Đôi vợ chồng ấy ăn ở với nhau đã có 2 mặt con, cuộc sống trong căn nhà nhỏ ấy cứ thế thế êm đềm trôi qua. Ấy vậy mà, đùng một cái, vào một đêm mưa gió, cô vợ bỗng bỏ lão và 2 đứa con thơ dại chạy theo cái gọi là tình yêu đích thực. Mặc cho lão van xin mong mỏi, nhưng người đàn bà ấy không dứt ra nổi vòng tay của gã nhân tình lực điền vạm vỡ kia.
Buồn đau và thất vọng, lão ngày đêm mong ngóng bước chân lạc lối kia rồi sẽ trở về. Rồi một hôm, lão biết được vợ của lão đã qua đời vì một cơn trọng bệnh. Cái hung tin ấy đã khiến trời đất xung quanh lão như cuồng quay đảo lộn. Suy sụp và bấn loạn vì bị phụ tình, lão bỏ nhà tìm đến một ngọn núi rồi hì hục đào hang làm chốn náu thân...
“Bóng ma” trên gò vắng
Đêm, khi những ánh trăng vằng vặc lan toả khắp nơi, tôi được mấy anh bạn ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) rủ lên núi nhậu. Tôi cứ thấy rờn rợn, đêm hôm tối tăm mò mẫm giữa chốn hoang sơn dã lĩnh này không may giẫm lên rắn rết thì toi. Nhưng mấy cậu bạn cứ “động viên” rằng lên đấy ngồi nhậu mới đã, quạt gió, máy lạnh, máy điều hoà gì cũng không bằng.
Quả thật, nơi chúng tôi ngồi “hàn huyên” đúng là lý tưởng. Không khí trong lành, tiếng côn trùng rả rích, trăng sáng đến nỗi ai cũng thấy rõ mặt nhau, gió dìu dịu đưa đẩy khiến tôi có cảm giác “phê phê”. Nơi đây người ta gọi là gò Cỏ May, địa phận của núi Giếng Tiền.
Chúng tôi “lai rai” cho đến gần khuya, lúc này trăng càng lúc càng tỏ, cả bọn ai cũng đã bắt đầu ngà ngà. Tôi chợt nổi da gà khi thấy từ đằng xa, thấp thoáng sau những mô đá, có một bóng người thoắt ẩn thoắt hiện rồi đổ ập xuống. Nhưng chỉ thoáng sau, cái bóng ấy ngật ngưỡng đứng dậy, xiêu quẹo bước về hướng chúng tôi đang ngồi.
|
“Ngôi nhà” của người đàn ông thất tình trên đảo Lý Sơn. |
Tôi bỗng nhớ đến mấy câu chuyện về ma quỷ hết sức rùng rợn mà mình đã từng được nghe, kể trong những lần đi thực tế để viết bài. Ý nghĩ hoang đường trong đầu tôi chợt thoáng qua: “Chết cha rồi, đi đêm cho lắm vào rồi có ngày cũng gặp ma”. Lúc này, mắt của tôi vẫn không rời cái bóng khập khiễng ấy, càng ngày nó càng gần chúng tôi…
Thấy tôi đờ người, miệng há hốc, anh bạn bên cạnh mới khều và hỏi tại sao lại im ru vậy. Tôi chỉ tay về hướng cái bóng ấy, anh bạn nhìn theo, cười phá lên: “Thôi đi cha nội, đấy có phải ma cỏ gì đâu, lão già thất tình đấy”. Tiếp đó anh ta giải thích rõ hơn, đó là một người đàn ông trung niên, do thất tình nên mới như vậy. Nhưng mà lão nói chuyện hay lắm, tí lão đi ngang qua gọi lão vô ngồi cho vui.
Anh này vừa dứt lời thì người đàn ông kỳ bí kia đã kịp tới, và không đợi đến lời mời thứ hai, lão ngồi xuống góp vui bằng chai rượu còn già nửa trên tay.
Lúc này, tôi mới có dịp quan sát lão. Người lão gầy đét, tóc dài lõa xõa che gần kín khuôn mặt khắc khổ và đặc biệt là đôi mắt đậm vẻ u buồn. Lão nhoẻn miệng cười khoe đôi hàm rắng trắng lóa rồi nâng ly mời mọi người một cách rất tự nhiên.
|
"Căn nhà" nằm trên vách đá. |
Ngồi sát ngay lão, tôi nhận thấy mùi hôi từ người lão bốc ra nồng nặc. Chắc đã lâu rồi lão chưa tắm táp. Ngồi uống vài chén thì lão đòi về ngay, lão bảo về ngủ “sớm” để sáng mai còn đi làm, tất nhiên, lão không quên mang theo chai rượu.
Thấy tôi cứ nhìn mãi theo bóng dáng lão đang dần khuất trong đêm, anh bạn bên cạnh cho biết thêm: Lão nói đi về nhà chứ không phải nhà đâu, về hang đấy, lão đào một cái hang gần bên đá Hai để ở, nếu thích thì qua đó mà tìm hiểu.
“Lâu đài” trên núi đá
Sáng hôm sau, tôi trở lại xóm Mới (khu dân cư số 11, thôn Đông, An Vĩnh) để tìm hiểu về người đàn ông lạ lùng kia. Khi nghe tôi hỏi thăm về lão thì một chị đứng tuổi bảo: “Chắc chắn đó là ông thất tình rồi, ổng ở tuốt luốt bên đá Hai, chân núi Giếng Tiền”. Nói rồi, chị tận tình gọi một thằng nhỏ đi theo chỉ đường cho tôi tìm đến “dinh thự” trên núi đá của lão.
Hết gò Cỏ May, chui qua mấy bụi sậy, băng qua 4, 5 cái rẫy tôi thấy một cái hang nhỏ, trong đó có để mấy bó cây bắp dùng để làm củi. Cạnh đó là cái bếp được làm từ ba hòn đá núi xếp chụm lại, ba ông Táo đã đen thui và có một dúm tro tàn. Cậu bé đi cùng tôi bảo: “Nhà bếp” của ổng đây nè chú”. Quan sát kĩ càng, tôi dễ dàng nhận thấy đây không phải là hang tự nhiên mà có sự can thiệp của bàn tay con người, và tôi nghĩ, chắc lão là tác giả.
Từ “nhà bếp” chúng tôi đi thẳng khoảng 20m thì rẽ trái, tiếp tục đi thẳng khoảng 15m thì đến “nhà chính” của lão. Con đường rộng khoảng 3m và còn ngổn ngang đất, tuy nhiên, đoạn đến “cửa nhà” thì được lão trải đất rất phẳng, thậm chí lão còn chất đá ngay ngắn để làm ranh giới và trồng mấy cây xanh nữa. Vách đá trên miệng hang của lão được gọt đẽo rất phẳng. Trước miệng hang, lão trồng mấy cây tre, rồi căn những tấm bạc rách rưới lên nhau chắc là để che gió.
|
Người đàn ông thất tình trong "nhà". |
“Dinh thự” của người đàn ông thất tình tựa lưng vào trong núi, miệng hang hướng ra phía biển. Cảnh vật xung quanh thật hùng vĩ; một bên thì vách núi sừng sững, còn một bên thì bãi cát trắng phẳng lì chạy thẳng ra biển. Cảnh ở đây đẹp tuyệt, nước biển trong vắt, nhín rõ đàn cá bơi lội tung tăng. Trước mặt cũng rất xanh trong. Nhìn một khoảnh núi bị “xẻ” và đống đất to bên cạnh, tôi nghĩ chắc lão phải mất tới vài năm để có được cái “công trình thế kỷ” này.
Ngồi đợi gần hết buổi trưa mà tôi vẫn không thấy bóng dáng lão đâu cả. Đầu giờ chiều, tình cờ gặp được một người làm rẫy gần chỗ ở của lão cho biết, lão hay đi lang thang khắp cả ngày, thường hay về “nhà” lúc chiều tối. Nghe vậy tôi cố nán lại đến hơn 8h tối mà vẫn chẳng được “diện kiến” con người kỳ lạ kia.
Ngày hôm sau, tôi tình cờ gặp ông Nái, một người nông dân làm rẫy ngay gần căn “dinh thự” kia. Ông Nái cho biết: “Người đàn ông bất hạnh kia tên là Trần Chí Nghĩa, năm nay khoảng 43 tuổi gì đó. Kể từ khi xây dựng hang đá làm nơi cư ngụ, lão Nghĩa đi về thất thường lắm, may thì gặp thôi chứ lão có tuân thủ giờ giấc gì đâu mà chờ đợi. Có lần mấy ông kiểm lâm đi tuần trên nỗng (đỉnh núi-PV) hết hồn khi thấy nó (lão Nghĩa) đang… ngồi uống rượu rồi i ỉ hát một mình”.
Chỉ cho chúng tôi cái giếng bên hông lều của mình, ông Nái bảo: “Đấy, cái giếng này lão Nghĩa thỉnh thoảng có ra đây tắm rửa gì đó”. Rồi ông cầm cây cuốc bàn vội đi làm vì đã quá trễ. Trước khi đi, ông nói vọng vào: “Muốn gặp được nó thì phải cố mà chờ. Tui thấy gặp nó còn khó hơn gặp… giám đốc ấy chứ”.
Qua giới thiệu, tôi gặp anh Trần Đức Hoài (trước kia là trưởng thôn Xóm Mới), người được cho là biết khá nhiều chuyện về người đàn ông đáng thương kia.
Anh Hoài kể, trước kia gia đình lão Nghĩa cũng hạnh phúc lắm. Nhưng khi đứa con trai thứ hai của lão vừa chập chững biết đi cũng là lúc vợ lão chạy theo tiếng gọi của ái tình. Khi ấy lão Nghĩa hay lên cơn giận dữ bất thường lắm hẳn là do phẫn uất khi thấy vợ lạnh lùng đi theo nhân tình bỏ lại 2 đứa con thơ không ai chăm sóc.
Hơn nữa vì quá thương yêu yêu người đàn bà kia nên khi nghe tin người vợ đã mất sau một cơn trọng bệnh, lão Nghĩa lúc đó gần như hóa điên. Từ đấy căn nhà nhỏ đã từng tràn ngập tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ trở nên vắng lặng: Đứa lớn về với ngoại, đứa nhỏ sống với nội, còn lão thì cứ lang thang trên những nẻo đường vô định với chai rượu luôn thường trực trên tay như muốn vơi đi nỗi sầu. Nhiều người thấy lão Nghĩa ôm khư khư chai rượu trên tay đi dọc bãi biển để nhặt bất cứ thứ gì có thể ăn được.
Từ đấy, dưới chân núi Giếng Tiền, nơi gần đá Hai, những người đi biển hay thấy lão ngày đêm cặm cụi cuốc cào, mà sau này mới biết là lão đào hang để ở. Tuy nhiên, cũng có nhiều người thấy lão Nghĩa tìm về ăn nhà xưa, lão đứng đó nhìn rất lâu rồi lặng lẽ bước đi.
“Hồi trước nó đẹp trai, phong độ lắm, ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn người ta đã thấy nó ốm nha ốm nhách rồi”, anh Hoài cho biết thêm. Rồi có một ngày người ta không còn thấy bóng dáng lão đâu nữa, những lời xầm xì, có đôi khi là ác mồm về lão cứ thế được người ta dựng lên, rồi truyền tai nhau.
Vài năm sau, những người đi làm rẫy bên gò Cỏ May lại kháo nhau rằng thấy lão “xuất hiện”. Lần này chỗ dừng chân của lão có vẻ… cố định hơn, đấy là một lô cốt quân sự bỏ hoang, nằm sát biển. Lúc bấy giờ trong đầu óc lão hình như là không còn khái niệm về vệ sinh, người ta thấy lão đi dọc bãi biển để nhặt những thứ gì có thể ăn được dù nó đã thối rữa, mốc meo đến cỡ nào. Khi đã có “cái ăn” rồi, lão đi kiếm rượu để giải sầu, “mà cũng lạ, không biết bằng cách nào mà lão luôn có rượu để uống”, anh Hoài thắc mắc.
Khi vùng đất gần lô cốt mà lão ở chọn làm bãi rác thì người ta hay thấy lão ra đấy để đào bới tìm đồ ăn. Vài năm sau, cơn bão số 9 (tháng 9/2009) tràn về hòn đảo nhỏ và đã phá nát nơi trú ngụ của lão. Từ đấy, dưới chân núi Giếng Tiền, nơi gần đá Hai, những người đi biển hay thấy lão ngày đêm cặm cụi cuốc cào, mà sau này mới biết là lão đào hang để ở.
Chuyện đêm trăng
Không “yên tâm”, anh Hoài đề nghị được đi cùng để giúp tìm lão thất tình. Quả thật, nhờ có anh mà chúng tôi đã “khoanh vùng” được nơi “lẩn tránh” của lão. Thì ra lão đang ngồi “giải mỏi’ cùng với mấy anh thợ hồ. Anh Hoài ghé tai tôi: “Ổng bây giờ biết đi làm để kiếm tiền rồi”. Rồi lão mời chúng tôi về “nhà” chơi cho biết, dưới ánh trăng, trên những con đường nhỏ dẫn đến “nhà” lão, nhìn hình dáng và mái tóc lão từ đằng sau tôi ngỡ rằng lão là một kẻ lãng du chứ không nghĩ rằng đấy là một con người suy sụp vì tình.
Mở “cửa”, lão mời chúng tôi vào xem “nhà”. “Ngôi nhà” của lão được chia làm hai phần mà theo lão đấy là “phòng ngủ” và “phòng khách”, được ngăn nhau bởi tấm bạc cũ rích. “Phòng khách” lão bày biện một cái bàn, nói là để tiếp khách, khoảng 80% diện tích phòng khách là “lộ thiên”. Còn “phòng ngủ” nằm hoàn toàn trong hang, trừ mép trong cùng của giường ngủ là có khoảng cách với vách trên của hang khoảng 1m ra thì hầu như những vị trí còn lại trong hang đều thong thả cho một người đàn ông trưởng thành đi lại trong hang mà không phải khom hay cúi người xuống.
|
Hang nhỏ là bếp. |
Mép trái của “căn nhà”, nơi giáp ranh giữa “phòng ngủ” và “phòng khách” được lão đặt một cái trang nhỏ, trên đó có một cỗ trái cây… bằng nhựa, lư hương, và… một chai rượu. Bên cạnh cái bàn để tiếp khách là một thùng nước đã gỉ sét, mâm chén bát rất bẩn, quần áo, chăn mùng của lão đều đã… bốc mùi khó chịu. Cái hang lão ở rộng khoảng 15m2, tuy nhiên do lão vứt đồ đạc lung tung nên bên trong nhìn rất lộn xộn.
Xong đâu đấy lão mời chúng tôi ra ngoài sân ngồi cho mát. Thấy chúng tôi lôi từ túi xách ra chai rượu và mấy gói phồng tôm thì lão cười khà khà và bảo đợi chút để nướng thêm con cá khô để nhậu cho đã. Tuy nhiên, chúng tôi suýt “hết hồn” khi thấy lão mang con cá khô ra khoe. Con cá đã bốc mùi và đã meo, mốc. Chúng tôi phải lấy cớ để dành “mồi” cho bữa sau lão mới chịu cất con cá khô đó đi.
Quả thật, khoảnh sân trước hang của lão rất tuyệt vời để… ngồi nhậu! Không gian yên tĩnh, ánh trăng giữa Rằm sáng dịu soi khắp cả một vùng núi biển, bên ngoài, gió biển nhẹ nhàng từng cơn.
Lão tên là Trần Chí nghĩa, 43 tuổi. Sau vài ly, lão bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của mình.
Lão không còn nhớ cụ thể, chỉ láng máng là mình lập gia đình năm 25 hay 26 tuổi gì đấy. Những tháng ngày êm ấm của đôi vợ chồng trẻ nhanh chóng kết thúc khi đứa con trai thứ 2 vừa biết đi. Tuy vậy, lão không hề trách móc người vợ phản bội mà chỉ hy vọng, sau khi chồn chân mỏi gối, và vì 2 đứa con trai, người vợ lỗi bước sẽ trở về cùng cha con lão.
Sự chờ đợi của một người chồng vị tha đã trở thành cơn quẫn trí khi một ngày, lão biết tin vợ mình đã vĩnh viễn ra đi. Từ đấy lão chẳng khác gì một kẻ tâm thần, chỉ có lúc ngủ là tỉnh táo còn lại đều say tình và say men.
Thời gian đầu lão lên nghĩa địa, nỗng núi để ngủ. Chán, lão lên tàu vào đất liền, bắt xe đi vào Long Khánh (Đồng Nai) để lang bạt. Rồi chán, lão đi vào Sài Gòn với cuộc sống vất vưởng. Và lại chán, lão trở về đảo Lý Sơn và “định cư” trong một lô cốt ở sát biển. Khi lô cốt bị bão đánh sập, lão tìm đến nơi mà bây giờ là “nhà” của lão để khai phá và đào hang để ở.
“Mới đó mà tui ở đây được hơn 3 năm rồi đấy. Bây giờ tui đã biết đi làm mướn để kiếm tiền mua gạo về nấu cơm ăn chứ nghĩ đến lúc trước tui thấy ớn”, lão thỏ thẻ. Nhưng lão cũng tâm sự: “Đấy là lúc tỉnh chứ say vào là đụng cái gì ăn được là tui bỏ vào miệng nhai liền”.
Lão bảo, hồi mình mới “bị” cha mẹ, anh trai (lão chỉ có 1 người anh trai) đã tốn rất nhiều công sức để tìm và bảo lão về nhưng lão không chịu vì khi về nhà lão thấy lòng mình đau đớn…
Tiếc cho một kiếp người
Hầu hết những khi chúng tôi gặp để tìm hiểu về lão đều cảm thấy tiếc nuối cho cuộc đời của lão. Anh Lê Sơn Chiến, trưởng khu dân cư 11 (tức xóm Mới), tâm sự: “Tui chưa thấy ai nặng tình như lão, vì tình mà cả một kiếp người dang dở”. Cũng theo anh Chiến, sự chung thủy của lão được giới trẻ trên đảo làm để… so bì nhau nếu lỡ họ chia tay.
Dù rất thương em trai, nhưng anh Trần Chí Thông không biết phải làm sao để người em của mình trở về. Lâu lâu anh Thông mua vài chục ký gạo rồi tự mình hay sai con mang qua cho lão. Nghĩ lại, anh thấy tiếc cho cuộc đời của em trai mình. “Hồi trước nó đẹp trai, phong độ lắm, ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn người ta đã thấy nó ốm nha ốm nhách rồi”, anh Hoài cho biết thêm.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):