Bị kỷ luật được chuyển làm Hiệu trưởng trường khác là “dung túng sai phạm"

Google News

"Việc làm của hiệu trưởng là vi phạm đạo đức của người làm giáo dục. Cán bộ quản lý không trong sáng, thì có niềm tin cho giáo viên, phụ huynh, học sinh không?" - TS Nguyễn Tùng Lâm - nguyên Chủ tịch Hội tâm lý Giáo Dục nói.

UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị vừa điều chuyển công tác đối với ông Đoàn Minh Lộc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy sang làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lộc.
Vi phạm đạo đức nghề giáo dục
Trước đó, giữa năm 2021, báo chí đã phản ánh về khoản tiền hỗ trợ các em học sinh thuộc diện hộ nghèo của Trường Tiểu học và THCS Xy không được chi trả đúng thời gian quy định.
Bi ky luat duoc chuyen lam Hieu truong truong khac la “dung tung sai pham
Trường Tiểu học và THCS Xy, nơi xảy ra sai phạm của Hiệu trưởng.
Ngoài ra, một ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ 30 triệu làm quà cho 60 học sinh là Cháu ngoan Bác Hồ. Theo đó, mỗi em được trao 500.000 đồng, nhưng sau khi khi ngân hàng trao tặng rồi rời đi, ông Đoàn Minh Lộc chỉ đạo giáo viên thu lại 24 triệu đồng...
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hướng Hóa đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Lộc.
Qua kiểm tra, phát hiện ông Lộc có nhiều sai phạm như thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra giám sát cán bộ nhân viên trong việc chi trả chế độ cho học sinh hộ nghèo; tự ý điều chỉnh cơ cấu giải thưởng trong cuộc thi phòng tránh bom mìn và tiền hỗ trợ của ngân hàng cho học sinh...
UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành hình thức kỷ luật ông Đoàn Minh Lộc với hình thức khiển trách và tiến hành điều chuyển công tác.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - nguyên Chủ tịch Hội tâm lý Giáo Dục, việc làm của vị hiệu trưởng trên là hành vi vi phạm đạo đức của người làm giáo dục. Chưa rõ mục đích bớt xén số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhằm vào việc cá nhân hay nhằm việc công nhưng với mục đích tư lợi thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các trường hợp sai phạm đều có Hội đồng kỷ luật kiểm tra, bàn luận để xử lý. Nếu sai phạm chưa đến mức giáng chức vụ, hạ cấp bậc thì không thể giáng chức cá nhân vi phạm đó.
Nếu cán bộ quản lý tài chính không trong sáng, mà đặc biệt ở ngành giáo dục, thì còn có thể tạo ra niềm tin cho giáo viên, phụ huynh, học sinh tin tưởng nữa hay không? Đáng ra người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải là tấm gương để cán bộ, công nhân viên học tập, noi theo.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, để làm rõ trách nhiệm của vị hiệu trưởng này, chúng ta phải biết được số tiền sai phạm đang nằm ở đâu, nhằm mục đích gì. "Nếu số tiền sai phạm trên được thu lại nhằm vào mục đích chi tiêu, mua sắm trang thiết bị của trường hay hỗ trợ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác thì vị hiệu Trưởng trên sai phạm về công tác quản lý, mục đích ban đầu của số tiền đó mà không thông báo, xin phép người tài trợ số tiền đó (ngân hàng tại địa phương - PV). Còn nếu số tiền nhằm mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý theo quy định của pháp luật" - TS. Lâm nói.
Chuyên gia Tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc cho biết, việc kỷ luật một cán bộ sai phạm tại cơ quan, tổ chức không có hình thức kỷ luật nào là "chuẩn". Riêng kỷ luật về mặt Đảng là hình thức kỷ luật chuẩn nhất và áp dụng đối với đảng viên. Việc kỷ luật khiển trách, điều chuyển công tác sang trường khác giữ nguyên chức vụ là kỷ luật nội bộ của một địa phương.
Kỷ luật tại một cơ quan, đơn vị do Hội đồng kỷ luật của cơ quan, đơn vị đó xem xét và đưa ra quyết định tùy thuộc vào tình hình cụ thể. "Nếu ngân hàng tại địa phương trao tặng số tiền 30 triệu đồng cho 60 em học sinh Cháu ngoan Bác Hồ thì vị hiệu trưởng kia phải trao đủ, đúng số tiền đã được ngân hàng chỉ định. Nếu muốn thay đổi người nhận, số tiền nhận thì phải hỏi ý kiến của ngân hàng trên, được sự đồng ý mới được phép thay đổi" - chuyên gia Túy nói.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, nếu có chứng cứ về việc chiếm đoạt tiền hỗ trợ học sinh nghèo thì phải xử lý hình sự về tội tham ô tài sản chứ không chỉ xử lý kỷ luật và chuyển công tác như vậy.
Theo cơ quan chức năng thì Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hướng Hóa đã kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Đoàn Minh Lộc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy.
Qua kiểm tra, phát hiện ông Lộc có một số sai phạm như thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra giám sát cán bộ nhân viên trong việc chi trả chế độ cho học sinh hộ nghèo; tự ý điều chỉnh cơ cấu giải thưởng trong cuộc thi phòng tránh bom mìn và tiền hỗ trợ của ngân hàng cho học sinh...
Bi ky luat duoc chuyen lam Hieu truong truong khac la “dung tung sai pham
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. 
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hướng Hóa đã kỷ luật ông Lộc với hình thức khiển trách. Đơn vị này cũng gửi công văn đề nghị UBND huyện Hướng Hóa và các phòng ban liên quan xử lý về mặt hành chính đối với ông Đoàn Minh Lộc.
Như vậy, cơ quan chức năng được xác định sai phạm của ông hiệu trưởng này chỉ là thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra giám sát để cho cán bộ nhân viên vi phạm chứ chưa chứng minh được hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt số tiền chợ cấp nên chưa đề cập xử lý hình sự. Trường hợp có căn cứ cho thấy vị hiệu trưởng này được ăn chia, hưởng lợi số tiền từ ngân sách nhà nước, tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình ủy ban kiểm tra huyện ủy xem xét, xử lý kỷ luật về mặt đảng đối với vị cán bộ này, mà phát hiện ra sự việc có dấu hiệu tội phạm, thì ủy ban kiểm tra huyện ủy có trách nhiệm, phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có sai phạm đến mức phải xử lý hình sự, mà cơ quan chức năng lại không đưa sự việc sang cơ quan điều tra để xem xét giải quyết thì cán bộ, cơ quan xem xét giải quyết vụ việc này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong vụ việc này có nhiều vấn đề cần phải làm rõ như việc chi tiền cho học sinh hộ nghèo tại sao lại chậm trễ, thiếu sót như vậy. Với học sinh nghèo thì số tiền đến sớm một ngày cũng sẽ giúp giải quyết được bao nhiêu khó khăn cho học sinh cũng như gia đình, tại sao lại có việc chậm trễ trong việc chi trả, có động cơ mục đích gì ở đây vậy có yếu tố chiếm đoạt hay không?
Vấn đề thứ hai là điều chỉnh cơ cấu giải thưởng với mục đích gì? Số tiền điều chỉnh thừa ra chi tiêu vào việc gì, có yếu tố tư lợi hay không, nếu có thì phải xem xét xử lý hình sự.
Trong môi trường giáo dục thì đòi hỏi người đứng đầu cơ sở giáo dục phải là người có tài, có đức. "Trường hợp vi phạm về quản lý không đủ năng lực trình độ thì cần phải cách chức, chuyển làm công việc khác chứ không thể luân chuyển từ hiệu trưởng trường này sang hiệu trưởng trường khác như vậy. Còn hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì cũng phải xử lý nghiêm để làm gương, làm trong sạch môi trường giáo dục" - luật sư Cường nói.
>>> Mời quý độc giả xem video: Lịch tựu trường năm học 2021-2022, học sinh tựu trường sớm nhất ngày 23/8

Nguồn: 24H


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)