|
Từ trái qua, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Đồng Tháp và Lào Cai |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về “làn gió mới” này, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ kỳ vọng, các nhà lãnh đạo sẽ trẻ cả về tư duy và hành động dám nghĩ, dám làm để tạo ra đột phá trong phát triển đất nước.
Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
Việc chuyển giao thế hệ đang diễn ra, khi vừa qua có đến 27/63 bí thư tỉnh, thành ủy được bầu thuộc thế hệ 7X, trong đó có nhiều người mới 42 - 45 tuổi, ông bình luận thế nào về “làn gió” mới mẻ này?
Việc trao quyền, trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ là một tiến trình đúng quy luật phát triển. Kết quả ở đại hội đảng bộ các tỉnh, thành vừa qua cho thấy chuyển giao thế hệ đang diễn ra rất tốt đẹp, khi có đến 27 người thuộc thế hệ 7X được bầu làm bí thư, trong đó người trẻ nhất là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp mới 42 tuổi. Như vậy, bước đầu, Đảng đã thành công trong việc xây dựng lực lượng kế cận được đào tạo bài bản, có trình độ cao.
Tuy nhiên, điều mà tôi và người dân mong chờ và kỳ vọng là sự “trẻ trung trong tư duy” và “trẻ trung trong hành động” của đội ngũ lãnh đạo thế hệ 7X. Đây mới là điều quan trọng, chứ trẻ về tuổi, sức lực mà tư duy, hành động lại cũ hơn những người 60-70 tuổi thì rất đáng lo. Cho nên, tôi mong rằng những bí thư 7X phải trẻ cả về độ tuổi, sức lực, trí tuệ, cũng như trong tư duy hành động; quyết liệt, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Điều chúng tôi kỳ vọng thứ 2 là với một dàn lãnh đạo trẻ như thế thì sự đổi mới của đất nước cũng phải mạnh mẽ hơn. Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, cũng như nhu cầu cấp thiết của đất nước đang đòi hỏi phải đổi mới, phải mạnh mẽ hơn, đột phá hơn để tránh tụt hậu. Nói gì thì nói, điều đáng lo ngại nhất của nước ta hiện nay chính là sự tụt hậu. Thế giới đang tiến lên mạnh mẽ, các quốc gia thay đổi rất nhanh chóng, mà chúng ta cứ “từ từ” thì rất khó thu hẹp được khoảng cách phát triển.
Vì thế chuyển giao thế hệ rồi không có nghĩa là xong. Những thế hệ đi trước phải có trách nhiệm giám sát thế hệ đi sau. Trong bộ máy, trẻ và già phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phát huy các thế mạnh của nhau. “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, những nhà lãnh đạo trẻ cần phải khiêm tốn, ham học hỏi, trân trọng những thành công, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Còn trường hợp cứ cậy mình trẻ, có trình độ, có học vấn, thông thạo ngoại ngữ rồi coi thường kinh nghiệm của người lớn tuổi thì sẽ khó mà phát triển. Thế hệ nào cũng có thế mạnh riêng của mình cần kết hợp chặt chẽ với nhau để phát huy các ưu, nhược điểm.
Tránh xa các “viên đạn bọc tiền”
Tuổi trẻ thường có khát vọng và sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Song những thách thức, cám dỗ từ vị trí quyền lực cũng là rất lớn. Vậy làm cách nào để vượt qua được điều đó, thưa ông?
Tuổi trẻ thì đương nhiên phải có hoài bão, khát vọng; song khát vọng phải trong sáng, phải hướng đến người dân và xã hội, nếu vừa được trao quyền mà đã nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, “lợi ích nhóm” thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Vì thế, khi đã trở thành người có chức, có quyền, người lãnh đạo trẻ phải có đủ bản lĩnh để tránh được những cám dỗ của các “viên đạn bọc tiền”. Họ phải biết giữ gìn phẩm giá, bàn tay trong sáng, luôn đặt lợi ích người dân lên trên hết.
Ngoài ra, những lớp cán bộ thuộc thế hệ trước đây luôn là những người gương mẫu đi đầu trong gian khổ, hy sinh thì nay, những người thuộc lớp sau cũng phải học điều đó. Trẻ mà lại ngại chỗ khó, chỗ khổ, chỉ tìm cách đi đầu trong hưởng thụ lợi ích cá nhân thì hỏng. Trẻ có học hành thì phải biết vận dụng tri thức để điều hành công việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, phát triển nhanh hơn, đó mới là sức trẻ.
Lâu nay khi nhắc đến cán bộ trẻ nhiều người thường lo ngại tình trạng “chín ép”, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Không nên đánh đồng tuổi trẻ với việc “chín ép”. Phải khẳng định, tuổi trẻ hiện nay giỏi hơn chúng tôi ngày trước rất nhiều. Nếu có hiện tượng “chín ép” thì cũng chỉ xảy ra ở một vài trường hợp thôi. Lần này nhìn vào công tác chuẩn bị nhân sự từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi tin rằng hiện tượng “chín ép” đó sẽ không còn, hoặc nếu có thì cũng tỷ lệ rất thấp. Đảng và Nhà nước nên tạo thuận lợi để người trẻ phát huy được năng lực và sở trường của họ.
Cùng với việc chuyển giao thế hệ thì có một điểm đáng lưu ý nữa là tỷ lệ bí thư không phải người địa phương chiếm đến trên 50%. Theo ông, điều này có giúp ngăn chặn, hạn chế được tình trạng “cả họ làm quan” như đã từng xảy ra không?
Việc bố trí bí thư không phải người địa phương, nhất là đối với những cán bộ trẻ là rất tốt. Bởi văn hóa Á Đông của chúng ta thường có sự nể nang, nếu làm lãnh đạo ở địa phương cũng phải đối diện với những vấn đề liên quan đến dòng họ, gia đình, người thân, làng xóm. Lần này thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về việc bố trí bí thư không phải người địa phương sẽ giúp cho người đứng đầu thực hiện công việc một cách khách quan, tránh được tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Đến nay, đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành ủy đã kết thúc và chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, vô vàn việc cần phải làm, song tôi tin rằng với sự quyết tâm của Đảng, việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây cũng sẽ tốt đẹp. Những cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương trong nhiệm kỳ mới sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của nhân dân trong nhiệm kỳ mới.
Cảm ơn ông.