Liên quan vụ học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway, ngày 3/9, VKSND quận Cầu Giấy, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Doãn Quý Phiến - nhân viên hợp đồng Công ty TNHH vận tải Ngân Hà - là tài xế đưa đón học sinh trường Gateway về hành vi "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật Hình sự. Hiện ông Phiến được cho tại ngoại.
Thông điều tra ban đầu cho thấy, cái chết của cháu Lê Hoàng L. (lớp 1 trường Gateway) có trách nhiệm của tài xế Doãn Quý Phiến khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Quy, dẫn tới việc bé L. bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy (SN 1964; trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) - người đưa đón cháu L.H.L về tội "Vô ý làm chết người".
Dư luận đặt ra câu hỏi, ngoài bà Nguyễn Bích Quy, lái xe Doãn Quý Phiến bị khởi tố, sắp tới giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu trường Gateway tiếp sau bị "gọi tên"?
|
Trường Gateway. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc có truy tố trách nhiệm của trường Gateway cũng như lãnh đạo trường này hay không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an.
"Kết quả này nằm trong quá trình điều tra, rà soát lại quy trình đưa đón các cháu như thế nào, có thực hiện đúng quy trình hay chưa và ai phải chịu trách nhiệm cho việc ban hành những quy định như vậy" - luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân cho rằng, cần làm rõ Trường tiểu học quốc tế Gateway có đảm bảo các quy định của Luật Giáo dục không? Có giấy phép và thực hiện đúng giấy phép và đăng ký kinh doanh không? Đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình giảng dạy, trang thiết bị, thu học phí, thuế khoá,...có đúng pháp luật không? Cam kết của trường đối với nhà nước, phụ huynh và học sinh như thế nào? Có thực hiện đúng hay gian dối, lừa đảo?...
“Nếu mang danh không đúng, quảng cáo không đúng sự thật để phụ huynh tin tưởng đưa con đến học mà hậu quả nghiêm trọng xảy ra,... thì nhà trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Luật sư Trần Đình Triển nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói rằng, không tưởng tượng nổi một trường quốc tế mà lại để xảy ra vụ việc tắc trách như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy vụ việc này có căn cứ để xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người đối với một số người có liên quan.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, ngoài việc xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân thì nhà trường này cũng phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định của bộ luật dân sự hiện hành, các khoản bồi thường bao gồm: tiền chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân trong gia đình đã nhận. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan quản lý về giáo dục cũng cần xem xét lại quy trình đào tạo của trường này và có thể áp dụng các biện pháp hành chính đối với trường này do để xảy ra sự vụ nghiêm trọng, mất an toàn cho học sinh.
Trao đổi với PV Kiến Thức về trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, để làm rõ trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm cần điều tra xem trách nhiệm của cô giáo đã hoàn thành chưa như việc giáo viên có nhận bàn giao học sinh hay không? Khi phát hiện cháu không đến trường thì cô giáo đã làm gì? Nếu thực sự cô đã thông báo với Ban giám hiệu mà Ban giám hiệu không có động thái nào như gọi cho cha mẹ cháu thì cần xem xét đến trách nhiệm của Ban giám hiệu luôn mới đúng bản chất vụ việc.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu kết quả điều tra cho thấy nạn nhân bị tử vong do người lái xe và giáo viên bỏ quên trên xe thì người lái xe và giáo viên, người có chức trách, nhiệm vụ đưa, đón học sinh này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
“Đối với giáo viên thì có trách nhiệm tiếp nhận học sinh, trong trường hợp học sinh có biểu hiện ốm đau, mệt mỏi hoặc không đến lớp thì giáo viên phải liên hệ với phụ huynh và báo cho nhà trường. Giáo viên quản lý lớp thấy thiếu học sinh mà không thông báo, không tìm kiếm thì người này cũng có lỗi và cần phải xem xét trách nhiệm”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.