Chiều 23/5, Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đang tạm giữ 6 bảo vệ của một khu nghỉ dưỡng đóng trên địa bàn xã Cửa Cạn về hành vi cố ý gây thương tích.
Thông tin ban đầu cho thấy, ngày 18/5, nhóm du khách đến khu vực Hòn Móng Tay thuộc xã Cửa Cạn tắm biển và giăng lưới bắt cá. Sau đó, nhóm du khách có lời qua tiếng lại với lực lượng bảo vệ của resort đóng ở khu vực Hòn Móng Tay.
|
Bảo vệ khu nghỉ dưỡng cầm gậy xông xuống biển đánh người. |
Đáng chú ý, sau đó, nhiều bảo vệ đã cầm gậy lao xuống biển rượt đánh những người giăng lưới khiến những người này chạy lên bờ. Tuy nhiên, nhóm bảo vệ này cùng với một nhóm khách tiếp tục rượt đánh khiến 2 du khách bị gãy tay, đang được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Phú Quốc.
Công an TP Phú Quốc đang điều tra nên chưa cung cấp danh tính các bảo vệ đánh nhóm du khách bị trọng thương. Tuy nhiên, sự việc được một clip ghi lại khiến nhiều người bức xúc về hành vi của nhóm bảo vệ.
Clip ghi lại vụ việc. Nguồn: NLĐ
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, qua thông tin ban đầu vụ việc, hành vi của 6 bảo vệ rõ ràng có sự sai trái và vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Tùng, sự việc xuất phát từ mục đích ngăn cản những khách du lịch bắt cá, các bảo vệ đã ra tay đánh người khiến 2 nạn nhân bị gãy tay. Dù việc bắt cá của khách du lịch có thể là sai, nhưng việc cố ý gây thương tích như trên là vi phạm pháp luật.
Để có căn cứ xử lý hành vi của nhóm bảo vệ trên theo điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, việc xác định tỷ lệ thương tích của các nạn nhân là vô cùng quan trọng để xác định khung hình phạt.
|
Nhóm bảo vệ cầm gậy gộc chặn đường nạn nhân trên bờ. |
Đồng thời luật sư Hoàng Tùng cho rằng, 6 bảo vệ thực hiện hành vi nêu trên khi đang là người lao động cho khu du lịch, vì vậy cũng cần xem xét trách nhiệm của chủ khu du lịch trong vấn đề này.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cần xác định xem 6 bảo vệ nêu trên thực hiện hành vi đã có hợp đồng lao động chưa? Có phải tất cả đều đang thực hiện công việc và trong giờ làm việc của mình hay không?
Trường hợp cả 6 bảo vệ nêu trên đang trong giờ làm việc của mình, thực hiện công việc của mình mà gây thương tích cho người khác trong khi thực hiện nghĩa vụ của mình, người sử dụng lao động (có thể là chủ khu du lịch) sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.