Phải nói rằng, việc xuất hiện của Luật sư trong hoạt động tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ vụ án, Luật sư không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, là chỗ dựa tin cậy cho bị can, bị cáo, người bị hại,… Quan trọng hơn, Luật sư còn góp phần bảo vệ, đảm bảo sự “thượng tôn pháp luật” trong các phiên tòa. Thế nhưng, trong vòng 08 tháng qua, xảy ra các vụ việc Luật sư bị “xốc nách” đưa ra khỏi phiên tòa, khiến dư luận bức xúc.
|
Hình ảnh luật sư Toản bị “xốc” nách ra ngoài. Ảnh PLO |
Mới đây nhất, ngày 23/7/2020, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Kạn xét xử 03 bị cáo Nguyễn Song Lý (SN 1974, thường trú phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Trần Thị Minh Hằng (SN 1968, trú tổ 2, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) và Lâm Văn Thông (SN 1962, tổ 16, phường Quan Triều, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Luật sư Trần Quốc Toản là người bào chữa cho 02 bị cáo Nguyễn Song Lý và Trần Thị Minh Hằng, ngay từ khi phiên toà được mở lại, Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế “không cho” Luật sư Toản tiếp tục với phần hỏi của mình (trước đó, chiều ngày 21/7, phiên toà đã phải tạm dừng khi trình chiếu xong bản ghi hình có âm thanh của bị cáo Trần Thị Minh Hằng cung cấp).
Luật sư Toản cho rằng, vụ án đang trong phần hỏi và còn nhiều điểm cần được làm rõ sẽ làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan, nên yêu cầu Chủ toạ phiên toà chấp nhận để Luật sư tiếp tục với phần hỏi. Tuy nhiên, Chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế không đồng ý và yêu cầu lập biên bản, đồng thời, cho lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp “xốc nách” áp giải Luật sư Toản ra khỏi hội trường xét xử.
“Chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế đang làm trái với pháp luật, khi ngang nhiên “tước đi” quyền của Luật sư được phép hỏi để làm rõ nhiều tình tiết còn “mập mờ” trong vụ án.
Đồng thời, bản thân chủ toạ phiên toà đang làm trái với quy định của pháp luật, khi quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 25/QĐXXHS – ST do thẩm phán Chu Đức Quế ký ban hành ngày 07/7, đang bị tôi khiếu nại nhưng chưa được Chánh án TAND tỉnh ban hành QĐ giải quyết khiếu nại theo qui định tại khoản 2, Điều 477 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, Thẩm phán Chu Đức Quế còn tự cho mình quyền được cho ai hỏi thì người đó được hỏi, mà quên mất là quyền hỏi thuộc về luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” – Luật sự Toản cho biết.
Dư luận vẫn chưa quên vụ việc xảy ra không lâu tại phiên Tòa phúc thẩm xét xử vụ án “đánh bạc” ở TAND tỉnh Điện Biên diễn ra vào ngày 03/3/2020, Luật sư Vũ Thị Nga – bào chữa cho bị cáo Phan Văn Rỵ (một trong số những người không nhận tội đánh bạc) cũng đã bị vị Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án.
Cũng trong phần hỏi, Luật sư Nga đặt một số câu hỏi đối với bị cáo Lò Văn Toản (cựu đại biểu HĐND xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) thì bị HĐXX nhắc nhở về việc “tòa đang làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo, do đó cần tập trung vào hành vi đánh bạc của Lò Văn Toản”. Sau đó, Luật sư Nga nói tiếp nhưng bị chủ tọa cắt ngang, đồng thời đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa Luật sư Nga ra khỏi phòng xử.
Về phần mình, Luật sư Nga cho rằng: “Quá trình bào chữa cho bị cáo, Luật sư không vi phạm bất cứ điều gì, chấp hành đẩy đủ nội các nội quy phiên tòa. Khi tôi đang hỏi bị cáo Toản về việc có hay không thấy bị cáo Rỵ đánh bạc và đến phần bị cáo Toản trả lời “không thấy bị cáo Rỵ đánh bạc thế nào, đánh bao nhiêu,… thì bị ngắt lời nhưng không được chủ tọa hỏi vì sao và sau đó tôi bị mời ra ngoài…”.
Liên quan tới vụ việc của Luật sư Vũ Thị Nga, ngày 08/4/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã có Văn bản số 87/LĐLSVN-UBBVQLLS gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Trưởng Ban Nội chính Trung ương,… về việc xem xét Chủ tọa phiên tòa có dấu hiệu lạm quyền, xâm phạm quyền hành nghề của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Điện Biên.
LĐLSVN cho rằng, Luật sư Vũ Thị Nga khi được phép của Chủ tọa phiên tòa đã tiến hành xét hỏi bị cáo Lò Văn Toản về nội dung liên quan đến bị cáo Phạm Văn Rỵ. Việc xét hỏi với nội dung liên quan làm sáng tỏ hành vi của các bị cáo là quyền của luật sư, quyền này cũng được Chủ tọa phiên tòa công bố và không bị giới hạn trong phạm vi xét xử của vụ án.
Do vậy, việc Chủ tọa phiên tòa ngay lập tức cắt ngang việc xét hỏi của Luật sư Nga, không cho Luật sư tiếp tục xét hỏi và buộc rời khỏi phòng xử án là không đảm bảo tính khách quan, có dấu hiệu cản trở, xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng tại phiên tòa.
Trong quá trình xét hỏi bị cáo, Luật sư Nga không có hành vi nào không tôn trọng HĐXX; không làm mất trật tự và không tuân theo điều hành của Chủ tọa phiên tòa. Việc Luật sư tham gia xét hỏi tại phiên tòa đối với bị cáo liên quan với bị cáo mà Luật sư bào chữa không thể bị coi là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa; hoàn toàn không phải là biểu hiện không tôn trọng HĐXX hay làm mất trật tự trong phiên tòa của Luật sư Nga.
Do đó, Luật sư Vũ Thị Nga và các luật sư tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 03/3/2020 không có biểu hiện vi phạm nội quy phiên tòa, không vi phạm khoản 10 Điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Việc Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Cảnh sát hỗ trợ tư pháp cưỡng chế buộc Luật sư Nga rời khỏi phòng xử án là không phù hợp, có dấu hiệu lạm quyền, xâm phạm trực tiếp đến quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa.
Từ đó, LĐLSVN đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương có ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tố tụng của tỉnh Điện Biên thận trọng xem xét và có kết luận về hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền bào chữa của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Trọng Đoàn.
Trên đây là những vụ mới nhất về hoạt động nghề nghiệp luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật. Nhưng có thể thấy, ngay tại phiên tòa, các Luật sư cũng bị cản trở trong việc làm rõ các tình tiết của vụ án. Do vậy, để “công lý được thực thi”, không kết tội oan, không bỏ lọt tội phạm thì điều cần thiết là các cơ quan tiến hành tố tụng cần tuân thủ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xét xử vụ án.