F0 nhẹ hoặc không có triệu chứng khi hồi phục kháng thể sẽ ít?
Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết thông tin những người mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi hồi phục kháng thể sẽ ít hơn so với người bệnh nặng mà hồi phục là không chính xác. F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ hay nặng cũng được xem là đã có kháng thể như nhau với virus SARS-CoV-2.
Về vấn đề người đã tiêm 1 mũi vắc xin sau đó mắc bệnh có cần tiêm mũi 2 hay không, bác sĩ Khoa cho biết: người đã tiêm một mũi vắc xin sau đó mắc Covid-19, không phân biệt nặng nhẹ đều được khuyến cáo nên tiêm mũi 2 sau 6 tháng, kể từ thời điểm nhiễm bệnh hoặc khỏi bệnh.
BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết F0 khỏi bệnh có kháng thể mạnh hơn người đã được tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin rất nhiều. Người đã tiêm ngừa vẫn có khả năng mắc bệnh, dù nguy cơ giảm rất nhiều và nếu mắc phải thì bệnh cũng nhẹ hơn, tải lượng virus thấp hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, F0 khỏi bệnh khả năng bị lại rất thấp, ít nhất trong 6 tháng sau, trừ một số trường hợp hiếm gặp (có vấn đề gây suy giảm miễn dịch).
Sau tiêm vắc xin bao lâu thì cơ thể có kháng thể?
TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kháng thể có thể xuất hiện sau khoảng 12 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên. Tuy nhiên, miễn dịch sau mũi đầu chưa mạnh nên cần mũi thứ hai. Tùy vào vắc xin mà khoảng cách giữa hai mũi được điều chỉnh phù hợp để tối ưu hóa khả năng sản xuất kháng thể. Sau mũi tiêm thứ 2 từ 12 đến 15 ngày sẽ đạt miễn dịch bảo vệ tối ưu. Tuy nhiên, không có vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ đạt 100%. Sau khi tiêm chủng, vẫn có một tỷ lệ nhất định mắc bệnh.
Nguyên nhân có thể là do dù được tiêm vắc xin nhưng cơ thể không tạo ra kháng thể (dù tỷ lệ này rất thấp). Một lý do khác có thể là cơ thể đã tạo ra kháng thể nhưng lượng kháng thể không đủ để chống lại sự xâm nhập của virus.
Do đó, người đã được tiêm vắc xin vẫn cần tuân thủ, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.