Bão số 12 Etau vào Việt Nam: Dân có nên thủ sẵn nhà nổi chống lụt?

Google News

(Kiến Thức) - Bão số 12 đã tiến vào vùng biển Bình Định - Ninh Thuận. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ nay đến 12/11, các tỉnh Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa lớn, nguy cơ ngập lụt. Dư luận đặt câu hỏi, người dân có nên thủ sẵn nhà nổi để chống lụt?

Trung tâm Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sáng 10/11 cho biết, bão số 12 có xu hướng mạnh lên khi đạt sức gió cấp 9, giật cấp 12. Lúc 4h sáng, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, tâm bão qua tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến ngày 12/11, từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa có mưa lớn với lượng phổ biến 200-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm. Riêng Quảng Bình, phía nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt.
Bao so 12 Etau vao Viet Nam: Dan co nen thu san nha noi chong lut?
Nhà phao chống lũ ở Quảng Bình. Ảnh: Báo Văn hóa. 
Mưa lũ miền Trung những ngày qua đã khiến hàng trăm nghìn nhà dân bị ngập, nhiều người chết và mất tích, thiệt hại lớn về tài sản. Do đó, trước nguy cơ lũ lụt tiếp tục xuất hiện do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và những cơn bão tiếp theo, nhiều ý kiến tiếp tục nhắc đến sự cần thiết của nhà an toàn chống lũ, nhà nổi chống lụt và cho rằng, người dân nên thủ sẵn những ngôi nhà này.
Hiện nay, nhà chống lũ có 3 loại chính: nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác. Mức giá hoàn thiện từng căn nhà chống lũ an toàn giao động từ 80 đến 180 triệu đồng. Trong đó, nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ, phần kinh phí còn lại các hộ dân sẽ huy động nguồn lực riêng và có thể tận dụng nhân công, vật liệu để giảm mức phí. Số tiền không quá lớn so với những thiệt hại, mất mát mà người dân phải trải qua mỗi khi lũ về.
Hiệu quả của những căn nhà chống lũ đã được chứng minh trong đợt mưa lũ vừa qua. Những căn nhà phao – nhà nổi chống lụt tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân dù lũ lên cao, nước ngập sâu và thực sự trở thành “phao cứu sinh” đối với người dân.
Ngoài nhà phao, còn có nhà lõi chống lũ. KTS Ngô Doãn Đức khi nói về mô hình “nhà lõi” cho biết, đây là phần căn bản nhất của một ngôi nhà chống lũ. Người dân sẽ không phải chạy đi trốn lũ mà sẽ ở trên cao, tránh lũ tại chỗ. Những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt, thậm chí cả những tài sản lớn như trâu, bò cũng có thể đưa lên tầng cao để chờ bão lũ đi qua. Nhà lõi có diện tích nhỏ, có kết cấu dạng khung cứng, được tính toán chống bão và vượt các mức lũ khác nhau. Theo thiết kế, các hộ dân sử dụng có thể tự dịch ra, xê vào nhà lõi so với nhà hiện có và các hạng mục khác một cách thích ứng nhất, để nhà lõi thực sự trở thành một phần của ngôi nhà, an toàn trong bão, lũ.
PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội – người đã có thiết kế đạt giải A tại một cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cho biết, việc xây một chòi độc lập bằng khung bê tông cốt thép ngay trong khuôn viên đất của gia đình cũng là một giải pháp chống lũ hiệu quả.
Theo đó, khung có cấu tạo hình lập phương, kích thước 3m x 3m, chiều cao khoảng 3-3,5m; đặt chồng lên nhau thành khối 2 tầng. Theo tính toán, mức ngập lụt ở vùng Hương Khê (Hà Tĩnh) tối đa 3m nên chiều cao này là đảm bảo. Cột 15cm x 15cm bằng bê tông đúc sẵn. Khung nhà đáp ứng mong muốn tối thiểu của ngôi nhà chống lũ lụt, hơn nữa nó không chỉ hữu dụng trong những đợt lũ lụt mà với ngày thường nó cũng là một thành phần của ngôi nhà, như để làm nhà kho, bếp, nhà tắm, quán nước...
Khi lũ đến, đồ đạo cần thiết có thể vận chuyển lên nhà khung. Người và gia súc có thể ở an toàn trong 7 đến 10 ngày, trong khi đó, chi phí xây dựng chỉ khoảng 10 triệu đồng.
Liên quan đến ứng phó bão 12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai mới đây đã yêu cầu các tỉnh, thành phố cùng bộ, ngành và cơ quan chức năng, tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó.
Cụ thể, đối với tuyến biển, bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đang còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm khẩn trương di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kể cả các tàu thuyền đã neo đậu tại khu vực tránh trú; lưu ý đối với các tàu vận tải biển, tàu vãng lai neo đậu ở các cửa sông đề phòng lũ lớn; Chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men trên các đảo và các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, chia cắt. Tổ chức bắn pháo hiệu đồng loạt dọc tuyến biển khu vực chịu ảnh hưởng của bão.
Trên đất liền, đơn vị chức năng tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các nhà cao tầng, nhất là các nhà kính dễ xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.
Các tỉnh, thành phố ven biển thông tin đầy đủ, kịp thời cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế về diễn biến của bão bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh. Trong thời gian bão đổ bộ, du khách cần được khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc ra đường khi không cần thiết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quặn lòng những cái chết thương tâm trong mùa mưa lũ ở các tỉnh miền Trung

Nguồn: Saostar

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)