Thời gian gần đây, các ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước tăng chóng mặt. Dù hiện nay việc trở thành F0 không quá nghiêm trọng và bị cách ly nghiêm ngặt như trước, tuy nhiên việc bỗng dưng mắc COVID cũng khiến nhiều F0 lâm vào tình huống bi hài.
Tiền ăn nhiều hơn tiền thuốc
Chia sẻ câu chuyện của mình trên Zingnews, anh Hồ Tấn Minh (Bình Thạnh, TP.HCM) đã mắc COVID-19 từ giữa tháng 2 cho biết, trải qua một tuần “chiến đấu” với COVID-19, anh Minh tiêu tốn gần 7 triệu đồng. “Số tiền này dùng cho thuốc men thì ít mà tẩm bổ thì nhiều”, anh Minh chia sẻ.
Ngay khi có triệu chứng ho, anh Minh xét nghiệm nhanh tại công ty và nhận “2 vạch”. Ngay lập tức, anh được cho về nhà để cách ly điều trị.
“Tôi gọi điện báo cho bạn, tiện nhắn luôn cái tủ lạnh của mình đang trống trơn. Khoảng 2 giờ sau, bạn tôi cung cấp đầy đủ thức ăn, các loại thuốc cần thiết. Tôi có hỏi thì được biết 'thiệt hại' cho lần viện trợ đầu tiên này hết 2 triệu đồng”, anh Minh kể.
Anh cho biết triệu chứng bệnh với bản thân không quá nặng, sốt cao nhất 37,5 độ, ho và khàn giọng khoảng 2 ngày, còn lại là cảm giác thèm ăn khủng khiếp.
Với tâm lý “phải tẩm bổ mới nhanh đuổi virus đi”, anh Minh “chi mạnh” cho thức ăn hàng ngày, trái cây, thực phẩm dinh dưỡng. Ngoài ra, anh còn mua thêm kit xét nghiệm nhanh, thiết bị xông tinh dầu, bình sát khuẩn họng loại tốt...
“Tôi test nhanh 2 ngày 1 lần, tới lần thứ 3 thì âm tính. Tôi xét nghiệm thêm RT-PCR trong tuần tiếp theo cho chắc chắn thì tốn hơn 500.000 đồng. Trong vòng một tuần đó, bạn tôi mua 2 lần thực phẩm để nấu ăn. Còn khi thèm món gì, tôi đặt giao hàng thêm. Thiệt hại của tôi là 7 triệu đồng”, người đàn ông 34 tuổi nói.
|
Thực phẩm anh Minh nhờ bạn mua giúp để "chiến đấu" với Covid-19 trong một tuần. (Ảnh: Tấn Minh) |
|
Thuốc anh Minh nhờ bạn mua giúp để "chiến đấu" với Covid-19 trong một tuần. (Ảnh: Tấn Minh) |
Test nhanh COVID-19 vô tội vạ, nhiều người 'viêm màng túi'
"Trong hơn một tháng vừa qua, chị Nhàn đã chi gần 10 triệu đồng mua bộ kit xét nghiệm nhanh để vợ chồng tự test trước khi từ công ty về nhà mỗi ngày", Vnexpress dẫn lời chị Nhàn (Hà Đông, Hà Nội).
"Xẩm tối, ở nhà tôi sẽ diễn ra cảnh mẹ chồng chặn trước cửa hỏi 'que test đâu?'. Nhìn thấy hai que một vạch bà mới cho vợ chồng vào nhà", chị Nhàn, 34 tuổi, ở quận Hà Đông chia sẻ.
Không như một số người có tâm lý "rồi ai cũng thành F0", gia đình chị vẫn giữ chế độ phòng dịch chặt như thời chưa tiêm vaccine. Mẹ chị đã tiêm 3 mũi nhưng có nhiều bệnh nền, hai con nhỏ chưa tiêm, trong đó cháu lớn bị béo phì, sợ mắc COVID-19 dễ biến chứng nặng nên cả nhà không dám chủ quan.
Nhàn làm tại một công ty truyền thông có hơn 150 nhân viên với văn phòng mở, cứ cách vài ngày cơ quan lại ghi nhận ca dương tính. Ông xã chị làm quản lý thị trường, hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người. Vì thế, hàng ngày khi từ chỗ làm về nhà, hai vợ chồng dừng ở bãi đỗ xe nửa tiếng test COVID-19 cho nhau rồi.
Trước Tết, ông xã Nhàn test hàng ngày, còn chị hai ngày một lần. Từ ra Tết tới nay, họ gần như phải test hàng ngày vì tình cảnh "F0 đông hơn F1". "Làm được bao tiền đổ vào kit xét nghiệm hết cả, mỗi lần mua kit là một lần đau ví", Nhàn than thở.
Giá mỗi bộ kit (que) test nhanh dao động từ 55.000 đồng đến 95.000 đồng. Hơn một tháng qua, Nhàn đã mua 30 hộp, mỗi hộp 5 que, tốn gần chục triệu đồng.
|
Chị Nhàn mua 50 que test hôm mùng 6 Tết nhưng chỉ còn từng này sau hơn hai tuần sử dụng. (Ảnh: Mai Hương) |
Quá tải vì công ty toàn F0
Thực tế những ngày qua số ca mắc COVID-19 mới tại Hà Nội tăng liên tục. Hầu hết các cơ quan, công sở chỉ còn chưa đầy một nửa nhân viên đi làm do hầu hết đã trở thành F0.
Chia sẻ câu chuyện của mình trên Vnexpress, anh Anh Phạm Trung Thành, 27 tuổi, nhân viên một ngân hàng tại quận 12, TP HCM rõ hơn ai hết cảnh một người làm việc của 3-4 người.
Trước Tết, phòng anh có 10 người thì 9 người nhiễm COVID-19. Anh chưa kịp mừng vì mình "né được" thì việc đã ngập đầu.
"COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Cuối năm, họ đến xin gia hạn cũng đông hơn các năm trước. Việc tra soát nợ, ôm hồ sơ cơ cấu nợ cho khách dồn dập", Thành nói. Trung bình một ngày, anh phải gặp 5-6 khách hàng thay đồng nghiệp, hôm nào xong sớm cũng phải 21h mới được nghỉ ngơi.
Điện thoại anh đổ chuông liên tục, tin nhắn tới tấp vì khách hàng sợ đóng nợ trễ sẽ bị nhảy nhóm nợ, không vay được. Hơn 10 ngày đánh vật với khối công việc gấp 3-4 lần bình thường, anh gầy đi 3 kg, "xơ xác hơn cả những đồng nghiệp F0.
|
Số ca mắc Covid-19 ở các văn phòng có xu hướng tăng khi hầu hết công ty, doanh nghiệp yêu cầu 100% nhân viên trở lại làm việc trực tiếp sau Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa: Phạm Ngôn) |
Nghe anh Thành chia sẻ tình cảnh của mình trên mạng xã hội, chị Nguyễn Phương Nhi 24 tuổi, nhân viên kinh doanh thị trường một công ty phân phối dầu ăn ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, rất đồng cảm. Ở công ty chị hiện nay, phòng kinh doanh của chị hiện có hơn 20 người, 17 người nhiễm bệnh, Nhi là một trong số những F1 còn sót lại. Phải làm công việc của 5,6 người một lúc. Chị chia sẻ “Bây giờ tôi phải làm công việc của 4,5 người một lúc, mỗi ngày phải đi ít nhất 20 điểm. Các F0 liên tục hỏi thăm, gửi đồ ăn đến nhà động viên, dặn dò tôi cố gắng duy trì tình trạng miễn nhiễm còn tiếp tục gồng gánh phòng”.
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: F0 và F1 tự điều trị, cách ly COVID-19 tại nhà cần chú ý những gì