Ngày 6/5, một người đàn ông chừng 30 tuổi, dắt theo 1 cô gái trẻ đến Cơ quan công an huyện Gia Lộc, Hải Dương, tự thú vừa đánh chết 1 người đàn ông vì nhầm tưởng là hiếp dâm. Danh tính đối tượng là Đinh Quang Tặng (36 tuổi, trú tại thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc).
Thông tin ban đầu được biết, 8h15’ cùng ngày, tại thôn Chằm, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương), ông C và chị P ra vườn chuối cạnh xưởng sản xuất hương Thu Hiền để quan hệ tình dục.
Lúc này, Đinh Quang Tặng (36 tuổi, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) vô tình đi qua. Nghĩ là ông C. có hành vi hiếp dâm P nên anh ta đã ra tay “cứu mỹ nhân”. Tặng dùng chân, tay đấm đá vào vùng mặt, vùng bụng ông C dẫn đến ông này tử vong.
|
Đinh Quang Tặng tại Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Công an nhân dân online) |
Vụ án hy hữu mà nhiều người gọi với cái tên mĩ miều “anh hùng cứu mỹ nhân” này đang gây xôn xao dư luận và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Có ý kiến cho rằng vì nghi can không có động cơ phạm tội và do nhầm lẫn nên không thể coi hành vi của nghi can là giết người hay nghi can cần được giảm nhẹ hình phạt do có động cơ trong sáng là “cứu người”.
Nói về câu chuyện khá lạ này, chia sẻ với PV báo điện tử Người đưa tin, luật sư Nguyễn Văn Đạt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đặt ra nhiều nghi vấn:
Theo luật sư Đạt “Ở đây mới là lời khai một phía của nghi can. Do nạn nhân đã chết nên cần điều tra mối quan hệ giữa nghi can và người phụ nữ, giữa nghi can và nạn nhân.
Tôi cho rằng nhiều tình tiết trong vụ án cần phải làm rõ, nhất là những tình tiết mà do nghi can khai. Chẳng hạn, nghi can cho rằng vì nhầm lẫn là có vụ hiếp dâm nên lao vào đánh đấm ông C. Thì phải chứng minh xem tại sao lại nhầm lẫn như thế? Thời gian, không gian, thời tiết khi đó, bối cảnh đó có dễ dẫn đến nhầm lẫn không? Cô P có kêu cứu hay không?, lúc ông C và cô P quan hệ có biểu hiện nào để khiến nghi can nhầm lẫn như vậy?
Mặt khác, lúc ông C bị đánh cô P cũng có ở đó, cô P có can ngăn nghi can đánh người hay không? Nếu có can ngăn thì nghi can có chấm dứt hành vi đánh người hay không?
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đạt: “Không loại trừ khả năng vụ án này có động cơ, mục đích chứ không đơn thuần là nhầm lẫn. Thậm chí, nếu có căn cứ rằng nghi can vô cớ ra tay sát hại nạn nhân một cách côn đồ thì nghi can còn phải chịu các chế tài tăng nặng hình phạt”.
Liên quan đến vụ án đánh chết người vì nhầm tưởng là hiếp dâm nói trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ thông tin báo chí có thể thấy, việc Tặng dùng chân tay đấm đá vào vùng mặt, bụng ông C dẫn đến việc ông này tử vong là lỗi cố ý. Do đó, đối tượng phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông C.
Tuy nhiên, theo ông Thơm cần phải xem xét động cơ của nghi phạm Tặng. Nếu Tặng và ông C không có mâu thuẫn, không quen biết trước đó thì hành vi của nghi phạm có thể chỉ mang tính bột phát, xuất phát từ động cơ mong muốn ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
“Tuy nhiên, do nóng vội, chưa tìm hiểu sự việc nên Tặng đã bột phát dùng chân tay đấm đá ông C. dẫn tới bị tử vong”, luật sư Thơm phân tích.
Theo luật sư, về ý thức chủ quan, Tặng không có thù oán, mâu thuẫn và không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng đã ra tự thú.
Xét về tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi thì Tặng chỉ dùng chân tay không đấm đá ông C. với mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật .
Do đó, xét một cách tổng thể toàn bộ diễn biến trong vụ việc này như báo chí đưa tin thì hành vi phạm tội của Đinh Quang Tặng có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 3, Điều 104 BLHS./.
(Theo Việt Đức/VOV.VN)