Mất rừng, lũ nhanh hơn, tai họa lớn hơn

Google News

(Kiến Thức) - Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn có do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên khiến lũ lụt đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn...

Mất rừng, đương nhiên lũ nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 khi giải trình làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu về bảo vệ rừng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Xuân Cường thông tin đến nay, tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 ha và rừng trồng hơn 4,3 triệu ha, độ che phủ gần 42% (bình quân của thế giới 29%). Đồng thời nhấn mạnh, đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân vì “chỉ trong 30 năm, chúng ta đã tăng trên 5 triệu ha rừng”.
Ông Cường cho biết, chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng tự nhiên tăng dần qua các năm và đến nay đạt mức 250.000 đồng/ha và Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu nâng lên mức 1 triệu đồng/ha.
Mat rung, lu nhanh hon, tai hoa lon hon
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. 
Đáng chú ý nguồn thu từ bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tăng như phí môi trường rừng một năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, mới đây Việt Nam đã ký thỏa thuận bán 10 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 50 triệu USD dành cho trồng rừng và bảo vệ rừng. Việt Nam đã được thế giới công nhận tham gia phát triển bền vững. Ngoài ra 4,3 triệu ha rừng nguyên liệu đã cung cấp khoảng 30 mét khối nguyên liệu, đáp ứng phần lớn nhu cầu của 4.600 DN chế biến gỗ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 13 tỷ USD trong năm 2020.
Đề cập nội dung trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, khi lý giải về những ảnh hưởng thiên tai vừa qua, có ý kiến giải thích là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở...Tuy nhiên, lý giải đó chưa đủ, khi trong thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn.
"Nhìn vào mưa lũ và hậu quả miền Trung vừa qua càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào" – đại biểu Thắng nêu ý kiến.
Mat rung, lu nhanh hon, tai hoa lon hon-Hinh-2
Đại biểu Hoàng Đức Thắng. 
Vị đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng, trong 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng nhiều, cùng với việc phát triển phục vụ sinh kế khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Độ che phủ rừng hàng năm tuy tăng song không nói lên được nhiều điều về độ che phủ, sức chống chọi thiên tai.
"Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn có do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên khiến lũ lụt đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn", - đại biểu Thắng nhấn mạnh và kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng rừng, nhất là xây dựng thủy điện vừa và nhỏ để có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Mat rung, lu nhanh hon, tai hoa lon hon-Hinh-3
 Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên khiến lũ lụt đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn.
Rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, hậu quả bão lụt, sạt lở càng nặng nề
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói rằng, các con số trên thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề, năm nay hơn năm khác.
Vị đại biểu đoàn An Giang cho biết, vừa trở về từ miền Trung nên ông thấu hiểu tình cảm của cả nước đối với cả khúc ruột yêu thương này. Nhưng thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lức nào trên dải đất hình chữ S nếu không thay đổi.
“Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện "cóc" tiếp tục được duy trì hoạt động thậm chí được cấp phép mới. Sẽ xảy ra những đợt lũ lịch sử, những tang thương nữa” - đại biểu Hiếu nói và đề xuất phải thay đổi cách làm và nhận thấy những sai lầm trong quá khứ dù việc này rất khó; thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết thì dễ nhưng thay đổi trong tư duy là rất khó.
Mat rung, lu nhanh hon, tai hoa lon hon-Hinh-4
 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.
“Mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khoe với khách đến nhà cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương, lim, sến, táu rồi tự huyễn hoặc gỗ này được nhập từ Lào, Myanmar, không phải phá rừng đặc dụng tại Việt Nam” - đại biểu đoàn An Giang nêu ý kiến.
Dẫn ví dụ từ Philipines - một quốc gia chịu nhiều bão nhất Đông Nam Á, ông Hiếu cho rằng, Philipines giữ rừng già, giữ ngọn núi cao còn hơn con ngươi của mắt mình. Bởi họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để giữ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào rừng già, dãy núi của Philipines đã bị giảm cấp là một thí dụ rất rõ ràng.
“Bảo vệ môi trường phải thay đổi từ tư duy, tư duy bắt đầu từ giáo dục. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động, hướng thiện là vô cùng khó khăn. Chúng ta hình dung một cháu bé vào lớp 1 với cuốn sách giáo khoa chưa học đã phải thay đổi, sửa chữa đính chính; một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật” - ông Hiếu nói và tin rằng, Việt Nam sẽ có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh- Thủy Tiên. Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, truyền thống của dân tộc. Từ đó, đại biểu Hiếu cho rằng, chỉ nên suy nghĩ tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng được nhân rộng.
Khẳng định bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm, quy luật của thiên nhiên, ông Hiếu cho rằng, không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm nay qua năm khác. “Chúng ta phải có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực” - ông Hiếu nói và cho rằng cần tập trung cập nhật bản đồ sạt lở các tỉnh thành phố trong cả nước, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung cho người dân tránh nạn khi lũ lụt...
Quy hoạch tác động đến tự nhiên “một cách có chủ đích"
Nhận định quy hoạch vừa qua có tác động đến tự nhiên “một cách có chủ đích”, phá vỡ và phát triển trái quy luật tự nhiên, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã phá vỡ đáng kể tỷ lệ diện tích rừng, làm đất đá dễ xói mòn, gây nguy cơ lũ quét ngày càng gia tăng ở vùng núi, trung du.
"Dù nhiệm kỳ qua đã rà soát, đưa ra khỏi danh mục đầu tư nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên, bất cập của một số thủy điện đã và đang được đầu tư cho thấy công tác thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường của dự án chưa tốt. Quy hoạch rất quan trọng và cần thiết, phải tuân theo tự nhiên, có tầm nhìn dài hạn và hướng tới phát triển bền vững”, - ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Mat rung, lu nhanh hon, tai hoa lon hon-Hinh-5
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang). 
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu thực trạng chất lượng môi trường nước ta theo chiều hướng bất lợi, biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. "Dù tỷ lệ che phủ rừng tăng, việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả ' - bà Phương nói. Đồng thời cho rằng cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng của phát triển rừng trong phòng chống thiên tai.
Đề xuất đặc biệt quan tâm đến các dự án thủy điện, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt các thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước xem tác động đến môi trường thế nào, để đảm bảo an toàn và thông tin rộng rãi cho nhân dân yên tâm. Vừa qua nhân dân vùng hạ lưu rất bất an khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Đề cập đến việc cắt lũ, xả lũ của các hồ chứa, hồ thủy điện trong đợt bão lũ vừa qua, đại biểu Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện có trách nhiệm giải phóng mặt bằng tại vùng hạ du để bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.
Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đánh giá tác độ biến đổi khí hậu đến từng hồ đập, mức độ an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện, đặc biệt trong mùa lũ; tăng cường giám sát việc trồng và phục hồi rừng tại khu vực triển khai dự án thủy diện...
>>> Mời độc giả xem thêm video Các nghệ sĩ chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung

Nguồn: VTV 24

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)