việc tặng quà không bị biến tướng thành các hành vi vi phạm pháp luật thì nó vẫn được coi là truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc trao nhận quà tết đã bị biến tướng, nhiều trường hợp lợi dụng việc tặng quà tết để thực hiện hành vi đưa, nhận hối lộ. Hành vi này là trái quy định pháp luật.
Trước thực trạng này, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, chỉ đạo kiểm soát việc tặng quà tết đối với người có chức vụ quyền hạn, những người có mối quan hệ công vụ với nhau để tránh việc lợi dụng tặng quà tết để thực hiện hành vi đưa hối lộ, móc ngoặc với nhau để trở thành một nhóm lợi ích, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước.
Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng nhận quà trái quy định khác với hành vi đưa, nhận hối lộ. Bởi lẽ, nhận quà tặng là hành vi vi phạm quy định về nhận quà sẽ bị thu hồi và kỷ luật; còn nhận hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.
Nhận quà tặng trái quy định là nhận lợi ích vật chất nhưng không có sự thỏa thuận về việc nhận lợi ích đó thì phải thực hiện yêu cầu nhất định của người tặng quà. Còn việc nhận hối lộ có thể là nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất, thông qua hình thức nhận trực tiếp hoặc nhận qua khâu trung gian để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi nhận hối lộ làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, giảm sút uy tín của cán bộ, tổ chức, của nhà nước với nhân dân. Bởi vậy, hành vi này hết sức nguy hiểm cho xã hội do đó hình phạt cao nhất của tội nhận hối lộ có thể lên đến mức cao nhất là tử hình theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Nhận hối lộ thông qua tặng quà, pháp luật nghiêm cấm thế nào?
Ngoài các Chỉ thị, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc nhận quà tết, trong các quy định của pháp luật đã quy định cụ thể việc cấm nhận quà như thế nào, thưa luật sư?
Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã chỉ rõ một trong những hành vi tham nhũng là việc nhận hối lộ thông qua việc tặng quà. Hiện nay Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2018 quy định chặt chẽ hơn đối với việc kiểm soát hành vi nhận hối lộ, trong đó có việc biến tướng thông qua quà tặng.
Để phân biệt rõ hai hành vi này cũng như hậu quả, pháp luật cũng quy định cụ thể về việc tặng quà biếu tại các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
Bien tuong qua tet tinh vi: Kho kiem soat...neu can bo khong tu neu guong-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Còn về quy định nhận quà cũng được quy định rõ tại Điều 25 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Đối với, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Tại điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP về xử lý quà tặng quy định, đối với tiền, giấy tờ có giá được nộp vào ngân sách nhà nước; đối với quà tặng hiện vật thì được tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định pháp luật và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ các chi phí; Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo thì phải thông báo với cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó;….
Điều 28 Nghị định 59/2019 quy định rõ việc xử lý vi phạm. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Như vậy, có thể thấy quy định về tặng, nhận quà biếu tại các cơ qua tổ chức là khá cụ thể, trong trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định. Do đó, không thể vì việc lạm dụng nhận quà biếu để đưa, nhận hối lộ mà chúng ta xóa bỏ hoàn toàn quy định về tặng, nhận quà biếu vì vốn dĩ nó là nét văn hóa từ xưa đến nay của người Việt, nếu không bị biến tướng thành các hành vi pháp luật thì nó vẫn thể hiện đúng truyền thống, tinh thần biết ơn của người Việt.
>>> Mời độc giả xem video Cấm biếu, tặng quà Tết 2020 dưới mọi hình thức:

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Làm sao để ngăn chặn biến tướng quà tết?
Theo luật sư, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng biến tướng quà tết là gì?
Để giảm thiểu việc nhận quà trái quy định của pháp luật, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tinh thần nêu gương của cán bộ Đảng viên, nâng cao đạo đức của cán bộ. Tuy nhiên, việc kiểm soát vấn đề nhận quà tặng trái quy định là rất khó khăn.
Bởi việc nhận quà thường tại nhà riêng, không nhận trực tiếp nên không có phương tiện nào có thể giám sát tại nhà riêng. Người tặng quà sẽ không bao giờ tố cáo người nhận quà nên rất khó để cơ quan giám sát cũng như người dân biết được việc tặng quà, ngày tết cũng không thể yêu cầu kiểm tra là quà gì, mối quan hệ như thế nào. Hơn nữa, trường hợp cán bộ suy thoái về đạo đức, ham vật chất, không có liêm sỉ, sự xấu hổ khi đưa tay nhận quà thì các quy định pháp luật có nghiêm khắc đến đâu, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo có quyết liệt đến đâu cũng không đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn và cũng rất khó để kiểm soát việc họ có nhận quà hay không, quà giá trị thế nào?
Bởi vậy, giải pháp tốt nhất, hữu hiệu, triệt để nhất, cần phải nâng cao đạo đức cán bộ và tinh thần nêu gương. Nếu cán bộ, lãnh đạo cơ quan đơn vị nêu cao tinh thần nêu gương người đứng đầu, nghiêm túc và trong sáng sẽ dứt khoát không nhận quà Tết, thậm chí đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc với người đưa quà tết thì có lẽ sẽ không ai dám tặng quà. Sự cương quyết, gương mẫu của cấp trên là tấm gương sáng cho cấp dưới noi theo.
Xin cảm ơn Luật sư Đặng Văn Cường về cuộc trao đổi trên.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)