Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết đang mở rộng điều tra về một số vụ việc liên quan đến Nhâm Hoàng Khang (SN 1987, ngụ quận Tân Bình) ngoài hành vi “cưỡng đoạt tài sản” số tiền 400 triệu đồng của một số người đứng sau trang mạng cờ bạc. Nguồn tin cho biết, đã có một số đơn thư tố cáo Nhâm Hoàng Khang lợi dụng sơ hở trong quản lý, lưu giữ dữ liệu, bảo mật thông tin của các nhân, tổ chức, đã đánh cắp thông tin để dùng vào mục đích cá nhân hoặc công bố ra ngoài...
|
Nhâm Hoàng Khang. |
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, ngoài hành vi Cưỡng đoạt tài sản, CQĐT cũng sẽ làm rõ hành vi của Khang trong thời gian gần đây đối với các thông tin về việc người này đã đột nhập vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để lấy thông tin. Hành vi này là hành vi vi phạm bí mật thư tín, điện tín, điện thoại. Những hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, hành vi xâm phạm tài khoản sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác.
Về xử lý hình sự, hành vi này có dấu hiệu “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS). Điều luật này quy định người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất đối với tội danh này lên đến 12 năm.
Về dân sự, tài khoản cá nhân và Facebook nói riêng được pháp luật bảo vệ quyền riêng tư nên nếu bị thiệt hại người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường về mặt dân sự.
Nhâm Hoàng Khang vốn là một lập trình viên, về lĩnh vực này, Khang được biết đến khi đạt được một số thành công nhất định như: tạo ra các phần mềm hỗ trợ trên iPhone, Ipad; đưa eSim vào iPhone Lock, là dạng sim tích hợp nhiều chức năng, thuận tiện cho người dùng điện thoại…
Tuy nhiên, Nhâm Hoàng Khang từng có tiền án “tàng trữ trái phép chất ma tuý”, phải thụ án 3 năm tù và chấp hành xong hình phạt vào năm 2018. Khi trở về địa phương, Nhâm Hoàng Khang tiếp tục với công việc của một lập trình viên.
Nhâm Hoàng Khang được biết đến vào thời điểm bà Nguyễn Phương Hằng tố “thần y” Võ Hoàng Yên trong các buổi livestream trên mạng xã hội.
Khi đó Nhâm Hoàng Khang đã nhanh chóng tìm ra chủ nhân nick Facebook “Vô Thường”, tài khoản thường xuyên bình luận bôi nhọ, công kích bà Nguyễn Phương Hằng.
Giai đoạn ban đầu, trong các livestream bà Nguyễn Phương Hằng gọi Nhâm Hoàng Khang với biệt danh là “Cậu IT”.
Ở thời điểm gần cuối tháng 5, sau loạt tố ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, bà Nguyễn Phương Hằng gọi tên danh hài Hoài Linh trong việc "ngâm" khoản tiền 14 tỷ đồng. Nhưng trước đó Nhâm Hoàng Khang là người đầu tiên nêu lên việc này khi có chứng cứ Hoài Linh chưa giải ngân khoản tiền từ thiện sau nhiều tháng.
Nhâm Hoàng Khang bị cho là đã công bố những cuộc trò chuyện, trao đổi riêng tư của nhiều nghệ sĩ với nhau, có những thông tin gây ảnh hưởng đến những cá nhân.