Tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ diễn ra ngày 23/7 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều câu hỏi của thí sinh và phụ huynh xoay quanh vấn đề điểm chuẩn của Đại học Y Hà Nội.
Ngoài ra, nhiều câu hỏi được gửi đến đại diện trường với nội dung liên quan cách thức xét tuyển, nộp hồ sơ, thông tin về các ngành học hay điều kiện để học văn bằng 2 tại trường.
|
PGS.TS Nguyễn Thị Yến trả lời thắc mắc của thí sinh và phụ huynh về cách thức xét tuyển của Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Hoàng Như. |
Giải đáp những thắc mắc về điểm chuẩn, PGS.TS Nguyễn Thị Yến – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Nhiều khả năng điểm chuẩn của trường năm nay thấp hơn năm ngoái. Vì vậy, thí sinh và phụ huynh có thể tham khảo điểm các ngành trong năm 2015 để cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển”.
Thí sinh Phạm Lê Phương thắc mắc: “Trong kì thi THPT vừa qua, em đạt 23 điểm. Em có thể đỗ ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội hay không?”.
PGS.TS Nguyễn Thị Yến nhận định: “Với những thí sinh có điểm thi khá thấp như 23 điểm, các em khó đỗ vào các ngành đào tạo bác sĩ hệ 6 năm như Y đa khoa. Tuy nhiên, các em vẫn có cơ hội đỗ ngành cử nhân của Đại học Y Hà Nội”.
Theo bà Yến, chương trình đào tạo của Đại học Y Hà Nội có 4 ngành đào tạo bác sĩ hệ 6 năm gồm: Bác sĩ Đa khoa, Y học Cổ truyền, Y học Dự phòng và Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt. Đây cũng là các ngành có điểm đầu vào cao nhất của trường.
Ngoài ra, trường có 5 ngành đào tạo cử nhân hệ 4 năm bao gồm: Ngành Xét nghiệm Y học, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ Nhãn khoa và Y tế Công cộng. Trong đó, Xét nghiệm Y học là ngành có điểm xét tuyển cao nhất trong các ngành cử nhân.
Trước nhiều câu hỏi liên quan tiếp nhận hồ sơ của trường, bà Yến cho biết, Đại học Y Hà Nội có 3 phương án nhận hồ sơ là nhận trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến từ ngày 1 đến 20/8.
“Thí sinh xét tuyển nguyện vọng 2 cũng được tính như các bạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại trường. Các em không nên quá lo lắng”, bà Yến chia sẻ.
Một điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2016 là Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa sẽ tuyển sinh mùa đầu tiên, với chỉ tiêu 100 ngành Bác sĩ Đa khoa. Chương trình đào tạo tại phân hiệu này tương đương cơ sở chính với cùng chương trình học, chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh những câu hỏi về xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2016, nhiều câu hỏi liên quan học văn bằng 2 sau khi đang học một ngành cử nhân tại trường.
Nữ trưởng phòng đào tạo cho biết, một sinh viên không thể học cùng lúc 2 ngành, vì Đại học Y Hà Nội không đào tạo văn bằng 2 cho sinh viên đang học chuyên ngành chính. Sau khi đã tốt nghiệp văn bằng 1, sinh viên có thể đăng ký học văn bằng 2. Ngành có văn bằng 2 duy nhất là Y học Dự phòng”.