Mới đây, liên tiếp hai chiếc máy bay, gồm máy bay quân sự và cứu hộ, rơi ở Biển Đông, khiến cả nước đau buồn. Hiện, nguyên nhân máy bay rơi chưa được giải mã.
Nhưng, ít ai biết rằng, ở nước ta, có một khu vực, từng xảy ra những vụ rơi máy bay bí ẩn, mà đến nay vẫn chưa giải mã được. PV VTC News đã tìm lên Sơn La, vào tận vùng núi hiểm trở này, để tìm hiểu sự việc.
Kỳ 1: Chuyện kể của người nhặt xác phi công
Đến thị trấn Bắc Yên (Sơn La) hỏi chuyện ngọn núi “nuốt” máy bay, ai cũng chỉ đến gặp ông Đoàn Khiêu, người mà cả thị trấn nhỏ này đều biết đến, bởi ông từng trực tiếp đi tìm, nhặt xác phi công, hành khách nhiều ngày giữa rừng thẳm.
Ông Khiêu sống trong một ngôi nhà khang trang ngay mặt phố. Hỏi chuyện máy bay rơi, ông giơ đôi bàn tay chai sần hớn hở khoe: “Cậu gặp đúng người rồi đấy! Chính đôi tay này đã nhặt hơn chục xác phi công và hành khách của hai vụ rơi máy bay”.
Nói rồi, ông lấy xe máy chở tôi đi len lỏi dọc con suối, xuyên qua những khu vườn hoa mận hoa mơ, đến nhà Đại tá Mùi Trọng Bứng, nguyên Huyện đội trưởng huyện Bắc Yên. Ông Bứng và ông Khiêu là những người nắm rõ hai vụ máy bay rơi diễn ra gần đây nhất.
Cuối năm 1985, nhận được tin báo của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, có một chiếc máy bay quân sự chở các chuyên gia Nga từ Bắc Lào về Việt Nam đã mất liên lạc và mất tích. Theo như sơ đồ đường bay, thì chiếc máy bay này đã bay qua khu vực Bắc Yên.
|
Núi U Bò ẩn hiện trong mây. |
Trước đây, thời chiến tranh, đã có khá nhiều máy bay rơi trong rừng già thuộc huyện Bắc Yên, nên địa điểm nghi ngờ máy bay rơi đều tập trung vào khu vực này.
Sự nghi ngờ càng trở nên chắc chắn khi một số đồng bào Mông sống ở các xã Xím Vàng, Tà Xùa, Háng Đồng kể lại rằng, họ đã nghe thấy một tiếng nổ trầm, như tiếng bom vọng lại từ rất xa. Những cụ già từng chứng kiến máy bay rơi ở khu vực này thời chiến tranh thì khẳng định chắc nịch rằng, tiếng nổ đó đúng là tiếng máy bay đâm vào núi. Nhận được chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La, ông Mùi Trọng Bứng cùng lực lượng dân quân, các ban ngành lên đường vào đại ngàn pơ-mu Phù Bắc Yên để tìm kiếm.
Địa điểm tìm kiếm là những thung lũng bao quanh đỉnh núi U Bò cao ngất ngưởng mây xanh. Đây là ngọn núi khổng lồ, nằm ở phần đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đoàn tìm kiếm gồm hàng trăm người, đi suốt ngày đêm trong rừng, song tuyệt nhiên không thấy xác máy bay ở đâu.
Đến ngày tìm kiếm thứ ba thì ông Bứng nhận được tin báo của một thợ săn người Mông rằng, chính mắt anh ta đã nhìn thấy một chiếc trực thăng xuyên qua những đám mây, lao thẳng vào vách núi U Bò, rồi một tiếng nổ lớn phát ra, khói lửa cháy ngùn ngụt.
Xác định được địa điểm rơi máy bay, nhưng đội tìm kiếm phải lần mò suốt 4 ngày nữa, mới tìm thấy, bởi rừng rú quá hoang rậm, núi non quá cheo leo, hiểm trở.
Trong lúc mọi người đi tìm kiếm thì ông Đoàn Khiêu, khi đó là cán bộ thuế của huyện, được giao nhiệm vụ đóng những chiếc quan tài lớn bằng gỗ xoan để chứa xác những ông Tây xấu số. Khi tìm thấy điểm máy bay rơi cũng là lúc ông Khiêu và nhóm thợ mộc đóng xong 6 chiếc quan tài. Là người bạo dạn nên ông Khiêu tiếp tục được giao nhiệm vụ lượm xác, mai táng.
Ông Khiêu nhớ như in: “Nghe chuyện máy bay rơi ở vùng này nhiều rồi, nhưng lần đầu tiên chứng kiến, cứ ám ảnh tôi mãi. Chiếc máy bay vỡ tan thành từng mảnh, xác người cháy xém, bốc mùi hôi thối vì đang phân hủy mạnh. Không ai dám lại gần, nhưng như ma xui quỷ khiến, tôi chẳng sợ gì, cứ nhặt tay, chân, đầu, thịt xương của những người xấu số ấy xếp lại, bó vào chiếu, để dân quân khiêng ra huyện mai táng. Mọi người thay nhau khiêng xác đi không nghỉ cũng phải mất gần 2 ngày mới ra tới huyện”.
Bẵng đi 10 năm, đến năm 1994, huyện Bắc Yên lại ồn ào vì nghe lời đồn của đồng bào Mông sống trên những đỉnh núi cao ở các xã Xím Vàng, Tà Xùa rằng có máy bay rơi vì nghe thấy tiếng nổ lớn. Ngay hôm sau, một chiếc trực thăng nổ xé toang bầu trời Bắc Yên rồi đáp ngay xuống sân bóng của huyện.
Chiếc máy bay này cũng là của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, chở các chuyên gia lên Bắc Yên để tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn.
Theo đó, chiếc máy bay trực thăng chở các chuyên gia bay từ Điện Biên về đã mất tích vào ngày 7-5-1994. Chiếc máy bay này chở các chuyên gia đi khảo sát để mở đường bay du lịch từ Hà Nội lên Điện Biên và Sơn La. Việc khảo sát chưa hoàn thành thì họ đã gặp nạn.
Đó là chiếc trực thăng Bell Long Ran Gere. Đây là loại máy bay khá hiện đại thời bấy giờ. Điều đặc biệt, viên phi công lái chiếc Bell Long Ran Gere là Reunault rất dày dạn kinh nghiệm, đã có tới 5.000 giờ bay.
Trong ngành hàng không, người có số giờ bay này rất ít. Bay được từng này giờ là đẳng cấp rất cao, đủ kinh nghiệm để xử lý tình huống bất trắc có thể coi là phức tạp nhất nếu xảy ra với máy bay. Theo cơ quan quản lý bay, thì khi chiếc máy bay qua khu vực này, đã mất tín hiệu đột ngột.
Lần rơi máy bay này, một số đồng bào Mông đi làm nương đã nhìn thấy, nên phát hiện ngay được địa điểm. Ông Khiêu được lãnh đạo huyện Bắc Yên triệu tập “cưỡi” trực thăng cùng các chuyên gia người Pháp bay vào trung tâm xã Xím Vàng để lượm xác những người xấu số.
Xé rừng cuốc bộ một ngày nữa thì đến nơi máy bay rơi. Cả 5 người trên máy bay, gồm phi công người Việt, 3 chuyên gia người Pháp, một cô phiên dịch người Việt đang mang bầu đều tử nạn. Vụ nổ máy bay này khá kỳ lạ. Chiếc máy bay sau khi lao vào ngọn cây đã đâm vào núi, nổ tan thành từng mảnh nhỏ, trong khi, những xác chết đều còn nguyên vẹn.
Đồng bào Mông, dân quân trong xã Xím Vàng được huy động rất đông để khiêng những xác chết ra bãi đất trống trước trụ sở UBND xã. Phi công và cô phiên dịch người Việt được ông Khiêu và nhân dân làm lễ mai táng theo đúng thủ tục.
Ông Khiêu kể: “Những người Pháp có mặt hôm đó không làm tang ma cho 3 chuyên gia xấu số, mà họ ngâm xác vào túi foóc-môn, rồi đưa lên máy bay chở luôn về Hà Nội. Phương Tây không có tục làm tang ma như người Việt mình”.
Như duyên nghiệp, sau hai vụ lượm xác máy bay rơi đó, người Kinh sống ở Bắc Yên cứ đến nhờ ông Khiêu làm tang ma, bốc mộ giúp. Tính ông hay nể nang, thế là từ một cán bộ thu thuế, ông trở thành người chuyên bốc mộ lúc nào chẳng hay.
Mời quý độc giả xem video Máy bay Su-34 (nguồn Youtube):