Trưa 6/1, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam (Bệnh viện dã chiến 2.3) thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan nhận được chỉ đạo của Trưởng Y tế Phái bộ về việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nặng từ Bunj về Thủ đô Juba điều trị. Bunj là khu vực giáp biên giới Sudan, cách Thủ đô Juba hơn 600km về phía Đông Bắc.
Ngay lập tức, Thiếu tá BS. CKII Trần Đăng Khoa, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến 2.3 đã hội chẩn cùng Chủ nhiệm khoa Nội - Truyền nhiễm và Đội Cấp cứu đường không (AMET), quyết định cử Đội AMET đi chuyến bay đặc biệt để cấp cứu và vận chuyển ca nhiễm.
Bệnh nhân Covid-19 là nữ nhân viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, biểu hiện bệnh khoảng 5 ngày, sau đó xuất hiện mệt, khó thở, tuy nhiên chưa được xử trí gì.
Ngay khi nhận được thông tin, Đội Cấp cứu đường không gồm Thượng úy BS. Đinh Văn Hồng và Thượng úy chuyên nghiệp Huỳnh Văn Khánh đã nhanh chóng xuất phát, rút ngắn thời gian tiếp cận bệnh nhân.
Đội Cấp cứu đường không thuộc Bệnh viện dã chiến 2.3 được giao nhiệm vụ sẵn sàng cấp cứu và vận chuyển bằng đường không trong khu vực Phái bộ khi có yêu cầu. Do mùa mưa không thể di chuyển bằng đường bộ nên việc vận chuyển bệnh nhân chủ yếu thực hiện bằng đường không.
Tuy nhiên, các sân bay ở Bentiu và vùng lân cận còn thô sơ (đường băng đất), đường băng nhỏ và ngắn, nguy cơ mất an toàn bay tăng cao, nhất là sau đợt lũ lụt lớn nhất lịch sử ở Nam Sudan, nước dâng cao và kéo dài gây ngập lún đường băng, việc vận chuyển càng gặp nhiều khó khăn.
Nữ nhân viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng là trường hợp Covid-19 đầu tiên được Bệnh viện dã chiến 2.3 Việt Nam cấp cứu và vận chuyển cách xa khu vực đóng quân (gần 500km về phía Đông) trong nhiệm kì này.
|
Đội Cấp cứu đường không (AMET) gấp rút chuẩn bị trước giờ lên đường - Ảnh: BVCC |
Thượng úy Khánh chia sẻ, ngay khi máy bay hạ cánh xuống Bunj, kíp đã trực tiếp tiến hành cấp cứu tại chỗ.
“Độ bão hoà oxy (SpO2) của bệnh nhân là 90% (mức thấp, dấu hiệu chuyển nặng). Chúng tôi cho người bệnh thở oxy, đồng thời trấn an, động viên và đưa bệnh nhân lên máy bay. Trong chuyến bay, F0 có biểu hiện mệt và khó thở tăng khi máy bay lên cao, nhưng đã được xử trí kịp thời”, Thượng úy Huỳnh Văn Khánh thông tin.
Sau khi vượt quãng đường 600km, đội Cấp cứu đường không đã chuyển và bàn giao bệnh nhân an toàn cho Bệnh viện cấp 2 cộng Ấn Độ ở Thủ đô Juba. Sau đó, kíp trở về Bentiu để tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến 2.3.
Nam Sudan là quốc gia “non trẻ” nhất thế giới nằm ở Đông Phi, đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài suốt từ năm 2013. Hiện nhiều khu vực ở Nam Sudan vẫn bị tàn phá bởi các cuộc xung đột, người dân nơi đây vẫn phải đối mặt với nội chiến, nạn đói và bệnh tật.
Từ cuối tháng 3/2021, các cán bộ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2.3 Việt Nam lên đường đến Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đây là lần thứ 3 nước ta tổ chức bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế.
Tình hình dịch Covid-19 ở Nam Sudan diễn biến phức tạp từ nửa cuối tháng 12 do sự bùng phát của biến chủng Omicron. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), riêng ngày 6/1, nước này ghi nhận 15.937 F0 mới, số ca đã hồi phục là 12.934 và số ca tử vong là 136. Tuy nhiên, số ca mắc thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần bởi năng lực chẩn đoán Covid-19 ở Nam Sudan rất hạn chế.
Trong 9 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ, Đội AMET đã triển khai cấp cứu và vận chuyển bằng đường không 15 trường hợp, trong đó ngoài ca Covid-19 nặng nói trên còn có các ca nhồi máu cơ tim cấp, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa...