Giao cấu với trẻ em, vì sao không khởi tố?

Google News

Tôi hết sức đau lòng trước sự mù quáng của con. Cả làng này, ai cũng bảo liệu con tôi có hạnh phúc với một người như Phong?

Thời điểm Nguyễn Hải Phong đưa Thái Thị Kh. vào nhà trọ số 1, chỉ còn 13 ngày nữa, người đang chung sống như vợ chồng với Phong - cũng là một cô bé tuổi vị thành niên - sinh con. Cha cô - ông Nguyễn Văn Th. (xã Bình Thạnh, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) chua xót: “Gia đình tôi giờ đã tan nát hết rồi cô ạ!”. Hành trình đứt từng đoạn ruột của ông Th. phần lớn cũng do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, khởi đầu từ lúc con gái ông bước vào yêu đương, quay lưng với gia đình và phải làm mẹ bất đắc dĩ ở tuổi vị thành niên.
Con "từ" cha
Con gái ông Th. - Nguyễn Huỳnh N. (sinh ngày 26/6/2000). 13 tuổi, đang học lớp 7 thì N. phát sinh tình cảm với Nguyễn Hải Phong. Ông Th. hết lời khuyên can, thậm chí quỳ xuống xin Phong buông tha cho con gái của mình nhưng vẫn không được. Biết N. thường bỏ học đi chơi với Phong, ông chỉ còn cách quản thúc con bằng việc xây một tường rào kiên cố để N. không trốn nhà đi được nữa. N. trách cha chia rẽ tình yêu, ghét bỏ mình nên hai cha con thường xuyên cãi vã. Một tối tháng 10/2014, nhân lúc cha sơ ý, N. đã leo rào trốn đến nhà Phong, tuyên bố không nhìn mặt cha và không bao giờ quay lại nhà mình.
Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, Nguyễn Hải Phong lớn lên trong vòng tay của nội. Tốt nghiệp THPT, Phong mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Bà Cao Thị Quýt - bà nội Phong cho biết: “Thấy N. đến chung sống với Phong như vợ chồng, tôi lo lắng nên đã trình báo chính quyền, nhưng con bé cương quyết không chịu về nhà mình thì tôi biết làm sao?”.
Giao cau voi tre em, vi sao khong khoi to?
Nguyễn Huỳnh N. 
Ông Th. cũng đã đến công an (CA) H.Thủ Thừa trình báo sự việc, tố cáo Phong giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên, khi đối chất, Phong khẳng định mình không giao cấu với N. Trước kết quả “màng trinh rách cũ” khi cơ quan chức năng đưa N. đi giám định pháp y, N. tuyên bố: “Người con quan hệ không phải anh Phong mà là một người khác. Người này ở xa lắm, con cũng không biết ở đâu, làm gì. Con ở nhà anh Phong vì ba mẹ quá tàn nhẫn với con”. Từ lời khai này của N., thay vì tìm cho ra người đã giao cấu với một đứa trẻ là N. (nếu có); thì không hiểu sao cơ quan điều tra CA H.Thủ Thừa lại thể hiện sự bất lực bằng cách cho khép lại vụ việc.
Mức án vô lý
Theo bản án của TAND H.Thủ Thừa, đại diện Viện KSND H.Thủ Thừa truy tố Phong theo điểm a, d, khoản 2, điều 115 Bộ luật Hình sự, tức phạm tội có tình tiết tăng nặng: người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, phạm tội một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: phạm tội nhiều lần, làm nạn nhân có thai. Tuy vậy, vị này đồng thời đề nghị áp dụng điểm b, p, khoản 1, khoản 2, điều 46 Bộ luật Hình sự, tức áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như: người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (mẹ Phong đã bồi thường cho N. 30 triệu đồng); người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Với hai tình tiết giảm nhẹ này, đại diện Viện KSND H.Thủ Thừa đề nghị áp dụng điều 47 về “Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật”, xử phạt Phong trong khoảng 18-24 tháng tù giam. Không đồng ý với khung án của kiểm sát viên, luật sư bào chữa cho Phong khẳng định thêm, hiện gia đình phía bị cáo phải nuôi mẹ con N., N. cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên đề nghị tòa áp dụng cho bị cáo được hưởng… án treo. Cuối cùng, TAND H.Thủ Thừa tuyên phạt Phong mức án 18 tháng tù giam.
Thạc sĩ - luật gia Đồng Mạnh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Mức án thật quá vô lý, nhẹ hơn rất nhiều so với tội danh bị truy tố”. Ông Hùng phân tích: “Tòa đã vận dụng quy định chuyển khung hình phạt nhẹ hơn theo điều 47 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Hải Phong hoàn toàn không hợp lý, thiếu tính răn đe; chưa xem xét thấu đáo về hậu quả và tính nghiêm trọng của hành vi.
Cụ thể: tòa cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ là chưa chính xác; vì: “bồi thường cho nạn nhân, khắc phục hậu quả và nuôi dưỡng mẹ con nạn nhân” chỉ được gom chung là một tình tiết giảm nhẹ. Còn đối với tình tiết “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải” thì không có cơ sở, do ngay khi phát hiện Phong có hành vi giao cấu với N., gia đình N. đã có đơn tố giác Phong nhưng trước sau Phong nhất định không thừa nhận. Mãi đến khi N. sinh con, phải dùng biện pháp xác định ADN thì Phong mới chịu thừa nhận. Do đó, không thể coi là Phong có hành vi thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải được.
Phong chỉ có duy nhất một tình tiết giảm nhẹ như đã phân tích ở trên nên không đủ điều kiện áp dụng điều 47 (quy định có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ) nhằm chuyển đổi, áp dụng dưới khung hình phạt. Hơn nữa, Phong bị truy tố với hai tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội nhiều lần và làm cho nạn nhân có thai đã chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, bị cáo sẽ bị áp dụng trên mức trung bình của khung hình phạt là trên bảy năm. Như vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, căn cứ vào khoản 4, điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Tuyên một mức án quá nương tay, vô lý, bất chấp tính răn re của pháp luật như vậy, không biết có sự chủ quan, khuất tất nào trong việc xét xử của TAND H.Thủ Thừa đối với vụ án này hay không; như ông Th. phẫn nộ: “Nếu giao cấu với một đứa trẻ nhiều lần và khiến nạn nhân có thai, sau đó bồi thường vài chục triệu đồng thì làm sao đủ làm bài học cho ai được, huống hồ còn có thể tạo ra một “tiền lệ” xấu cho người khác”. Ông Th. khẳng định mình đã không kháng cáo bởi lần đầu ra tòa, nhờ đến công lý lại gặp phải sự thiếu công tâm khiến ông không còn niềm tin nữa.
Trong quá trình ông Nguyễn Văn Th. liên tục tố giác Nguyễn Hải Phong phạm tội giao cấu với con gái mình, nếu cơ quan chức năng tận lực vào cuộc, không đợi mọi thứ đã “bày lên mâm” - tức đến ngày N. sinh con mới giám định ADN, thì liệu có xảy ra chuyện N. mang thai, rồi Phong đưa Kh. vào nhà trọ?
Mãi đến đầu năm 2015, biết con gái đang mang thai, ông Th. lập tức gửi đơn tố giác tội phạm đối với Nguyễn Hải Phong. Một lần nữa, Phong cam kết không xâm hại tình dục N. và N. vẫn kiên quyết đứa trẻ mình đang mang không phải con của Phong. Cơ quan điều tra CA H.Thủ Thừa thêm một lần chứng tỏ sự tắc trách của mình, không tận tâm vào cuộc.
Ông Th. cố chịu đựng chờ đến ngày con gái sắp sinh con, tiếp tục mang đơn đi tố giác. Lần này, ông yêu cầu được giám định ADN giữa Phong và đứa trẻ N. sắp sinh. Ngày 13/8/2015, N. sinh con. Kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM ngày 17/12/2015 cho thấy: Nguyễn Hải Phong là cha đẻ của đứa trẻ với xác xuất 99,9999%. Thế nhưng, không hiểu vì sao mãi đến 28/12/2015, Phong mới bị CA H.Thủ Thừa bắt tạm giam. Lúc này Phong thừa nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015 đã thực hiện hành vi giao cấu với N. tổng cộng ba lần.
Giao cau voi tre em, vi sao khong khoi to?-Hinh-2
 Ông Th. đang trình bày câu chuyện.
Ông Th. cho biết: “Ngay khi Phong bị bắt, mẹ và các cô chú của Phong đã đến xin tôi cho đôi trẻ được tổ chức cưới, xin được bồi thường và xin tôi làm đơn bãi nại để Phong được nhẹ tội. Tôi không đồng ý, phần con gái tôi còn quá nhỏ, không khéo tôi mang tội tiếp tay con “tảo hôn”; phần gia đình tôi đã điêu đứng, tan tành vì hành vi của Phong, nên tôi bảo cứ để tội của Phong cho pháp luật xử lý. Hơn nữa, tôi được biết trước ngày N. sinh con hai tuần, Phong còn đưa Kh. (con gái ông D. trong bài 1: Nỗi tuyệt vọng của một người cha) vào nhà trọ. Chưa cần biết Phong có phạm tội giao cấu với Kh. không nhưng tôi không bao giờ chịu gả con cho một người như vậy. Chung sống như vợ chồng với người này, sao còn đưa người khác vô nhà trọ?”.
Ngày 21/3/2016, TAND H.Thủ Thừa mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Hải Phong tội “giao cấu với trẻ em”. Ông Th. nhớ lại: “Gặp nhau ở tòa, con gái lạnh lùng nhìn tôi, hỏi: “Ông làm vậy có mập thêm được 10 ký không?”. Tôi hết sức đau lòng trước sự mù quáng của con. Cả làng này, ai cũng bảo liệu con tôi có hạnh phúc với một người như Phong? Nhưng, người cha như tôi đã bất lực, tuyệt vọng lắm rồi!”.
Quan điểm của cơ quan điều tra
Thượng tá Trương Văn Vụ - Phó trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP. Tân An khẳng định: “Vụ này đối tượng cũng cứng đầu lắm! Làm việc với cơ quan điều tra là đối tượng sử dụng ba không: không biết, không nghe, không thấy. Phong không chịu nhận bất cứ điều gì. Cuối cùng phải đợi giám định ADN rồi dùng cơ sở đó đấu tranh Phong mới nhận. Vụ Thái Thị Kh. Phong cũng không nhận”. Chúng tôi đặt vấn đề: “Với tiền án như vậy, ông nghĩ Phong có thể phạm tội trong vụ việc của Thái Thị Kh. không?”. Ông Vụ đáp: “Có tiền án như thế nhưng đối tượng này thuộc dạng không bắt quả tang, không có chứng cứ thì phủi hết. Bản chất Nguyễn Hải Phong là vậy. Cảm giác nghề nghiệp cũng có thể có cái này cái kia nhưng chưa dám nói được”. Theo ông Vụ, dù vụ án đã khép lại bằng quyết định không khởi tố nhưng nếu có tình tiết, chứng cứ mới, cơ quan điều tra vẫn phục hồi điều tra.
Theo Báo Phụ Nữ

Bình luận(0)