Lợi dụng là địa điểm được trưng dụng xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các tài xế "luồng xanh", bến xe Nước Ngầm đã ngang nhiên tổ chức tập kết, bốc xếp hàng hóa có thu tiền trái quy định.
Kiểm tra nhưng không xử lý?
Như Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh, mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 nhưng gần 1 tháng qua, lợi dụng một phần diện tích bến được Hà Nội trưng dụng làm điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các tài xế "luồng xanh" từ các địa phương về Hà Nội, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tổ chức tiếp nhận xe tải, tập kết, bốc xếp hàng hóa, thu tiền trái quy định. Thậm chí, hoạt động tại bến không đảm bảo các điều kiện giãn cách và an toàn phòng chống dịch khiến nguy cơ bùng phát COVID-19 tăng cao.
|
Hoạt động tập kết, bốc xếp hàng hóa trái quy định diễn ra công khai tại bến xe Nước Ngầm. |
Ngày 25/8, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại diện bến xe Nước Ngầm thừa nhận, bến xe Nước Ngầm được trưng dụng làm điểm test COVID-19 cho các tài xế chứ không được tổ chức là nơi tập kết, bốc dỡ hàng hoá.
“Mỗi ngày chỉ có 6-8 xe tập kết, bốc dỡ hàng hoá trong bến. Một phần là họ bộc phát, phần lại là chúng tôi ưu tiên, tạo điều kiện để hoạt động vì trước đây họ là những xe khách tuyến cố định thân quen có hợp đồng xếp lốt với bến từ trước dịch" - vị lãnh đạo bến xe Nước Ngầm nói.
|
Đại diện lãnh đạo bến xe Nước Ngầm thừa nhận bến xe chỉ được trưng dụng làm điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 chứ không được tập kết hàng hóa. |
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của PV, mỗi ngày có hàng trăm xe tập kết, bốc dỡ hàng hoá tại bến xe Nước Ngầm. Các xe đều in biển tên nhà xe, có mã QR luồn xanh và dòng chữ “giao nhận hàng". Tất cả vào bến đều phải mất phí cho chủ bến.
Để vào bến nhận hàng, shipper và người dân buộc phải lấy thẻ gửi xe với chi phí 10 nghìn đồng/lượt và không được khai báo y tế, mặc cho ngay gần cổng bến có bàn khai báo nhưng không có nhân viên túc trực. Các hình thức đảm bảo phòng dịch ở mức tối thiểu như đo thân nhiệt, sát khuẩn, quét mã QR code cũng không được bến xe triển khai.
Đáng chú ý, vào khoảng 11h ngày 25/8, tại bến xe Nước Ngầm có lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) và công an phường Hoàng Liệt đến kiểm tra nhưng hoạt động tập kết, bốc xếp hàng hóa trái quy định vẫn công khai diễn ra và không bị xử lý.
Thậm chí, khi PV hỏi vì sao không xử lý vi phạm, một cán bộ TTGT trả lời: "Những xe tải này là của các nhà xe vận tải hành khách vào đây để giữ lốt từ trước. Họ vào đây để test COVID-19 thôi" (?!).
|
Cán bộ TTGT và Công an phường kiểm tra nhưng không xử lý vi phạm?. |
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, bến xe Nước Ngầm gần khu cách ly Tứ Hiệp, là “vùng vàng”, “vùng cam”, vấn đề kiểm soát an toàn phòng chống dịch cần được thực hiện rất nghiêm ngặt và gắt gao.
Cũng theo ông Liên, việc bến xe Nước Ngầm không được trưng dụng là nơi tập kết, bốc dỡ hàng hoá, nhưng vẫn thực hiện việc đó thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh và xử lý.
Được biết,
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2704/UBND-KT về bố trí 5 địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian chống dịch COVID-19 gồm: Khu Công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) và Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).
Vi phạm quy định phòng chống dịch
Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, việc tập kết hàng hoá chui tại Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã vi phạm nhiều quy định. Trong đó, có vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh bị cấm để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội; Vi phạm quy định về giãn cách, khi để tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, vi phạm các quy định về biện pháp khai báo y tế, sát khuẩn, khiến tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với những hành vi nêu trên, bến xe Nước Ngầm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20-40 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức); Hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại nơi công cộng (quy định theo điểm C, khoản 3, điều 12 về vi phạm quy định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, Nghị định 117 năm 2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Luật sư Vũ Tuấn, văn phòng luật Hương Việt cũng cho rằng, nếu hoạt động trên làm lây lan dịch bệnh, những người có trách nhiệm liên quan sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.
"Cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như UBND phường, Sở giao thông vận tải, Thanh tra giao thông..." - luật sư Vũ Tuấn bày tỏ quan điểm.