Ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn chúng tôi, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Dung trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách khó nhọc. Nước da bệch bạc vì bạo bệnh hành hạ, Dung bảo không ngờ cuộc đời chị ta lại bi đát đến vậy, nhất là những ngày đổ bệnh cho dù mới bước vào quãng thời gian bên kia dốc cuộc đời.
Tiêu cực vì chồng bỏ, con chết
Theo chân Đại tá Nguyễn Bá Thắng, Phó giám thị trại giam Ngọc Lý, chúng tôi xuống thăm bệnh xá của trại giam. Một nữ phạm nhân có dáng người gầy nhẳng, ngồi dựa lưng vào cửa sổ, thở một cách khó nhọc khiến chúng tôi chú ý. Bệnh nhân khoác áo phạm nhân ấy chính là Nguyễn Thị Dung. Gương mặt mệt mỏi, Dung tiếp chuyện chúng tôi một cách rời rạc. Chị ta cho biết đã 4 lần đón Tết trong trại cải tạo nhưng từ ngày bước chân vào đây, cuộc sống của chị ta gần như gắn liền với bệnh xá trại giam. “Tôi vào đây từ năm 2014, tính ra cũng được gần 4 năm rồi”, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Dung cho biết.
Theo lời Dung thì chị ta mắc bệnh xơ gan cổ trướng từ ngày còn ở ngoài xã hội, nên từ khi vào trại giam Ngọc Lý, Dung không thể làm được việc gì cho dù là việc nhẹ. Người ta đi tù để cải tạo lao động còn Dung vào trại giam để uống thuốc và chữa bệnh. “Hầu như tháng nào em cũng phải vào bệnh xá nằm điều trị, ít thì cũng nằm đây vài ngày, tháng nào bệnh nặng thì nằm cả tháng. Mấy bữa nay thời tiết đổi mùa, trời rét nên em không thể về buồng giam được. Nằm ở đây, các bác sỹ ngày hai buổi vào thăm khám, điều trị cho em”, Dung xưng em một cách trơn tru với chúng tôi. Rồi như muốn tìm người chia sẻ những u uất chất chứa trong lòng, Dung bắt đầu tâm sự.
Theo lời Dung thì chị ta sinh ra trong một gia đình khá giả, có cửa hàng kinh doanh ở chợ Đông Kinh. Cũng được cha mẹ cho ăn học nhưng vì trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ tới buôn bán làm giàu nên Dung chỉ học hết cấp hai là nghỉ. Những ngày phụ bố mẹ bán hàng ở chợ đã khiến Dung sành sỏi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Có lẽ cũng vì những suy nghĩ già dặn hơn các bạn nên Dung sớm lập gia đình.
Cứ nghĩ với một người rất thạo bán buôn như Dung thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, ai ngờ chị ta lại có cuộc hôn nhân không hề suôn sẻ. Dung bảo vì vợ chồng không hợp nhau cả về lối sống và cách suy nghĩ nên dù đã rất cố gắng song cuối cùng cả hai đành phải chọn giải pháp đường ai nấy bước. Dung chấp nhận làm mẹ đơn thân để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Chẳng biết có phải do Dung mải mê với công cuộc mưu sinh hay con trai sớm mặc cảm, tư ti về chuyện đổ vỡ của bố mẹ hay do thiếu bàn tay dạy bảo của người cha mà trở nên hư hỏng. 23 tuổi, con trai Dung đã bỏ mẹ để về bên kia thế giới. Người đàn bà bất hạnh này không nói rõ lý do vì sao con trai chết bởi “có nói cũng chẳng ích gì”. Dung chỉ bảo chồng bỏ thì đau một nhưng con chết thì coi như cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì. Chẳng biết có phải vì thế mà chị ta đã chọn lối sống bi quan, tiêu cực.
|
Phạm nhân Nguyễn Thị Dung trong trại giam. |
Những ngày mệt mỏi chống chọi với bệnh tật
“Tôi đã rất chật vật sống khi biết rằng chẳng còn điểm tựa cho cuộc sống của mình. Trước đây thì còn bố mẹ, anh em nhưng rồi mỗi người mỗi phận, chỉ có đứa con là niềm vui, là hy vọng mà phấn đấu thì con lại mất rồi nên tôi chẳng tha thiết gì nữa”, Dung nhớ lại thời điểm chị ta bập vào ma túy.
Theo lời Dung thì sau khi con mất một thời gian, Dung cảm thấy sức khỏe giảm sút nhưng vẫn không nghĩ rằng trong người mình có bệnh. Cho rằng tại mình suy nghĩ quá nhiều lại không chịu ăn uống đầy đủ nên cơ thể suy nhược, Dung không đi BV thăm khám. Tới khi thấy bụng to bất thường, Dung mới đi BV thì căn bệnh xơ gan đã đến hồi trầm trọng. “Tôi như người rơi từ bờ vực này tới địa ngục khác, lắm lúc cơ thể đau đớn vì bệnh tật giày vò, chỉ muốn làm điều dại dột để quên đi”, Dung mệt mỏi bộc bạch.
Để có tiền chữa bệnh và cầm cự nuôi sống bản thân, Dung gia nhập đội quan bán lẻ ma túy cho các con nghiện. Theo lời nữ phạm nhân này kể thì chị ta không mua nhiều mà cũng chẳng có nhiều tiền để mua nhiều nên mỗi lần chỉ mua khoảng vài tép heroin đem bán rồi lại đi mua tiếp. Cái kiểu mua đi bán lại, kiếm tiền vặt vãnh ấy cũng giúp Dung lần hồi sống qua ngày. Cho tới một ngày Dung cóp được một khoản tiền mua chục tép ma túy về bán thì bị bắt quả tang. Với hành vi này, chị ta phải trả giá bằng bản án 9 năm tù giam. “Tôi vào trại giam đúng thời điểm đang chữa bệnh xơ gan nên mỗi khi lên cơn đau, tôi hận cuộc đời lắm. Nhưng giờ thì lại nghĩ khác, có khi vào đây lại là một sự may mắn”, Dung kể.
Nói là đi cải tạo lao động nhưng từ ngày vào trại giam Ngọc Lý, cuộc sống của Dung gần như gắn liền với bệnh xá của trại giam. Căn bệnh xơ gan đã ở giai đoạn nặng như bòn rút chút sức khỏe vốn đã rất khiêm tốn của Dung, khiến chị ta chỉ ngồi thở thôi cũng thấy khó khăn. Dung bảo những ngày cảm thấy cơ thể khỏe lên, Dung cũng ra sân, ngồi nhổ cỏ với các phạm nhân cao tuổi nhưng khi lên cơn đau thì chẳng làm được gì cả.
Nhận xét về phạm nhân Nguyễn Thị Dung, Trung tá Trần Thị Vĩnh Thủy, người phụ trách bệnh xá trại giam Ngọc Lý cho biết, Dung nằm trong số 20 phạm nhân mắc bệnh nan y, thường xuyên nằm lại bệnh xá để điều trị bệnh. “Hoàn cảnh của nữ phạm nhân này rất đáng thương nên ngoài việc lưu ý, thăm khám thường xuyên, chúng tôi cũng luôn tìm cách tiếp cận, trò chuyện để Dung bớt mặc cảm. Chị ta ít được người thân thăm gặp, sức khỏe lại rất yếu nên rất hay mủi lòng, bi quan, mặc cảm. Thế nên có những việc tế nhị, chúng tôi phải ứng xử mềm dẻo, linh hoạt để Dung không nghĩ ngợi nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe”, Trung tá Thủy cho biết.
Theo lời Trung tá Thủy thì mỗi phạm nhân đều có một hoàn cảnh, một kiểu phạm tội khác nhau. Khi ốm đau, cho dù là người mạnh mẽ, bướng bỉnh cũng trở nên yếu đuối. Nhiệm vụ của các chị không chỉ kê đơn bắt bệnh điều trị mà còn phải khích lệ tinh thần, động viên họ thoát ra khỏi những bi quan tuyệt vọng mà yên tâm điều trị bệnh. Như phạm nhân Dung, biết chị ta mắc bệnh hiểm nghèo song các y bác sĩ vẫn động viên Dung uống thuốc đều đặn để duy trì sức khỏe.
“Tôi biết bệnh của mình sống được chỉ là một sớm một chiều, song từ đáy lòng tôi luôn thấy biết ơn các y bác sĩ của bệnh xá. Họ đã làm hết trách nhiệm của mình với người bệnh. Cuộc đời tôi đã vấp phải sai lầm, muốn chuộc lỗi e rằng quá muộn nhưng còn sống ngày nào trong trại thì tôi sẽ còn chấp hành tốt nội qui, qui định. Tôi chỉ biết làm vậy để không làm ảnh hưởng tới các bác sỹ nơi đây, coi như một cách trả ơn họ”, Dung nói khe khẽ. Đôi mắt chị ta bỗng dưng nhắm lại khiến chúng tôi có cảm giác chị ta đang chịu đựng một cơn đau bất ngờ xuất hiện. Nhìn Dung lúc này thật tội nghiệp...