Điều này được thể hiện rõ trong ngày thứ 3 phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án thất thoát 800 tỷ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đang gây nóng dư luận những ngày này.
Vừa xin lỗi thuộc cấp, vừa đổ trách nhiệm
Khi luật sư đặt câu hỏi về việc trong quá trình trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông Thăng có khai rằng do không yêu cầu báo cáo, kiểm tra nên bị cáo Nguyễn Xuân Thắng và một số bị cáo khác đã ban hành nghị quyết góp vốn lần ba vào OceanBank, dẫn đến hậu quả như hôm nay. “Có phải ông nhận lỗi vì sai sót của mình không?, luật sư Trang hỏi.
Ông Thăng khai thời điểm đó ông đi công tác và có ủy quyền cho ông Thắng điều hành công việc ở nhà. Về nghị quyết 4266, vì đi công tác nên ông Thăng không liên quan, không biểu quyết, cũng không ủy quyền cho ông Thắng trong việc ký nghị quyết này. Sau khi đi công tác về, ông không nhận được báo cáo của ông Thắng về việc này.
|
"Bị cáo lúc đó đang sung sức, chưa thể mất trí nhớ được". Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ |
"Bị cáo không yêu cầu anh Thắng phải báo cáo và anh Thắng cũng không báo cáo. Xin lỗi các anh em, tôi không cố ý đổ trách nhiệm, nhưng tháng 2, bị cáo đã họp và chỉ đạo phải thoái vốn của PVN ở Oceanbank để phù hợp với tỷ lệ sở hữu. Mới tháng 3 bị cáo chỉ đạo thoái vốn mà đến tháng 5/2011, khi anh Thắng báo cáo, bị cáo lại đồng ý cho chuyển vốn lần 3 thì hoàn toàn vô lý. Bị cáo lúc đó đang sung sức, chưa thể mất trí nhớ được", bị cáo Đinh La Thăng gay gắt.
Không dừng lại ở đó, cựu chủ tịch HĐTV/HĐQT PVN tiếp tục nói “hết sức xin lỗi” ông Nguyễn Xuân Thắng.
“Thực tế tại phiên tòa, bị cáo đã nêu, nếu giả sử việc góp 100 tỉ là sai thì bị cáo nhận trách nhiệm trước hết là người đứng đầu và là người ủy quyền, nhận trách nhiệm thay cho các anh khác khi ký nghị quyết này. Bị cáo hiểu việc góp vốn 100 tỉ là chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Nhưng qua mấy ngày hôm nay, bị cáo cũng biết việc góp này đã nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương…”, ông Thăng nói thêm.
Cơ hội làm ma tự do của ông Thăng có còn?
Mặc dù rất gay gắt tuyên bố mình không “mất trí nhớ”, thế nhưng cơ quan điều tra xem ra có đủ bằng chứng chứng minh sai phạm của ông Thăng trong việc chấp thuận cho PVN góp vốn hàng trăm tỷ vào OceanBank.
Cáo trạng của CQĐT nêu rõ, trong lần thứ 3, PVN góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank theo nghị quyết số 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank. Tại thời điểm này, luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.
Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định. Cáo trạng cũng cho biết, người ký nghị quyết số 4266 chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank là ông Nguyễn Xuân Thắng (thành viên Hội đồng thành viên PVN) do ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐTV) đi công tác.
Tuy nhiên, theo lời khai của ông Thắng tại cơ quan điều tra, sau khi ông Thăng đi công tác về, Thắng đã báo cáo ông Thăng về việc ký nghị quyết 4266, để PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nhưng ông Thăng không có chỉ đạo gì, mà đồng ý để thực hiện. Tài liệu thu giữ tại PVN cũng thể hiện, bộ phận thư ký HĐTV PVN đã gửi bản chính nghị quyết 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011, có bút phê nội dung: “b/cáo a.Thăng (R) 18/5” để báo cáo ông Đinh La Thăng biết.
Cáo trạng cho rằng, ông Đinh La Thăng biết rõ HĐTV PVN đã ban hành nghị quyết số 4266, bổ sung góp vốn 100 tỷ đồng vào Oceanbank và đồng ý với việc này của HĐTV. Ngoài ra, cùng ngày ký ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Đinh La Thăng còn ký quyết định số 1329/QĐ-DKVN, phân công bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank.