29 tuổi, rời thủ đô phồn hoa, BS Quyết chọn BV đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai) công tác - nơi có nhiều xã nghèo nhất tỉnh.
Quyết định ấy từng bị gia đình ngăn cản quyết liệt song anh giải thích đầy kiên quyết: “Đây là dự án rất ý nghĩa, mỗi bác sĩ có điều kiện học tập nâng cao chuyên môn rất tốt. Khi có chuyên môn tốt, làm ở đâu cũng phục vụ bệnh nhân tốt và có cuộc sống tốt”. Cuối cùng, người thân cũng hiểu và ủng hộ.
So với các ngành khác, học ngành y vô cùng vất vả, trung bình 6 năm học bác sĩ đa khoa, 1 sinh viên phải đọc bao nhiêu cuốn sách? Có khi nào anh chỉ được ngủ 1-2 tiếng/ngày vì vừa phải đi trực vừa đi học?
Trung bình mỗi năm có khoảng 12 môn học, mỗi môn có 2-3 cuốn chính, như vậy 1 năm sinh viên trường y phải đọc ít nhất 40 cuốn, 6 năm khoảng 250 cuốn. Đây chỉ là những sách cơ bản, còn ai chịu khó, đọc cả sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung thì có thể lên tới gần 1.000 cuốn chưa kể sau này có người còn học tiếp bác sĩ nội trú, CK1. Đã là bác sĩ thì phải học tập suốt đời, vì chỉ ngơi nghỉ một chút, bạn sẽ tụt hậu.
Sinh viên trường y chính thức đi thực hành từ năm thứ 3. Buổi sáng sẽ đến BV lúc 7h30, 11h30-12h kết thúc, chiều 13h về trường học lý thuyết rồi lại trở lại trực ca tối từ 17h. Nếu hôm nào đông bệnh nhân thì cả đêm không được ngủ và sáng hôm sau lại đi học bình thường.
Cú “sốc” đầu tiên với sinh viên y có phải buổi học làm quen với những cái xác? Bản thân anh và bạn bè trải qua buổi học giải phẫu đầu tiên thế nào?
Sau khoảng 1-2 tuần đầu tiên, chúng tôi được vào phòng xác. Dù đã được làm quen từ từ bằng mô hình nhưng khi tới cửa, nhiều bạn không dám vào.
Có bạn vừa bước vào phòng rồi bước ra luôn vì không thể chịu nổi mùi phooc-môn và hình ảnh những cái xác, có bạn nữ khóc thét, có bạn buồn nôn, về ám ảnh không ăn được cơm. Nhưng sau khoảng 1-2 tuần, chúng tôi quen dần.
Học hành áp lực, vất vả vậy, đã khi nào anh có ý định từ bỏ ước mơ? Bạn bè anh có ai bỏ học giữa chừng hay ra trường nhưng chọn không làm bác sĩ?
Có chứ, cũng có lúc buồn, chán nản nhưng nhìn gương các bác sĩ đi trước, nghĩ họ làm được mình cũng phải làm được chứ. Nhưng thường năm nào cũng có 1-2 bạn xin chuyển trường vì không chịu nổi áp lực, có bạn năm thứ 5 xin bảo lưu để nghỉ một thời gian, có bạn nghỉ học hẳn, có bạn phải vào viện tâm thần điều trị và cũng có trường hợp đau lòng tự tử.
Ngay bạn cùng phòng tôi, khi ra trường đã đi làm tại bệnh viện một thời gian nhưng sau đó cảm thấy áp lực công việc, áp lực với bệnh nhân quá lớn nên đã xin nghỉ về làm công việc văn phòng.
Bác sĩ cũng là con người, không phải đấng toàn năng, đã có ca bệnh nào khiến bản thân anh thấy day dứt, dằn vặt?
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp, người ta đến với mình khi đã quá nặng, mình đã làm hết sức nhưng không cứu được. Khi ấy thấy buồn vô hạn.
Tôi còn nhớ hồi năm 3 trực tại BV Việt Đức. Một cháu bé 5-6 tuổi chuyển từ tuyến dưới lên do tường đổ vào người, dập nát hết một nửa người. Lúc đó cháu rất yếu nhưng vẫn tỉnh và cố thều thào: “Bác sĩ cứu cháu với!”.
Tôi không cầm được nước mắt. Sau đó, dù được hồi sức chuẩn bị lên phòng mổ nhưng do bị sốc chấn thương nên cuối cùng cháu vẫn không qua khỏi. Ánh mắt đó thực sự ám ảnh.
Câu chuyện bác sĩ và phong bì lâu nay luôn được dư luận để ý? Bản thân anh có quy định nào khi nhận phong bì?
Câu chuyện phong bì cũng xuất phát từ mức lương và thù lao cho bác sĩ chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Học rất vất vả, làm áp lực, không được phép sai sót, trong khi thu nhập không cao.
Các bác sĩ trẻ như chúng tôi, mới ra trường lương hệ số 2,34 như bao ngành khác, có cộng thêm phụ cấp ưu đãi ngành 40%, phụ cấp độc hại, tiền mổ, tiền trực... cũng chỉ 6-7 triệu. Mức này duy trì ít nhất trong 10 năm.
Với riêng tôi, trước khi điều trị, người nhà bệnh nhân đưa phong bì kiên quyết từ chối. Mình sẽ nhận cảm ơn khi điều trị xong, bệnh nhân ra viện nhưng nếu nhiều quá, mình cũng sẽ trả lại.
Như ở trên này thì không có phong bì đâu, bệnh nhân cảm ơn bằng những món quà quê rất hay như chè, cốm, bánh, có khi cả gạo nếp, riêng gà phải quý lắm mới cho vì là món giá trị (cười).
Người ta nói bác sĩ tuyến trung ương thì không ai nghèo. Nhìn nhận thẳng thắn, anh có cho rằng bác sĩ có thể làm giàu chân chính?
Trong ngành, những người có thu nhập 50-70 triệu/tháng được coi là giàu. Nhưng số này không nhiều, trình độ chuyên môn phải giỏi và làm lâu năm.
Nếu bác sĩ trẻ, để có thu nhập tốt sẽ phải làm thêm ở phòng khám, làm thêm bệnh viện tư vô cùng vất vả, thậm chí không có thời gian cho chính mình để nghỉ ngơi.
BHXH VN mới công bố kết quả khảo sát cho thấy giá dịch vụ y tế đã tăng nhưng chất lượng y tế vẫn giậm chân tại chỗ. Là người đã làm việc cả tuyến trung ương và cơ sở, bản thân anh nhận định như thế nào về kết luận này?
Chất lượng có lên nhưng chủ yếu tuyến trên chuyển biến rõ rệt hơn. Tuyến dưới còn phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất, chất lượng và số lượng nhân viên y tế, hiện đều chưa đủ.
Như BV nơi tôi đang làm việc có trên 200 giường bệnh nhưng hiện mới có 30 bác sĩ. Để đáp ứng cần ít nhất 10 bác sĩ nữa. Do nguồn nhân lực thiếu nên buộc những người còn lại phải gồng mình đáp ứng, làm 1 lúc nhiều chuyên khoa.
Chưa kể cũng có nhiều trường hợp bác sĩ tuyến cơ sở sau khi đi học nâng cao thì tuyển lên tuyến trên hoặc chuyển làm bệnh viện tư.
Tình trạng bạo hành y tế ngày càng nghiêm trọng. Từ khi đi làm đến nay, bản thân anh có từng bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân“khủng bố”?
Bản thân tôi chưa gặp nhưng khi trực ở BV Việt Đức và B V Bạch Mai, tôi đã gặp nhiều trường hợp gây gổ với những đồng nghiệp của mình. Khi ấy bức xúc trào dâng vì mọi người đã phải làm việc rất vất vả, cảm thấy nghề của mình nguy hiểm quá.
Khi ngồi lại với nhau, anh em bác sĩ đều nói về cảm giác như đơn độc khi ngành của mình chưa được tôn trọng, quan tâm và bảo vệ đúng mức.
Có ý kiến cho rằng, trong nhiều vụ hành hung nhân viên y tế có một phần lỗi của chính họ? Là người trong ngành, anh thấy có đúng không?
Nhìn nhận công tâm, ý kiến này chỉ đúng một phần. Đúng là có một số y, bác sĩ có thái độ ứng xử hơi thái quá với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nói một số câu không vui tai.
Nhưng cộng đồng cũng phải thông cảm vì nếu ngày nào bạn cũng khám 100 bệnh nhân nhưng bệnh nhân nào cũng hỏi, cũng thắc mắc thì bạn có giữ được bình tĩnh không? Nếu giải thích dài sẽ không có thời gian cho bệnh nhân sau, để chờ đợi lâu dễ bức xúc, giải thích ít lại khiến bệnh nhân cảm thấy không được quan tâm.
Vì lý do gì, việc hành hung cán bộ y tế là không thể chấp nhận được, khi ấy không chỉ 1 bệnh nhân mà nhiều bệnh nhân khác có thể không được cấp cứu kịp thời, nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu trong ngành công an bị hành hung là khép vào tội đánh người thi hành công vụ, xử rất nặng, hay đánh tiếp viên hàng không bị cấm bay. Vậy ngành y có thể cấm người đó đến chữa bệnh được không?
Tôi không nghĩ nghề thầy thuốc cao quý hơn các nghề khác nhưng khi đặt cạnh nhau, thật không khỏi chạnh lòng. Chúng tôi mong các BV sẽ được bảo vệ tốt hơn, các điều luật cần quy định nghiêm minh và cụ thể hơn.