"Sau khi tháo băng, mắt của tôi không nhìn thấy gì nữa"
Ngày 16-2-2018, chúng tôi gặp bốn bệnh nhân gồm: ông Mai Văn Tiệm (68 tuổi), bà Lê Kim Trang (73 tuổi), ông Võ Văn Trung (65 tuổi) và ông Mai Ngọc Tộ (49 tuổi, đều ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) tại Văn phòng Công ty luật B.C.M - đại diện và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bốn bệnh nhân này ở đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh; cả bốn bệnh nhân từ quê lên bổ sung hồ sơ và làm việc với luật sư bảo vệ miễn phí cho quyền lợi của họ. Tỏ ra mệt mỏi, cả bốn người hầu như đều giãi bày nội dung khiếu kiện gần giống nhau, phần khác biệt chỉ ở số tiền đòi bồi thường.
|
Bốn bệnh nhân đã nộp đơn khởi kiện Bệnh viện Quận 10 ra tòa. |
Ông Võ Văn Trung kể lại sự việc, theo đó vào ngày 12-6-2017, một đoàn từ thiện đưa 6 người từ Trạm y tế xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước lên Bệnh viện Quận 10 (đường Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10, TP Hồ Chí Minh để mổ đục thủy tinh thể miễn phí.
Ông Trung và ba bệnh nhân kể trên được mổ vào ngày 13-6-2017, mổ cùng phòng, cùng Bác sĩ mổ là Thái Xuân Đào (Bệnh viện Quận 10), cùng được mổ mắt bên phải. Và đặc biệt, cả bốn bệnh nhân này sau khi được mổ đều gần như không nhìn được nữa.
Ông Trung kể thêm: "Thời điểm sau khi mổ xong, chúng tôi được nằm nghỉ đợi 2 giờ sau để tháo băng. Sau khi tháo băng, tôi phát hiện mắt của mình không nhìn thấy gì nữa. Thấy tình trạng của tôi như vậy nên BS. Thái Xuân Đào đã bố trí cho chúng tôi nghỉ ngơi tại bệnh viện trong thời gan 1 ngày 1 đêm để kiểm tra.
Hết thời gian đó, mắt của tôi không có dấu hiệu khả quan hơn so với lúc tháo băng, vẫn không nhìn thấy gì. Nhưng sau đó, bác sĩ vẫn cho tôi về và hẹn ngày 20-6-2017 tái khám. Về nhà, tôi thấy tình trạng thị lực của tôi kém hơn rất nhiều so với khi chưa mổ.
Tôi đến Bệnh viện Quận 10 để trình bày về tình trạng của mình vào ngày 26-6-2017 thì BS. Thái Xuân Đào báo với tôi là Bệnh viện Quận 10 không đủ thuốc để điều trị. Sau đó, BS. Thái Xuân Đào đã viết vài dòng chữ trong sổ khám bệnh của tôi, cụ thể như sau: "Chuyển đến Bệnh viện Mắt: 280 Điện Biên Phủ, quận 3, TP Hồ Chí Minh, gặp bác sĩ Ch., phòng số 2…".
Nghe lời dặn của vị bác sĩ, ông Trung đã qua Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh để gặp bác sĩ Ch. thì Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh thông báo là phải có giấy chuyển viện. Còn muốn được khám thì phải lấy số thứ tự. Nóng lòng được khám nên ông Trung đã lấy số thứ tự và yêu cầu được bác sĩ Ch. trực tiếp khám cho. Sau khi kiểm tra mắt cho ông Trung, bác sĩ Ch. nói: "Có thể không phục hồi được".
"Tính đến thời điểm hiện nay, mắt tôi không có dấu hiệu phục hồi mà còn tệ hơn. Theo kết quả chỉ định chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh - Khoa Kỹ thuật cao ngày 26-7-2017 chẩn đoán đôi mắt của tôi là: "Võng mạc cực sau không đều; Pha lê thể vẫn đục rải rác; Trục nhãn cầu trái ngắn hơn nhãn cầu phải; Nhãn cầu mềm mất tương lực". Kết quả tôi chỉ nhìn thấy những vật ở gần, chỉ nhìn thấy màu sắc chứ không nhìn rõ được hình ảnh, đường nét. Sức khỏe, thị lực và tinh thần của tôi bị sụt giảm nghiêm trọng", ông Trung giãi bày.
Bức xúc trước sự việc, ngày 10-8-2017, ông Trung đã gửi đơn đến Bệnh viện Quận 10 để khiếu nại. Gần một tháng sau, ngày 7-9-2017, Bệnh viện Quận 10 đã ra Thông báo số 415/TB-BV về giải quyết đơn khiếu nại của ông Trung và ba bệnh nhân trên.
Theo đó, hội đồng chuyên môn tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại của bốn bệnh nhân này do một bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh làm Chủ tịch hội đồng. Nội dung kết luận của hội đồng chuyên môn: Bệnh viện Quận 10 đã làm đúng quy trình, BS. Thái Xuân Đào không sai sót trong phẫu thuật cho bốn bệnh nhân. Việc phù giác mạc là trường hợp xảy ra không mong muốn đã được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cho bốn bệnh nhân trước ca mổ và được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án…
Sau khi nhận thông báo kết luận trên, bốn bệnh nhân đều cho rằng nội dung giải quyết khiếu nại của Bệnh viện Quận 10 là không thỏa đáng, không thừa nhận sai sót và thiếu trách nhiệm. Hiện tại tình trạng sức khỏe của ông bị suy sụp, các sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn, không còn thu nhập hàng tháng do mất khả năng lao động.
Vì thế, nhằm bù đắp một phần những thiệt hại mà ông phải gánh chịu, ông (và ba bệnh nhân) đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận 10 để yêu cầu Bệnh viện Quận 10 phải bồi thường vật chất do mất sức lao động, mất thu nhập và bồi thường tinh thần cho ông số tiền hơn 3,6 tỷ đồng tính từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2027.
Mổ mắt thay cườm không đảm bảo kỹ thuật?
Ngoài ông Trung thì ba bệnh nhân còn lại là ông Mai Văn Tiệm, bà Lê Kim Trang và ông Mai Ngọc Tộ đều bị tình trạng giống như ông Trung. Tuy nhiên, mỗi người đề nghị mức bồi thường khác nhau - tùy vào công việc và hoàn cảnh của mỗi người.
Như ông Mai Ngọc Tộ yêu cầu Bệnh viện Quận 10 bồi thường 620 triệu đồng; ông Mai Văn Tiệm đòi bồi thường 1,1 tỷ đồng và bà Lê Kim Trang yêu cầu bồi thường 404 triệu đồng. Cả bốn bệnh nhân đều có đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí, án phí và đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận 10 trưng cầu giám định y khoa để làm cơ sở giải quyết vụ việc.
Trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh (đại diện cho Bệnh viện Quận 10 - bị đơn), cho rằng mắt của bốn bệnh nhân có chỉ định phải mổ vì đục thủy tinh thể quá nặng đã nhiều năm nhưng họ không có tiền để mổ; hơn nữa, có bệnh nhân còn bị tiểu đường nặng.
Khi mổ, nếu gặp may thì mắt họ sáng, còn không thì sẽ không sáng lắm. Tuy nhiên, sau khi mổ, những bệnh nhân này không thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, cụ thể: mắt mổ xong phải tĩnh dưỡng, uống thuốc và tái khám.
Nhưng các bệnh nhân không thực hiện đúng, không tái khám đúng hẹn… nên mắt của họ mới bị như vậy! Còn các bác sĩ đã mổ đúng quy định, quy trình và cũng làm từ thiện không lấy tiền. Bệnh viện cũng đã rất có trách nhiệm khi tổ chức xe đưa đón bệnh nhân tận Long An. Việc bốn bệnh nhân đòi bồi thường số tiền cao như vậy là không có cơ sở.
Trong khi đó, Luật sư Bùi Trọng Hiển, Công ty Luật B.C.M - đại diện và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bốn bệnh nhân (nguyên đơn) thì cho rằng căn cứ pháp lý để kiện là: Bệnh viện Quận 10 đã làm hư mắt bốn bệnh nhân được mổ cùng một bác sĩ, cùng một bệnh viện và cùng một ngày.
Ở đây có thể có lỗi về kỹ thuật, trình độ tay nghề bác sĩ, hoặc nghi ngờ thủy tinh thể nhân tạo không đạt chất lượng hay quá hạn sử dụng, điều này sắp tới các bệnh nhân sẽ được giám định. Như vậy, lỗi bệnh viện gây ra là hoàn toàn có cơ sở.
"Có những cái rất vô lý như họ nói các bệnh nhân không thực hiện đúng phác đồ điều trị vì họ luôn khám đầy đủ. Nhưng hai tiếng sau khi mổ, bỏ băng ra là các bệnh nhân đã không thấy rồi, chính vì thế họ mới phải giữ bệnh nhân lại 1 ngày 1 đêm, chứ thông thường họ sẽ cho về ngay sau đó. Đến hôm sau cũng vẫn không thấy gì. Bác sĩ bảo cứ về cho thuốc uống rồi 1 tuần sau tái khám. Và đúng 1 tuần sau, họ đã lên khám đúng hẹn, không thể bảo rằng họ tái khám sai hẹn được, đó là nói sai sự thật. Ngoài ra, thông tin họ cho rằng có bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cũng là sai và thiếu căn cứ; vì thực tế bốn bệnh nhân đều không bị tiểu đường và cả bốn người đều đạt yêu cầu sức khỏe nên họ mới cho mổ", Luật sư Hiển nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, dù trong hầu hết các ca phẫu thuật, bệnh nhân đều có làm giấy cam kết, nhưng không có nghĩa là bác sĩ dựa vào đó để không có trách nhiệm với ca mổ của mình, vì ca mổ nào cũng phải đảm bảo kỹ thuật y khoa và lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
Đặc biệt, không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên tất cả bốn người mổ đều bị tình trạng gần như không thấy gì như vậy. Có lẽ đã có sai sót gì đó", Luật sư Bùi Trọng Hiển giải thích thêm.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện của bốn bệnh nhân trên, hiện Tòa án nhân dân quận 10 đã có thông báo thụ lý vụ kiện này.