4 học sinh bị bạo hành ở Cà Mau: Hư thì ông nội đánh là chuyện thường?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc 4 học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bị ông nội và 2 người chị đánh gây bầm tím khắp người do nghịch nước đang khiến các phụ huynh tranh luận về phương pháp dạy dỗ trẻ nhỏ.

Do cha mẹ đi làm công nhân xa nhà, bốn cháu nhỏ có quan hệ họ hàng với nhau được gửi ở nhà ông nội là ông Nguyễn Văn Hưng (ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên) trông giữ. Do tuổi nhỏ lại hiếu động, 4 em nhỏ nghịch nước, không vâng lời nên 4 cháu bé bị ông nội và người chị đã đánh, khiến một bé trai bị chấn thương ở phần mông, lưng, tay và bị gãy xương sống mũi.
Theo lời khai ban đầu, các cháu bị người chị ở chung nhà và ông nội đánh từ hôm thứ 7, ngày 31/8 và khi đi học mới được thầy cô phát hiện. Trong đó, bé Nguyễn Văn Lọt ngoài chấn thương phần mông, lưng, tay thì bác sĩ bệnh viện đa khoa TP Cà Mau ghi nhận bị gãy xương sống mũi.
Nhiều người cho rằng, việc ông nội “thương cho voi, cho vọt” là bình thường nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng, không nên dạy dỗ trẻ em bằng đòn roi vì như thế sẽ khiến đứa trẻ lì lợm và ươm mầm bạo lực cho các bé để cả khi trưởng thành.
4 hoc sinh bi bao hanh o Ca Mau: Hu thi ong Noi danh la chuyen thuong?
 Hình ảnh vết bầm trên cơ thể một cháu bé bị ông nội đánh.
Chị Bùi Thị Hiền (TP Hà Nội) cho rằng, bản thân chị không ủng hộ, thậm chí còn phản đối việc người lớn dạy dỗ trẻ em bằng đòn roi nhưng là một người mẹ chị có thể hiểu được cảm giác của người lớn khi nói mà con cháu không nghe lời.
“Khi đọc thông tin về việc 4 cháu bé mới 7, 8 tuổi bị ông nội đánh đến thâm bầm khắp người, tôi không mấy ngạc nhiên. Bởi đến nay, nhiều người vẫn giữ quan điểm “thương cho roi, cho vọt” hay “Uốn cây từ thuở còn non – Dạy con từ thuở con còn lên ba”. Việc các cháu nhỏ nghịch nước khiến người lớn lo lắng nguy cơ đuối nước, trong khi nhắc nhở, bảo ban không được đã đánh các cháu với mục đích để các cháu nghe lời. Tuy nhiên, do bực tức đánh cháu đến mức gây thương tích thì khó có thể chấp nhận được”, chị Hiền cho biết.
Việc trẻ em hư và bị người lớn dùng đòn roi, theo nhiều phụ huynh đây là tình trạng thường xuyên diễn ra. Nhiều phụ huynh lý giải rằng, khi con cái hư, nói không nghe lời, họ cảm thấy bất lực nên đã sử dụng đòn roi để dạy dỗ con cái.
“Khi nóng giận về con cái, cháu chắt không nghe lời, bản thân tôi cũng từng đánh các cháu nhưng chủ yếu là nhẹ để các cháu khi nhìn thấy roi là phải biết vâng lời, ngoan ngoãn. Việc ông nội đánh các cháu cũng có thể hiểu được nhưng không nên đánh mạnh như thế khiến các cháu bị tổn thương cả tâm hồn lẫn thể xác”, ông Trần Văn Minh (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết.
Ứng xử với những trường hợp trẻ hư, một số phụ huynh cho rằng, việc dùng đòn roi sẽ không thể giải quyết được tận gốc trong việc “giáo dục” trẻ nhỏ. Thậm chí còn có tác dụng ngược khiến những đứa trẻ bị người lớn đánh “lì đòn” và cứng đầu hơn khi các cháu nhận thấy, việc mình làm sai cũng lắm là bị đánh mà thôi. Nhiều trẻ em khi bị đánh đập còn có những hành vi tiêu cực nhưng chán ghét bố mẹ, ông bà, bỏ nhà đi dẫn đến nhiều hệ lụy.
“Cần phải chấm dứt ngay hành vi trừng phạt trẻ em bằng đòn roi bởi biện pháp bạo lực này sẽ gieo giắt tâm hồn trẻ nỗi sợ hãi, thậm chí khiến các cháu bị nhiễm thói hư bạo lực cho đến khi lớn lên. Không thể lấy một phương pháp tiêu cực phản giáo dục để giáo dục trẻ em như vậy được. Con cái đến trường bị thầy cô đánh mắng thì gia đình các cháu bức xúc nhưng những người thân trong gia đình đánh mắng các cháu dưới danh nghĩa giáo dục, răn dạy thì đó là hành vi không chấp nhận được, cần phải lên án”, chị Nguyễn Thị Lan (trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì dùng đòn roi khi trẻ em hư, người lớn cần nắm bắt tâm sinh lý của trẻ, mục đích của trẻ trong việc thể hiện những thái độ và hành vi chưa đúng. Từ đó có cách ứng xử cho phù hợp như khuyên bảo, lấy những câu chuyện nhân văn giảng giải của các em và nhiều phương pháp khác sẽ có hiệu quả tích cực hơn là dùng đòn roi.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)