Quan Hà Giang “nhúng tay” vụ nâng điểm thi thế nào?
Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử tại Hà Giang ngày 15/10 đã hé lộ sự liên quan của ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang với vụ gian lận điểm thi ở tỉnh này khi Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang làm rõ ai là người có biệt danh tên Q. đã được Hoài nhắn tin xin chỉ đạo để thực hiện việc nâng điểm thi.
Luật sư Hoàng Văn Hướng hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài rằng Q. là ai, nhưng Hoài chỉ im lặng. Luật sư Hướng cho biết, trong bút lục của cơ quan điều tra, có tin nhắn của Hoài gửi đi vào 10/7/2018 cho Q., và đề nghị Hoài trả lời người này là ai. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Hoài đáp “Tôi không nhớ”. Sau đó, Luật sư Hoàng Văn Hướng đã trích nguyên văn tin nhắn trong bút lục và công khai tại tòa.
|
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài. |
Cụ thể, Hoài đã nhắn tin gửi đến người tên Q. với nội dung: “Em báo cáo anh việc một em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong. Kết quả dữ liệu trên phần mềm thi của Bộ GD&ĐT trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD, nhờ anh Sử (Võ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT) giúp. Việc Lương (Vũ Trọng Lương) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về Sở GD&ĐT là theo điều 26 của Quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ của Phó chủ tịch hội đồng thi và Trưởng ban thư ký. Song, thầy Bình, thầy Sử (Võ Văn Sử), cô Chính (Triệu Thị Chính) đang nâng cao quan điểm và làm khó, có gì anh xem giúp em”. Tin nhắn trả lời lại có nội dung: “Ok, để anh bàn với anh Sử (Võ Văn Sử)”, theo lời của luật sư Hướng.
Sau khi trích bút lục, luật sư Hướng yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Hoài xác minh nhân vật tên Q. là ai. Lần này, bị cáo Hoài mới thừa nhận mình nhắn tin cho ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang.
Tại phiên toà, bị cáo Hoài thừa nhận với HĐXX sau nhiều buổi họp bị tố vi phạm quy chế thi, nên đã nhắn tin cho ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi để “cầu cứu” vì lãnh đạo Sở GD&ĐT "nâng cao quan điểm" khi chuyển bài thi từ trường chuyên về sở.
Trước đó, ông Trần Đức Quý mới chỉ được biết đến với vai trò là người đã nhờ bà Triệu Thị Chính, Phó giám đốc Sở GD^ĐT Hà Giang, nâng điểm thi cho con mình. Bà Chính đã đưa danh sách gồm 13 thí sinh cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT. Hoài đưa cho Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, để thực hiện hành vi nâng điểm. Tại tòa, bị cáoNguyễn Thanh Hoài cũng thừa nhận ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - đã nhờ nâng điểm thi cho thí sinh.
Tại phiên xét xử chiều 15/10, bị cáo Triệu Thị Chính - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phản bác mọi lời khai của cấp dưới là Nguyễn Thanh Hoài.
Theo đó, về lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đối với việc tiếp nhận tờ giấy in danh sách 13 thí sinh nhờ nâng điểm, bị cáo Chính phủ nhận sạch trơn và cho rằng 13 trường hợp này chỉ "nhờ xem điểm" chứ không phải "nhờ nâng điểm".
|
Ông Trần Đức Quý. Ảnh: Thanh Niên
|
HĐXX trích lại biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT khi xảy ra vụ việc. Tại buổi làm việc này, bị cáo Chính cũng đã giải trình và ký vào biên bản. Trong biên bản này có nêu tên, tuổi cụ thể của 13 thí sinh, cũng như phụ huynh. Trong đó, có 2 trường hợp đáng chú ý gồm thí sinh Lưu Thuỷ Tiên, con của bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hà Giang. Biên bản do bà Chính giải trình nêu rõ: “Bà Chiên nhắn tin có thể qua zalo hoặc tin nhắn qua số điện thoại thường dùng của bà Chiên”.
Trường hợp thứ hai là thí sinh Triệu Ngọc Mai, con của ông Triệu Tài Vinh. Biên bản cũng ghi rõ lời bà Chính: “Trong cơ quan, nhiều người biết có con đồng chí Triệu Tài Vinh thi năm 2018. Mọi người có lúc trao đổi ngoài lề với nhau, đồng chí Vũ Văn Sử có nhắc con Bí thư đấy, bà Chính nói em biết rồi”.
Tuy nhiên, tại phiên xử sáng 16/10, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài lại khẳng định, những lời khai của chị Chính trước toà là không đúng sự thật vì “chị Chính đưa cho tôi danh sách thí sinh tại phòng thư ký chỉ có 2 người. Chị Chính nói rằng đây là danh sách của con em lãnh đạo đồng nghiệp nhờ nâng điểm môn Văn, và chị Chính đọc cho tôi điểm của từng người theo thứ tự từ 1 đến 5. Sau đó, chị đọc cho tôi số báo danh 0500582. Tôi hỏi thi môn gì, chị Chính nói thi Toán, Lý, Anh nên tôi ghi vào tờ giấy đó”.
“Tất cả những lời khai của tôi với cơ quan điều tra, VKS và lời khai trước tòa là sự thật. Nếu tôi không tôn trọng sự thật, tôi đã có thể có những phương án trả lời khác. Ví dụ, tôi có thể đổ lỗi cho chị Chính là chỉ đạo tôi nâng điểm cho Triệu Ngọc Mai (con cựu Bí thư Triệu Tài Vinh - PV), cho Phạm Tuấn Minh (con cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông)… Nếu tôi không tôn trọng sự thật thì chắc chắn chị Chính cũng sẽ giống như tôi 448 ngày không nghe tiếng chim hót. Tôi tôn trọng sự thật là chị Chính nhờ tôi nâng điểm môn ngữ văn” – bị cáo Hoài nói.
Cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến có vai trò gì vụ gian lận điểm thi
Tại phiên xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Sơn La – người nhận nhận "đặt hàng" nâng điểm đến 39 thí sinh khai, trước khi diễn ra kỳ thi khoảng nửa tháng, bị cáo Trần Xuân Yến, khi đó là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã trao đổi ý đồ này với Nga.
Cụ thể theo lời khai bị cáo Nga, bị cáo Trần Xuân Yến có gọi Nga vào phòng hỏi để nâng bài thi trắc nghiệm thì làm thế nào? Vì theo Yến nói, trong kỳ thi này có con em của một số lãnh đạo trong Sở.
Khi đó bị cáo Nga trả lời Yến: “Chỉ có cách là tôi xóa, sửa bài thi; túi bài thi không được niêm phong và phải có sự hỗ trợ của bên công an (làm nhiệm vụ bảo vệ, giám sát trong kỳ thi) để lấy bài thi thì mời nâng điểm được”.
“Nội dung trao đổi với Yến diễn ra vào trước kỳ thi khoảng hơn 10 ngày tại phòng làm việc của bị cáo Yến. Ngoài 2 người không có ai biết”, lời bị cáo Nga khai.
Bị cáo Nga khai rằng, bị cáo không tự nhiên trao đổi mà được anh Yến hỏi có một số trường hợp con cháu trong sở và trường hợp của sếp, ở đây là ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT - PV) cần nâng điểm.
|
Bị cáo Trần Xuân Yến. Ảnh: VTC. |
Nói về động cơ sửa bài,nâng điểm thi, bị cáo Nga trả lời do cả nể và quan hệ cấp trên cấp dưới. "Bị cáo không có quyền, mọi người đưa bắt buộc phải cầm danh sách và thực hiện. Quan hệ cấp trên cấp dưới, cấp trên đã đưa thì không thể không làm. Cấp trên ở đây là anh Yến, anh Hưng, chị Nhàn, anh Hà tất cả đều là cấp trên. ", bị cáo Nga nói.
Khai tại tòa, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn, nguyên là Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nói rằng, trong việc các bị cáo thống nhất về nhà bị cáo Thủy sửa bài thi, về mặt thời gian và địa điểm sửa bài thi thì bị cáo Sọn hoàn toàn bị động. “Khi mọi người nói là đi sửa bài cho Sếp (theo bị cáo hiểu là Trần Xuân Yến), vì nể nang mà tôi đã đánh mất mình, làm việc không đúng trách nhiệm”, bị cáo Sọn nói.
“Có hôm tôi đang làm việc thì Nga nhắn tin nói là “đi sửa bài cho Sếp”. Khi Nga nói, đi sửa bài cho Sếp, tôi nghĩ là nhiệm vụ, mọi người làm, tôi không thể không làm”, bị cáo Sọn khai tiếp.
Tại tòa, bị cáo Trần Xuân Yến phủ nhận về hành vi sai phạm trong cáo trạng, cũng như các lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn. Bị cáo Trần Xuân Yến khai không nhận nâng điểm cho 13 thí sinh. Bị cáo chỉ chuyển danh sách cho Nguyễn Thị Hồng Nga nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.
Bị cáo Yến cho biết sở dĩ có danh sách này là vì ngày 28/6, ông Hoàng Tiến Đức đưa cho bị cáo 2 tờ danh sách để nhờ xem điểm và một số trường hợp khác. Nói về 8 trường hợp thí sinh mà ông Hoàng Tiến Đức gửi danh sách “nhờ xem điểm”, bị cáo Yến cho biết: “Bị cáo biết mục đích thủ trưởng nhờ xem trước điểm thi nhưng không nói mục đích là gì. Mong muốn của gia đình chỉ là biết điểm sớm cho cháu”.
Chủ tọa truy vấn cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La nhờ xem điểm là xem như thế nào? Ông Yến giải thích nghĩa là xem trước kết quả thi mà lẽ ra phải đến ngày 11/7 Bộ GD&ĐT mới công bố.
Lý giải về việc nhờ xem kết quả thi trước ngày Bộ GD&ĐT công bố, bị cáo Yến cho biết: "Bị cáo nói do nể nang thủ trưởng và đồng nghiệp nên chuyển thông tin các thí sinh cho bà Nga để xem điểm trước. Mong muốn của các gia đình chỉ là biết sớm điểm cho các cháu".
Đáng chú ý theo cáo trạng, sau khi biết tổ công tác của Bộ GD&ĐT phát hiện việc sao lưu dữ liệu trong máy tính, sợ bị phát hiện, ông Yến mang 16 đĩa CD ra nghĩa trang tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy.
Khai trước HĐXX, ông Yến khẳng định việc in sao được thực hiện vào ngày 18/7, tức sau 7 ngày công bố điểm thi, khi đó tài liệu không còn là mật nên không ảnh hưởng gì. Hơn thế, việc in sao là để bảo vệ dữ liệu chứ không có mục đích nào khác. Đến tối 19 và sáng 20/7, khi Bộ GD&ĐT kiểm tra, tất cả dữ liệu của kỳ thi còn nguyên vẹn trên máy. Nhận thức các đĩa CD in ra không còn giá trị gì nữa, nếu để lại sẽ nguy hiểm nên bị cáo quyết định tiêu hủy. Việc tiêu hủy diễn ra vào trưa 20/7, tại nghĩa trang tỉnh Sơn La, không ai biết.
Đồng thời, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khẳng định bản thân không được hưởng bất cứ lợi ích vật chất hay tinh thần nào từ việc nhờ xem điểm.
Đáng chú ý, bị cáo Nga cũng khai đã nhận của ông Nguyễn Duy Hoàng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La 1 trường hợp là con gái ruột của ông này. “Ông Hoàng trao đổi miệng tại phòng làm việc của bị cáo và nhờ nâng điểm cao cho con gái mình, khoảng 27 điểm”, bị cáo Nga khai nhận.